10/06/2023 11:33:21

Hải Dương: Xót lòng Bảo vật quốc gia Chùa Giám, Cẩm Giàng

Ngày cuối tuần, quốc lộ 5 chói trang dưới cái nóng thiêu đốt, chúng tôi tìm về Chùa Giám, ngôi Chùa cổ trên 300 năm tuổi tọa lạc tại xã Cẩm Sơn (Định Sơn), huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, nơi lưu giữ tòa Cửu phẩm Liên hoa, một cổ vật tâm linh đặc biệt được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia.

Bảo vật quốc gia Cử phẩm Liên Hoa Chùa Giám

Ngôi chùa của lòng dân

Chị Ngô Thị Huyền – nhân viên Ban Di tích huyện Cẩm Giàng cho biết, Chùa Giám được xây dựng từ thời Lý và được danh y Tuệ Tĩnh trùng tu, tôn tạo vào thế kỷ 14. Đến cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, chùa được nhân dân xây dựng lại với quy mô lớn theo kiểu “nội công, ngoại quốc”, tiền thờ Phật, hậu thờ Thánh. Thánh ở đây chính là đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh, thánh Tổ của ngành y dược Việt Nam. Chùa được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia năm 1974.

Năm 2017 quần thể di tích gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh gồm: Đền Xưa – Chùa Giám – Đền Bia được nhà nước xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Trong đó Đền Xưa, dấu tích nơi đại danh y Tuệ Tĩnh cất tiếng khóc chào đời – Chùa Giám, nơi Tuệ Tĩnh được nuôi học, thành tài và Đền Bia nơi thờ tự tấm bia thiêng, tượng trưng cho linh hồn của ngài trở về với cố quốc.

Tòa Cửu phẩm Liên Hoa trên 300 năm tuổi là một trong những cổ vật tâm linh đặc biệt, điểm nhấn của Chùa Giám. Toàn bộ tòa  bằng gỗ sơn son thiếp vàng cao 4,44 mét với 9 tầng, mỗi tầng có 54 lớp cánh sen. Tòa có 6 mặt và 162 tượng Phật bố trí cân đối tại các tầng. Toàn bộ tòa Cửu phẩm nặng khoảng 4 tấn dược đặt trên một ngõng đá, chỉ cần dùng tay đẩy nhẹ, cả tòa sen vẫn có thể  quay vòng tròn. Tầng trên cùng của tòa có tượng A Di Đà cao 1 mét.  Năm 2016, tòa Cửu Phẩm Liên Hoa của Chùa Giám được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia.

Kiến trúc tinh xảo của tòa Cửu phẩm Liên Hoa

Vào ngày lễ Phật du khách thập phương thường đến đây chiếm bái, lễ Phật và đẩy cây Cửu phẩm Liên hoa quay nhẹ nhàng. Theo quan niệm của Phật giáo,  một vòng quay tháp Cửu Phẩm Liên Hoa tương ứng với 3.542.400 câu niệm Nam Mô A Di Đà Phật đem lại thân tâm an lạc và phước báu cho người quay. Rất tiếc hiện ngõng đá của tòa tháp đã hư hỏng, mái ngói, vì kèo và nhiều hạng mục quan trọng của lầu tháp đã xuống cấp hư hỏng nặng.

Chị Ngô Thị Huyền cho biết thêm, Chùa Giám xưa nằm ở bãi bồi giữa lòng sông. Trải qua chiến tranh cũng như thiên tai và biến đổi của địa chất, Chùa xuống cấp có nguy cơ bị đổ nát. Năm 1974, Chùa được người dân di chuyển về đây.

Điều kỳ diệu là mặc dù toàn bộ ngôi chùa bằng gỗ, không có chi tiết nào liên quan đến sắt thép nhưng khi di chuyển  tất cả cột kèo, mái ngói và các chi tiết nhỏ nhất của tòa Cửu phẩm Liên hoa đều được người dân tháo dỡ, đánh dấu tỷ mỉ đem về lắp đặt lại nguyên bản cho đến ngày nay.

Hơn 40 năm qua, dù trong hoàn cảnh chiến tranh, kinh tế khó khăn hay những thăng trầm của lịch sử, nhân dân vẫn giữ được Chùa và Lễ hội Chùa Giám hơn 40 năm qua vẫn được nhân dân và chính quyền địa phương duy trì tổ chức.

 

Tòa Cửu phẩm Liên Hoa, bảo vật quốc gia đặc biệt

Ngôi Chùa gắn với cuộc đời Lưỡng quốc Thần y Tuệ Tĩnh  

Theo chị Ngô Thị Huyền – nhân viên Ban Di tích huyện Cẩm Giàng, Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, quê ở thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, Cẩm Giàng, Hải Dương. Ông mồ côi cha mẹ từ lúc 6 tuổi và được sư Hải Trì, Chùa Hải Triều, tức Chùa Nghiêm Quang Tự (Chùa Giám ngày nay) đem về nuôi dạy.

Ông thi đỗ Hoàng Giáp năm 1351  nhưng không ra làm quan mà trở về Chùa cũ tu hành dùng hết tài chí của mình nghiên cứu y dược chữa bệnh cho người dân với phương châm Nam dược trị nam nhân.

Ông viết 2 cuốn sách nổi tiếng là “Hồng nghĩa giác tự y thư” và “Nam Dược thần hiệu chữa 184 loại bệnh với 580 phương thuốc bằng 3.873 phương gia giảm khác nhau.

