Sau 3 tháng học, 100% trong tổng số 105 lao động nông thôn của huyện Thanh Oai đã được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề pha chế đồ uống, bậc 1 do Viện Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp.
Đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp chuyển đổi khi mất đất của Hà Nội là một trong những vấn đề cấp bách giúp người lao động giải quyết nhu cầu việc làm để có thu nhập ổn định, góp phần đảm bảo an sinh xã hội bền vững.
Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Viện Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, phối hợp cùng Huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã tổ chức thành công khóa đào tạo sơ cấp nghề pha chế đồ uống cho đối tượng lao động nông thôn.
Dưới sự chỉ đạo và giám sát của UBND các cấp huyện Thanh Oai, Phòng LĐ-TB&XH huyện, 105 học viên trong độ tuổi lao động thuộc 3 xã Phương Trung, Dân Hòa và Cao Dương đã được thụ hưởng chương trình đào tạo sơ cấp nghề pha chế đồ uống miễn phí.
Sau hơn 3 tháng triển khai tại 3 xã, trung bình mỗi xã có 35 học viên đăng ký và được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, các học viên tham gia khóa học đều hoàn thành tốt các mô-đun đào tạo, đạt đủ tiêu chí về kỹ năng nghề. 100% học viên được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề pha chế đồ uống, bậc 1 do Viện Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp.
Một số học viên sau 1 thời gian học đã tự tin mở quán kinh doanh dịch vụ giải khát tại nhà. Các học viên chưa có việc làm sẽ được Phòng LĐ-TB&XH huyện kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ để giới thiệu, tạo việc làm.
Phát biểu tại Lễ bế giảng khóa học hôm 12/12, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Thanh Oai bày tỏ lời cảm ơn trước sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự tận tình của đội ngũ giáo viên giảng dạy thuộc Viện Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mang đến cho các học viên chương trình đào tạo bổ ích, thiết thực, đồng thời chúc mừng các học viên hoàn thành khóa học thành công.
“Các học viên sau khi được cấp chứng chỉ nghề, nếu có nhu cầu vay vốn ngân hàng để phát triển kinh doanh, phòng LĐ-TB&XH huyện sẽ hỗ trợ kết nối nhằm tạo điều kiện cho các học viên được vay vốn và mở rộng, phát triển kinh doanh” – ông Hùng nói thêm đồng thời bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm từ phía Viện Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có thêm nhiều chương trình đào tạo nghề cho các đối tượng lao động nông nghiệp bị mất đất trên địa bàn huyện.
Tại Lễ bế giảng, Tiến sĩ Trần Văn Dư – Viện trưởng Viện Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng bày tỏ hy vọng, toàn bộ 105 học viên sau khi tốt nghiệp sẽ sớm có việc làm và thu nhập ổn định.
Tiến sĩ Trần Văn Dư cũng cho rằng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, là bước đột phát để chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, dịch vụ,từng bước nâng cao trình độ cho đội ngũ lao động nông thôn.
Kết quả cho thấy: Những năm gần đây, sau khi đào tạo nghề, người lao động có việc làm mới làm việc hiệu quả cao hơn đạt trên 80%, có khoảng 24,5% số người thuộc hộ nghèo sau khi đào tạo nghề có việc làm ổn định và đã thoát nghèo. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn thực sự thiết thực, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trong cả nước cũng như huyện Thanh Oai.
Thu Thủy