Vị thế Việt Nam đang ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Những năm gần, đây nhiều quốc gia lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc… đã nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam; nhiều tập đoàn lớn đã chọn Việt Nam là điểm đến để đầu tư… Vì thế, chưa bao giờ vấn đề nguồn cung lao động có tay nghề chất lượng cao được đặt ra cấp thiết như hiện nay đối với cả nước nói chung và các tỉnh thành phía Nam nói riêng.
Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với ông Tô Xuân Giao – Phó trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề Công tác xã hội Việt Nam tại TP. HCM.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về thực trạng giáo dục nghề nghiệp tại một số địa phương khu vực phía Nam trong thời gian qua?
Ông Tô Xuân Giao: Hiện nay, có thể thấy công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tại các địa phương đã chú trong nâng cao chất lượng đào tạo để HSSV được trang bị toàn diện kiến thức và các kỹ năng làm việc trong môi trường công nghệ phát triển. Số lượng học viên ra trường đều có việc làm và doanh nghiệp không cần phải đào tạo lại chiếm tỷ lệ lớn.
Nhiều trường tại TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương…đã thu hút học sinh học nghề với số lượng lớn, thậm chí phải sàng lọc học sinh đầu vào rất kỹ từ kiến thức lực học đến tác phong, đạo đức và lối sống….
Cùng với sự cố gắng của tập thể lãnh đạo và cán bộ, giảng viên các trường, tại các tỉnh phía Nam còn có sự đồng hành, quan tâm của các sở, ban ngành của nhiều địa phương, tạo điều kiện thuận lơi cho tuyển sinh, phân luồng, đào tạo… Công tác này được thực hiện rất tốt tại Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp và Long An…

Phóng viên: Vậy khó khăn với GDNN các tỉnh, thành phía Nam là gì, thưa ông?
Ông Tô Xuân Giao: Cũng như GDNN cả nước, GDNN phái Nam cũng gặp một số khó khăn ách tắc từ một số Nghị định và Thông tư liên quan.
Cụ thể, trong quá trình liên kết, doanh nghiệp tham gia đào tạo phải thống nhất chương trình đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp. Theo quy định, người hướng dẫn, giảng dạy từ phía doanh nghiệp cũng phải có chứng chỉ sư phạm về dạy nghề….khiến việc đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Đối với doanh nghiệp, họ có trình độ tay nghề và kinh nghiệm vì được trau dồi trong môi trường công việc thực tế từ doanh nghiêp một thời gian dài, nhưng họ lại không có nghiệp vụ sư phạm và ngược lại.
Hay ở quy định tại Thông tư 05 của Bộ LĐTBXH ban hành về đào tạo ngành nghề độc hại chưa phù hợp với mức biên chế giảng viên. Ngoài ra, trang thiết bị một số trường vẫn còn thiếu.
Công tác tuyển sinh tại các trường cao đẳng hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn so với các trường đại học. Bộ GDĐT chưa cho phép hệ cao đẳng tại các trường nghề liên thông lên đại học.
Một khó khăn nữa trong lĩnh vực này chính là sự phân bổ kinh phí đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động vùng dân tộc thiểu số vẫn còn gặp nhiều trở ngại.
Cụ thể, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển Kinh tế – Xã hội: Xóa đói giảm nghèo, Nông thôn mới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó có mục tiêu phát triển công tác GDNN và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, nhiều địa phương miền núi, dân tộc thiểu số nhưng không trúng đối tượng.
Theo Quyết định 1719 của Thủ tướng về đối tượng thụ hưởng, đa số các trường và Trung tâm giáo dục thường xuyên và GDNN tại các tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa không nằm trên địa bàn xã thuộc đối tượng Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc này khiến cho các trường, các Trung tâm giáo dục thường xuyên và GDNN, bà con, người lao động tại các tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số bị thiệt thòi.

Phóng viên: Bước vào kỷ nguyên “vươn mình”, kỷ nguyên của phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, đặc biệt mới đây Tổng bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết 57- NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, theo ông công tác GDNN cần làm gì để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho xu thế phát triển mới này?
Ông Tô Xuân Giao: Bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc nâng cao năng suất và chất lượng lao động là một yêu cầu đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành công của giai đoạn mới. Nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định trong các văn kiện đại hội Đảng và các chiến lược tăng trưởng là một trong ba động lực (thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực) đột phá để phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo từ các cơ sở GDNN là nguồn lực vô cùng quan trọng, và nguồn nhân lực này các doanh nghiệp hiện nay đang rất “khát”.
Đơn cử, nguồn nhân lực có trình độ tay nghề để đáp ứng cho việc vận hành sân bay Long Thành thời gian tới là một ví dụ điển hình, hay nguồn nhân lực có ký năng phục vụ vận hành đường sắt tốc độ cao và nhà máy điện hạt nhân sắp tới đây thế nào.Theo tôi, công tác GDNN cần phải triển khai các các giải pháp sau đây:
Thứ nhất: Rà soát hệ thống chính sách, pháp luật nhằm tháo gỡ những vướng mắc ắch tắc để GDNN thực sự phát triển theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo.
Thứ 2: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn chuyển đổi số – Khung năng lực số – Công cụ hỗ trợ áp dụng trong hoạt động GDNN. Cách xây dựng nhà trường số thông qua tổ chức các hội thảo, thảo luận. Hiệp hội GDNN và nghề Công tác xã hội Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc hướng dẫn cho trên 50 trường trong cả nước thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số.
Thứ 3, cần khảo sát để xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu, tập trung vào đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ cao, kỹ thuật số, y tế, dịch vụ tài chính, logicstic những ngành mũi nhọn, ngành nghề mới mà thành phố, địa phương cần trong những năm tới, như mở ngành đào tạo công nghệ bán dẫn ở các công đoạn phù hợp.. đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động của nhà trường;
Thứ tư: Tăng cường kết nối giữa nhà trường và doanh nghiêp, tạo điều kiện cho học sinh thực tập, thực hành sát với thực tế các hoạt động sản xuất và kinh doanh, chủ yếu trong các khu công nghiệp, khu chế xuất có đầu tư FDI và nội địa. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế về GDNN nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên trong hệ thống; trao đổi học tập, tham quan trải nghiệm đối với HSSV trong nước với SV các trường cao đẳng một số nước phát triển, thông qua đó mở mang kiến thức thúc đẩy tinh thần học tập nâng tầm kỹ năng đối với HSSV.
Thực hiện: Thanh Quang