Ông có công xây dựng và tu sửa  24 ngôi chùa. Chùa Hộ Xá ở Nam Định là ngôi Chùa đầu tiên ông tu sửa. Ông truyền day các tăng ni dùng ý xá làm nơi chữa bệnh cho người dân và dùng vườn xá làm nơi trồng thuốc chữa bệnh cho người nghèo.

Năm 1384 Tuệ Tĩnh được xung vào đoàn Sứ bộ sang nhà Minh (Trung Quốc). Tại đây ông đã chữa khỏi bệnh hậu sản và nhiều chứng bệnh hiểm nghèo cho vợ Vua Minh và nhiều hoàng thân quốc thích của triều đình. Ông được vua Minh phong là Thái y Thiền sư và giữ lại ở Điện Thái y không cho về nước.

Ông đã khóc trong ngày nhậm chức tại triều đình nhà Minh vì biết rằng không thể trở về quê hương cố quốc của mình được nữa, nên trước khi chết ông có lời di môn với hậu thế rằng: “Về sau có ai ở nước Nam sang, nhớ cho hài cốt tôi về với”.

Gần 300 năm sau, lời nguyện ước của ông được tiến sỹ Nguyễn Danh Nho, người cùng làng, cùng xã với ông, khi đó làm trưởng đoàn Sứ Bộ đi Sứ nhà Thanh hoạch định biên giới Việt – Trung. Ông Nguyễn Danh Nho đã tìm và gặp được mộ của đại danh y Tuệ Tĩnh bên bờ sông Trường Giang.

Day dứt với tiếng lòng hướng cội của người con xa quê Tuệ Tĩnh, rất nhiều lần Tiến sỹ Nguyễn Danh Nho xin vua nhà Thanh được mang hài cốt của ông về nước nhưng  không được vua nhà Thanh đồng ý.

Ông phải xin tạc tạo lại tấm bia và sao chép lại nội dung văn bia để mang về quê hương. Về nước sau khi văn bia được tạc tạo sao chép lại, tiến sỹ Nguyễn Danh Nho cho thuyền chở tấm bia đá về quê hương Tuệ Tĩnh. Thuyền chở đến khúc sông làng Văn Thai thì bị lật, tấm bia rơi xuống sông không vớt lên được. Khi nước rút, người dân vớt lên thấy đây là tấm bia quí của Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh, người dân đã lập một miếu nhỏ để thờ người. Và Đền Bia ngày nay chính là nới thờ tấm bia linh hồn của ngài, đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh trở về với cố hương tổ quốc.

Xót lòng trước bảo vật quốc gia “nằm im”, cột kèo hư mục..

Cảm động câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp của đại danh Y Tuệ Tĩnh, du khách càng xót lòng khi chứng kiến nhiều hạng mục kiến trúc của Chùa Giám đang xuống cấp trầm trọng.

Nhiều hạng mục của lầu Cửu phẩm đã xuống cấp trầm trọng.

Bảo vật quốc gia Cửu phẩm Liên Hoa thì hỏng trục quay nằm im lìm như bị “trọng thương”. Lớp sơn son thiếp vàng đã phai mờ theo thời gian. Các trụ cột của lầu Cửu phẩm cũng hư mục nặng phải chằng chống bằng những cột sắt.

Nhiều hạng mục quan trọng của Lầu Cửu phẩm hư họng nặng.

Mái ngói sạt vỡ có nguy cơ sạt đổ bất cứ lúc nào. Hệ thống tượng La Hán cổ phía hậu cung Chùa cũng xuống cấp, tường nứt giột thấm ẩm ướt. Nhiều bức tượng quí bị nứt mặt, tay, chân. Khu nhà thờ Mẫu các góc tường cũng nứt có nguy cơ đổ bất cứ lúc nào.

Mái ngói lầu Cửu phẩm có nguy đổ sập phải chống tạm bằng cột sắt

Xót xa trước cảnh xuống cấp của ngôi Chùa, chị Ngô Thị Huyền cho biết, dự án tu sửa bảo tồn Chùa Giám được chính quyền tỉnh, huyện, xã và nhân dân địa phương đặc biệt quan tâm.

Tượng cổ bị hư hỏng nặng

Hiện dự án bảo tồn, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt Chùa Giám đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thẩm định phê duyệt, UBND tỉnh đã đưa vào kế hoạch sửa chữa, bảo tồn khẩn cấp. Nhưng do là di tích quốc gia đặc biệt nên công việc bảo tồn yêu cầu rất khắt khe.

Cung thờ Mẫu tường nứt ẩm mốc ảnh hưởng đến hệ thống tượng cổ.

Được biết hiện các công đoạn, thủ tục cơ bản của dự án đã hoàn tất, kinh phí cũng đã được bố trí, tuy nhiên dù là dự án có kế hoạch bảo tồn, sửa chữa khẩn cấp vẫn chưa thể “khẩn cấp”. Có lẽ còn vướng khâu “đấu thầu”  chăng?

Khu hậu cung của Chùa xuống cấp tường nứt, ẩm thấp

Hy vọng với một dự án tâm linh đặc biệt như di tích quốc gia Chùa Giám và bảo vật cổ có một không hai Cửu phẩm Liên Hoa sẽ không phải chờ đợi lâu nữa để tu bổ chỉ bới những “nhùng nhằng” ở công đoạn đấu thầu.

 Hoàng Anh