26/04/2022 2:11:09

Gỡ “nút thắt” cho ngành giáo dục TP.HCM

Tại buổi làm việc của Đoàn công tác Bộ GD&ĐT do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì với Thường trực Thành ủy, UBND TP.HCM chiều 25/4 về định hướng phát triển GD&ĐT, đại diện các ban ngành đã đề xuất nhiều ý kiến nhằm tháo gỡ những khó khăn về giáo dục cho thành phố (TP) để phát triển phù hợp hơn trong thời gian tới.

Các đồng chí lãnh đạo TP.HCM và Bộ GD&ĐT tại buổi làm việc – Ảnh VIỆT DŨNG

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, với vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội lớn của cả nước, TP.HCM sẵn sàng là đơn vị thí điểm các cơ chế, mô hình mới phù hợp xu thế phát triển của thế giới cũng như nhận nhiệm vụ triển khai các chủ trương lớn trong giáo dục và đào tạo; đồng thời thông qua những đề xuất, gợi ý của Đoàn công tác sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc tạo điều kiện cho giáo dục của TP.HCM phát triển tương xứng với vai trò một thành phố trung tâm.

Quang cảnh buổi làm việc – Ảnh VIỆT DŨNG

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, toàn TP hiện có 2.366 trường, trong đó có 1.351 trường mầm non, 514 trường tiểu học, 286 trường THCS và 204 trường THPT. Tổng quy mô hoạt động hơn 1,6 triệu học sinh với gần 77.500 giáo viên. Bên cạnh đó, thành phố còn có 1.791 cơ sở giáo dục thường xuyên, 1.450 trung tâm ngoại ngữ, tin học và 310 trung tâm học tập cộng đồng tại 22 quận, huyện và TP Thủ Đức.

Đánh giá về một số bất cập trong quá trình thực hiện, một số quy định của trung ương chưa phù hợp với thực tiễn nên gặp bất cập, khó khăn khi triển khai, Phó chủ tịch Dương Anh Đức chia sẻ: “Hiện nay chưa có định biên và chế độ, chính sách phù hợp, thu hút đối với giáo viên ngoại ngữ, tin học, nhân viên y tế trường học, văn thư, thủ quỹ, kế toán, giáo viên dạy các môn âm nhạc, mỹ thuật… Ngoài ra, công tác giảng dạy kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn lúng túng. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên không đủ nhân sự điều hành quản lý”..

Kiến nghị với lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhiều cơ chế đặc thù phù hợp với TP, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cho biết, TP.HCM mong muốn được giao và chịu trách nhiệm toàn diện, thực hiện tất cả khâu tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương. Đề thi do Sở GD&ĐT tự xây dựng theo quy định của quy chế thi, bảo đảm đúng cấu trúc, định dạng đề thi do Bộ GD&ĐT ban hành.

Thành phố đã đặt ra một số chỉ tiêu phấn đấu giai đoạn 2021-2025 và định hướng 2030 như sau: Đến năm 2025 đạt tỷ lệ 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học; 80% thủ tục hành chính theo dịch vụ công trực tuyến; 80% trường tiểu học, 60% trường THCS và 80% trường THPT học 2 buổi/ngày ở mỗi quận, huyện; có ít nhất 24 trường ở mỗi bậc học thực hiện mô hình trường chất lượng cao, tiên tiến hội nhập quốc tế; 50% học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đạt trình độ ngoại ngữ bậc 2 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc, 90% học sinh sau khi tốt nghiệp THPT có trình độ ứng dụng CNTT cơ bản.

Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao sự nỗ lực của lãnh đạo và người dân thành phố để vượt qua đại dịch. TP.HCM đang hồi phục mạnh mẽ và nhanh chóng, trong tiến trình đó, cần có sự quan tâm, tập trung khắc phục và hạn chế tốt nhất tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục.

Trao đổi về mục đích của buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay: Để thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, ban hành chính sách đúng quy định và phù hợp với thực tiễn Bộ GD&ĐT cần đi thực tế, lắng nghe, tìm hiểu trao đổi với nhiều địa phương trên cả nước, từ vùng cao, vùng sâu, vùng xa cho đến các tỉnh, thành phố lớn của cả nước.

Trong chuyến công tác này, Bộ GD&ĐT mong muốn tìm hiểu tình hình giáo dục đào tạo trên địa bàn TP.HCM, cụ thể là tác động của dịch bệnh tới giáo dục- đào tạo của TP, đồng thời định hướng phát triển và kế hoạch phát triển thời gian tới.

Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ lớn như triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bởi Chương trình có được triển khai thành công hay không phụ thuộc sự vào cuộc chủ động, quyết tâm và quyết liệt của địa phương, đặc biệt là những TP lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên gửi lời cảm ơn lãnh đạo Bộ, Ngành giáo dục cả nước suốt thời gian qua đã hỗ trợ TP.HCM vượt qua khó khăn. “Những gì thuộc trách nhiệm TP thì sẽ quyết tâm tối đa; những gì thuộc Bộ GD&ĐT thì TP tin tưởng Bộ qua quá trình đi thực tế, kiểm tra sẽ ra những quyết sách phù hợp để gỡ khó cho địa phương” – Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Theo Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, TP HCM có 4 việc phải tập trung:

  • Rà soát hệ thống trường lớp, bởi vì áp lực dân số tại TP rất lớn.
  • Điều chỉnh, rà soát quy hoạch trường lớp gắn với hạ tầng giao thông, đô thị.
  • Tiếp tục ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút nguồn nhân lực.
  • Quan tâm công tác tổ chức, xây dựng Đảng, chính trị trong lĩnh vực GD-ĐT trên địa bàn TP.

Quang Trung