15/05/2023 12:49:49

Kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2023):

Giáo dục nghề nghiệp trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hướng tới kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2023), các cơ sở giáo dục đào tạo nghề trên cả nước đang diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa như trồng cây, viết bài cảm nhận, sưu tập các tác phẩm,… về Bác Hồ. Các hoạt động trên đã góp phần tuyên truyền sâu rộng về truyền thống lịch sử của dân tộc, giáo dục lòng yêu nước, yêu lao động theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều tác phẩm viết về giáo dục. Người thường xuyên thăm hỏi, động viên, quan tâm đến thế hệ học sinh, sinh viên (HSSV), khuyến khích HSSV miệt mài học tập và không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng để trở thành những người có đức, có tài, đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bác luôn nhấn mạnh HS-SV là nhân tố hàng đầu, quyết định vận mệnh của đất nước sau này.

Tinh thần này thể hiện rõ trong bài viết “Học sinh và lao động“, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (là một tài liệu chưa được công bố). Bản thảo do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1957, gồm bốn trang, viết vào mặt sau của tờ tin hằng ngày.

Mở đầu, Bác viết “Thi đỗ tiểu học rồi, thì muốn lên trung học, đỗ trung học rồi, thì muốn lên đại học – Riêng về mỗi cá nhân của người học sinh, thì ý muốn ấy không có gì lạ. Nhưng chung đối với nhà nước, thì ý muốn ấy thành vô lý; vì bất kỳ ở nước nào số trường trung học cũng ít hơn trường tiểu học, trường đại học càng ít hơn trường trung học. Thế thì những học trò không được chuyển cấp, sẽ làm gì?”.

Câu hỏi này cho đến hôm nay vẫn còn có tính thời sự. Bốn từ “Họ sẽ lao động” được Bác gạch chân, khẳng định một cách chắc chắn rằng con đường lao động là con đường đúng đắn nhất để con em chúng ta tiếp tục phấn đấu vươn lên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Người đã viết: “Tiểu học và trung học là giáo dục phổ thông, nó bồi dưỡng học sinh thành những người công dân có giác ngộ, có văn hóa, có sức khỏe, thành đạo quân lao động hậu bị to lớn: Mục đích chính của học sinh là để góp phần vào phát triển sản xuất của xã hội chủ nghĩa, nâng cao năng suất lao động. Vì vậy, cần phải chuẩn bị cho học sinh sẵn sàng tham gia sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoặc công việc xây dựng khác”.

Qua đó, Người đánh giá cao và khẳng định vai trò của lao động trong đời sống của xã hội, vì “Lao động tạo ra của cải, tạo ra văn minh, tạo ra hạnh phúc cho loài người. Vì vậy lao động là rất vẻ vang, rất cao cả. Cho nên mọi người phải yêu lao động, phải trọng lao động, phải ra sức lao động, để xây dựng cho Tổ quốc mạnh giàu”.

Làm nghề gì cũng phải học, học để nâng cao năng lực bản thân

Vào ngày 19-01-1959, tại Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Bác chỉ rõ: “Nói chung thanh niên phải chuẩn bị làm người chủ nước nhà. Muốn thế phải ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hóa…” và học “để phục vụ nhân dân, xây dựng Tổ quốc”. Bác nhắc nhở HSSV Việt Nam rằng: “Làm nghề gì cũng phải học” và mục đích của việc học là để “nâng cao năng lực làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống nhân dân càng no ấm, vui tươi”. Chính vì vậy, Bác đặc biệt quan tâm đến việc chăm lo đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng nghề nghiệp cho các thế hệ học sinh, sinh viên.

Điều đó có nghĩa rằng, ngay cả đối với một bộ phận thanh niên không theo học đại học, cao đẳng, thì việc học cũng luôn là việc hết sức quan trọng. Học từ các lớp dạy nghề, học từ kinh nghiệm cuộc sống, từ người đi trước, tự học… để nâng cao lối sống tích cực, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, ứng dụng được kiến thức vào lao động sản xuất và làm ăn kinh tế, làm giàu cho bản thân và xã hội.

Bác cũng lưu ý HSSV rằng, để việc học tập thành công và trở nên hữu ích thì học phải đi đôi với hành, lý thuyết phải đi cùng thực tiễn. Theo Người, “chỉ biết lý thuyết mà không biết thực hành thì cũng là trí thức có một nửa”, “học lý luận cũng phải kết hợp với thực hành”…

Tại sao học phải đi đôi với hành

Cụ thể, Bác khuyến khích thanh niên phải trau dồi nghề nghiệp: “Trong xã hội ta không có nghề nào thấp kém chỉ có những kẻ lười biếng, ỷ lại mới đáng xấu hổ… Tất cả lao động có ích cho xã hội đều là vẻ vang”.

Bác luôn khen ngợi thanh niên có tinh thần hăng hái, có nguyện vọng được làm việc để cống hiến cho đất nước nhưng do chưa tích luỹ được nhiều kinh nghiệm nên có lúc làm việc chưa đạt kết quả như ý muốn, thậm chí thất bại đâm ra nản lòng, thối chí. Vì vậy, Bác đặt ra yêu cầu và chỉ dẫn cho thanh niên là học gì, làm gì đều phải có chương trình, kế hoạch, có tinh thần phấn đấu cao và nghị lực lớn, nhưng Bác nhắc nhở: “Chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được”.

Thực ra vấn đề kết hợp giữa học và hành, công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho học sinh mới được Bác nêu ra, mà ngay từ năm 1919, tại Pháp, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc thay mặt nhóm những người yêu nước An Nam gửi cho Chính phủ Pháp, trình bày tám yêu sách của nhân dân An Nam, trong đó có quyền “Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ”.

Như vậy là quan điểm hướng nghiệp cho học sinh đã được hình thành ở Bác từ rất sớm. Quan điểm giáo dục kết hợp giữa học với hành, lý luận đi đôi với thực tiễn, được Người nêu lên nhất quán trong rất nhiều tác phẩm viết và nói của mình.

Cuộc đời của Bác là một quá trình vừa học tập vừa hoạt động cách mạng. Học tập để hoạt động cách mạng, đạt được mục đích, lý tưởng của mình; qua hoạt động cách mạng, không ngừng học tập, hoàn thiện tri thức và nhân cách của bản thân. Quá trình ấy đã tạo nên Hồ Chí Minh, một thầy giáo mẫu mực, một nhà giáo dục vĩ đại. Người đã để lại tấm gương cao đẹp về tinh thần tự học và học tập suốt đời mà chúng ta phải noi theo.

Quang Trung