Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tuyên truyền, ý thức tự giác tuân thủ quy định của người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã được nâng lên rõ rệt.
Những giải pháp đồng bộ về quản lý ATLĐ
Triển khai cụ thể công tác quản lý Nhà nước về ATLĐ trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch đồng bộ như: Ban hành kế hoạch ATVSLĐ, trong đó có nhiều giải pháp làm giảm tần suất TNLĐ chết người, đặc biệt với những ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ như: xây dựng, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, vận hành lưới điện.
Các kế hoạch Tháng hành động, Lễ phát động hành động về ATVSLĐ được tổ chức nề nếp vào tháng 5 hàng năm. Thông qua các hoạt động này đã có ý nghĩa tác động nhận thức sâu sắc tới các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, nâng cao nhận thức với người lao động, đáng chú ý là nhóm người lao động ở ngành nghề có nguy cơ mất ATLĐ; thông qua đó đã có ý thức chủ động tham gia các khóa huấn luyện ATLĐ đạt chuẩn kỹ năng ở các ngành nghề có nguy cơ cao như: xây dựng, hóa chất, điện, cơ khí…
Chính sự tác động truyền thông này đã giúp người lao động luôn có ý thức bảo vệ khi bước vào thị trường lao động, với một tâm thế tự tin, yên tâm trong lao động, sản xuất.
Cùng đó, UBDN thành phố Hà Nội cùng Sở LĐ-TB&XH cũng hướng dẫn các Quận, huyện, thị xã, các Tổng Công ty thuộc thành phố triển khai thực hiện kế hoạch tháng hành động về ATVSLĐ, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ.
Sở LĐ-TB&XH đã tăng cường kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp có nhiều nguy cơ mất an toàn, các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố. Qua đó, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động cũng như hộ dân sinh sống liền kề công trình.
Cụ thể: Lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra công tác quản lý nhà nước các quận huyện, các đơn vị dịch vụ huấn luyện ATVSLĐ, các đơn vị doanh nghiệp và công trình xây dựng về công tác an toàn, VSLĐ, phòng chống cháy nổ. Qua công tác kiểm tra đã yêu cầu các đơn vị thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động, kiến quyết đình chỉ các đơn vị không được sử dụng các máy có yêu cầu nghiêm ngặt về ATL Đ(chưa kiểm định, khai báo thiết bị, thiếu các thiết bị an toàn khi vận hành…), lập biên bản xử lý hành vi vi phạm về công tác an toàn tại các công trường xây dựng, doanh nghiệp có các hành vi vi phạm.
Năm 2019 đã kiểm tra 6 ban chỉ đạo quận, huyện, 30 đơn vị tại các công trình xây dựng gián tiếp với đường giao thông, các khu dân cư, 60 đơn vị doanh nghiệp có nguy cơ cao mất an toàn lao động.
Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp cùng Báo, Đài Phát thanh, truyền hình ở Trung ương và thành phố đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục Pháp luật ATVSLĐ, Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội. Tăng cường công tác phổ biến Luật ATVSLĐ cho người sử dụng lao động, người lao động, nhất là đối tượng lao động không có hợp đồng lao động (lao động tự do), làng nghề và người lao động làm việc trong môi trường có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.
Hàng năm, tổ chức tập huấn cho các cán bộ quản lý cấp huyện, xã, phường, các tổng công ty, đơn vị doanh nghiệp tại các điểm công nghiệp, làng nghề, các lao động không theo hợp đồng lao động trên địa bàn thành phố.
Quy định mới về Bảo hiểm TNLĐ và BNN còn vướng mắc
Sau khi Luật ATLĐ có hiệu lực thi hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định 37/2016/NĐ-CP hướng dẫn một số Điều luật của Luật ATVSLĐ về TNLĐ và BNN bắt buộc. Hàng năm, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai tuyên truyền, phổ biến các Quy định mới về BHTNLĐ, BNN trong các buổi tập huấn, đối thoại của Hội đồng ATVSLĐ thành phố với các đơn vị, doanh nghiệp, Tổng Công ty trên địa bàn.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, các văn bản hướng dẫn chưa cụ thể rõ ràng liên quan đến mức hỗ trợ. Do đó Sở LĐ-TB&XH chưa có đủ căn cứ thực hiện (hướng dẫn mức hỗ trợ tại khoản 2 Điều 24 của Nghị định 37/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 gây khó khăn trong việc xác định mức hỗ trợ do mỗi đơn vị cung cấp dịch vụ huấn luyện quy định mức giá huấn luyện khác nhau).
Về công tác chi trả bảo hiểm TNLĐ, BNN, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn số 37/2016/NĐ-CP, Sở LĐ-TB&XH chưa nhận được hồ sơ đề nghị hưởng chế độ TNLĐ, BNN (hỗ trợ chữa BNN, hỗ trợ phục hồi chức năng lao động…) của các tổ chức, cá nhân theo quy định.
Còn đối với các trường hợp bị TNLĐ và BNN, sau khi có biên bản điều tra của Đoàn điều tra tai nạn, biên bản giám định mức độ suy giảm sức khỏe do TNLĐ, BNN gây ra sẽ được gửi đến cơ quan Bảo hiểm xã hội để được chi trả theo quy định.
Thu Thủy