14/09/2021 8:48:09

Hà Nội nỗ lực không để lao động khó khăn bị lọt lưới an sinh

Hà Nội đang rà soát, lập danh sách những lao động bị dừng, mất việc làm, mất việc trong thời gian giãn cách xã hội, gồm cả người không có hộ khẩu Hà Nội, chưa đăng ký tạm trú để có phương án hỗ trợ kịp thời. Thành phố cũng đang khẩn trương thống kê số người lao động, người dân ngoại tỉnh có nguyện vọng trở về quê.

Hỗ trợ 500.000 đồng cho người chưa có tạm trú

Trao đổi với báo chí ngày 13/9, bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội cho biết, cơ quan này đã có văn bản đề nghị mặt trận cơ sở cấp quận, huyện, tổ chức chính trị – xã hội của thành phố rà soát lao động khó khăn để hỗ trợ.

Các đối tượng được hỗ trợ gồm: Người lao động bị dừng việc, mất việc làm trong thời gian Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16, tính từ ngày 23/7 đến hết giãn cách xã hội.

Điều kiện là lao động khó khăn nhưng không đủ điều kiện nhận hỗ trợ gói 26.000 tỷ đồng hay các nhóm lao động đặc thù của thành phố, không phân biệt người có hộ khẩu hay chưa làm đăng ký tạm trú.

Ngoài ra, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang thuê trọ; người nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn Hà Nội gặp khó khăn, có nhu cầu cũng sẽ được hỗ trợ.

Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ lao động ngoại tỉnh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh minh họa Nguồn: Internet

Để được nhận hỗ trợ, các nhóm trên liên hệ tổ trưởng dân phố hoặc làm đơn theo mẫu trước ngày 15/9, có đóng dấu của Ủy ban MTTQ xã, phường. Cấp này tổng hợp rồi gửi lên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận, huyện, thị xã xét duyệt để thành phố chuyển kinh phí về. Nguồn hỗ trợ trích từ Quỹ phòng chống Covid-19 của Hà Nội.

Theo bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội, chính sách hỗ trợ nêu trên nhằm không để các nhóm lao động khó khăn bị lọt lưới an sinh, nhất là người không có tạm trú tạm vắng.

Thông kê nhu cầu về quê của lao động ngoại tỉnh

Liên quan đến nhóm lao động ngoại tỉnh, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội mới đây cũng đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã đề nghị khẩn trương thống kê lao động, người dân ngoại tỉnh không có nơi cư trú trong thời gian giãn cách xã hội có nhu cầu về quê. Cùng với đó, phân loại đối tượng hưởng chính sách liên quan và chủ động rà soát, bố trí nơi ở tạm cho người không có nơi cư trú.

Theo thống kê sơ bộ, Hà Nội có khoảng 106.000 lao động tự do là người ngoại tỉnh cư trú không cố định. Để người lao động ngoại tỉnh vượt qua khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội, các sở, ngành, địa phương đã triển khai hỗ trợ bằng nhiều hình thức linh hoạt như vận động các chủ hộ có nhà cho thuê miễn, giảm tiền thuê nhà; huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ túi an sinh cho lao động tự do ngoại tỉnh.

Tính đến cuối ngày 12/9, các đơn vị bảo trợ xã hội trên địa bàn đã tiếp nhận 89 người lang thang, lao động tự do bị kẹt lại thủ đô. Những người này sẽ được các trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng trong thời gian này.

Sau 4 tuần hoạt động, đường dây nóng của MTTQ các cấp ở TP Hà Nội đã hỗ trợ 2.222 trường hợp gặp khó khăn với số tiền hơn 700 triệu đồng. Mặt trận các địa phương cũng đã hỗ trợ gần 250.000 suất quà trị giá gần 68 tỉ đồng cho người dân trong khu cách ly, người gặp khó khăn do dịch. Bên cạnh đó, hơn 30.000 chủ nhà trọ, cửa hàng đã miễn trên 30 tỉ đồng cho người đi thuê.

Trước đó, ngày 14/8/2021, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Văn bản số 2647/UBND-KGVX yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh không có nơi cư trú trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nguyên tắc “4 tại chỗ” theo chỉ đạo của UBND thành phố; linh hoạt, sáng tạo trong việc chăm lo, hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn do dịch Covdi-19 không có nơi cư trú.

UBND các quận, huyện chỉ đạo, lập danh sách người lao động, người dân ngoại tỉnh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 không có nơi cư trú trên địa bàn quản lý. Đồng thời, tổng hợp phân loại đối tượng đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 58/NQ-CP, Quyết định số 3642/QĐ-UBND và các chính sách đặc thù hỗ trợ của thành phố.

Đặc biệt, các địa phương cần chủ động rà soát, bố trí nơi ở tạm thời để đưa ngườdi lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn, không có nơi cư trú đến tạm trú; đồng thời phân công lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng, chống dịch tại các điểm tạm trú.

Hải Yến