Dịch COVID-19 đã đưa hơn 29 ngàn lao động Hà Tĩnh hồi hương trong năm 2021, trong số đó có khoảng 8.000 – 9.000 lao động đã quyết định ở lại quê hương sinh sống và tìm việc.
Thời gian qua, các ngành chức năng, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã nỗ lực triển khai các giải pháp để hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.
Sau hơn 12 năm bôn ba mưu sinh ở tỉnh Bình Dương, tháng 8/2021, cơn lốc COVID-19 khiến anh Trần Mạnh Hùng (SN 1986), quê ở huyện Can Lộc phải khăn gói về quê. Kết thúc thời gian cách ly theo quy định, anh Hùng quyết định ở lại tìm kiếm việc làm và được Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech Hà Tĩnh (Đức Thọ) tiếp nhận vào làm việc.
Mức thu nhập dù không cao như ở Bình Dương nhưng đổi lại, anh Hùng tìm được công việc phù hợp với tay nghề. Quan trọng hơn, anh được sống gần gia đình, đi lại thuận tiện và tìm thấy sự an yên trong suy nghĩ mà bấy lâu tha phương cầu thựckhông thể có được.
Anh Hùng trải lòng: “Những mất mát do dịch bệnh đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ và mong muốn tìm sự ổn định cho tương lai. Có tay nghề và kinh nghiệm nên khi vào làm việc tại Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech Hà Tĩnh, tôi được tin tưởng bố trí làm Tổ phó tổ cắt. Tôi đã xin cho vợ vào làm việc tại công ty để yên tâm ổn định cuộc lâu dài ở quê hương”.
Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech Hà Tĩnh (Cụm công nghiệp Đức Thọ, đóng tại xã Tùng Ảnh) cũng khá thuận lợi trong công tác tuyển dụng kể từ giữa năm 2021 đến nay với tổng số công nhân lao động hiện có 1.455 người. Ngay từ đầu năm 2022, công ty đã nhận hàng chục bộ hồ sơ xin việc, đây là tín hiệu khả quan để doanh nghiệp tiếp tục thu hút lao động với mục tiêu đạt tổng số 3.000 lao động đáp ứng 22 dây chuyền sản xuất của nhà máy.
Chị Lê Thúy Hiền – phụ trách nhân sự Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech Hà Tĩnh cho biết: “Trong số hơn 1 ngàn lao động mới vào làm việc, có hơn 10% người là lao động hồi hương do ảnh hưởng dịch COVID-19. Đây là những lao động đã có tay nghề, có tác phong làm việc chuyên nghiệp nên bắt nhịp công việc nhanh, năng suất lao động cao. Chúng tôi đang tiếp tục thu hút lực lượng này với các chính sách đãi ngộ hợp lý”.
Chính thức đi vào hoạt động vào tháng 11/2021, Công ty CP May Fivestar Hà Tĩnh đứng chân tại Khu công nghiệp Đại kim, xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn) đã góp phần làm sinh động hơn bức tranh việc làm ở Hà Tĩnh. Với tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng, dự kiến sản xuất 10 triệu sản phẩm quần áo xuất khẩu/năm, công ty cần có 3.000 lao động để đảm bảo công suất hoạt động.
Để thu hút nhân công, ngoài đảm bảo các chế độ, quyền lợi theo pháp luật, công ty tung ra nhiều chính sách hấp dẫn để thu hút lao động như: hỗ trợ ăn ca, xe đưa đón, tiền nhà trọ… Nhờ vậy, chỉ sau 3 tháng tuyển dụng, doanh nghiệp đã tuyển được hơn 600 công nhân, sản xuất 3 lô hàng đầu tiên với gần 100.000 sản phẩm.
Là một trong số những lao động được tuyển dụng đợt đầu tại Công ty CP May Fivestar Hà Tĩnh, chị Nguyễn Thị Thùy Linh (SN 2003) sống ở xã Sơn Tây, Hương Sơn chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp THCS, tôi đã đi làm phục vụ nhà hàng một thời gian. Do dịch COVID-19 nhà hàng phải đóng cửa, nên khi nghe tin trên địa bàn huyện có công ty đang tuyển dụng lao động tôi nộp hồ sơ ngay. Sau thời gian tháng làm việc, tôi thấy môi trường ở đây rất tốt nên quyết định sẽ gắn bó lâu dài, học hỏi để nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp”.
Ông Trần Đức Lịch – Giám đốc Công ty CP May Fivestar Hà Tĩnh cho biết: “Trong bối cảnh dịch bệnh nhiều khó khăn, lại là doanh nghiệp mới, cách xa trung tâm nhưng công ty đã tuyển dụng được số lao động tương đối lớn. Đó là động lực để năm 2022 công ty đạt mục tiêu tuyển dụng thêm 2.500 công nhân. Chỉ trong thời gian ngắn đầu năm 2022, công ty đã nhận được gần 300 hồ sơ xin việc, mong rằng con số này tiếp tục tăng để đảm bảo nhu cầu tuyển dụng cũng như công suất hoạt động của công ty trong thời gian tới”.
Theo báo cáo từ Sở LĐ-TB&XH, thống kê của UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, tính từ đầu năm 2021 đến 10/12/2021 toàn tỉnh có 56.893 người dân di cư từ các địa bàn vùng dịch trở về địa phương nơi cư trú, trong đó có 29.231 người trong độ tuổi lao động trở về mất việc làm. Trong số đó, có khoảng 8.000 – 9.000 lao động (chiếm tỷ lệ gần 30%) quyết định ở lại quê hương làm công nhân, phát triển mô hình kinh tế hoặc làm lao động tự do.
Thị trường lao động sôi động ngay từ đầu năm năm 2022 đã tục hứa hẹn nhiều cơ hội công việc mới cho người lao động đặc biệt là lao động hồi hương do dịch COVID -19.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy dẫu số lượng người lao động quan tâm tìm kiếm cơ hội việc làm có nhiều khởi sắc nhưng con số tuyển dụng thành công vẫn còn thấp so với nhu cầu DN. Chỉ tính qua kênh sàn giao dịch của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, sau 35 phiên giao dịch đầu năm, tính từ đầu năm đến nay trong tổng số hàng ngàn vị trí việc làm, các DN đã tuyển được khoảng 2.000 lao động, trong đó có 15% lao động hồi hương. Lao động Hà Tĩnh chưa đáp ứng đủ yêu cầu về số lượng cho DN trên địa bàn, trong khi đó toàn tỉnh vẫn còn hơn 100 ngàn lao động làm việc ở các khu kinh tế, khu công nghiệp trong cả nước.
Ông Nguyễn Trí Lạc – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh cho biết: Hà Tĩnh đang tập trung triển khai các giải pháp phát triển KT-XH giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gồm bốn trụ cột: Công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; nông nghiệp; dịch vụ, du lịch; dịch vụ cảng biển và logistics.
Cú hích trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và kế hoạch phát triển KT-XH 2020-2025 đó là tỉnh có thêm 55 dự án đầu tư trên địa bàn, trong đó có nhiều dự án lớn. Cùng với đó, Tập đoàn Vingroup chuẩn bị đưa Nhà máy sản xuất Pin VinES tại KKT Vũng Áng với tổng mức đầu tư khoảng 13 tỷ USD vào hoạt động và một số dự án hạ tầng đô thị, dịch vụ, thương mại.
Trên hành trình bứt phá mới, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm luôn được xác định là giải pháp nền tảng, trọng tâm, xuyên suốt nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển toàn diện và bền vững trên các lĩnh vực KT-XH, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2023 Hà Tĩnh trở thành tỉnh khá của cả nước.
Giang Nam