18/11/2020 9:57:24

Giảng viên – Chuyên gia trưởng nghề thiết kế đồ họa Nguyễn Thị Thanh Xuân: “Tôi học được ở sinh viên rất nhiều”

Để trở thành một giáo viên giỏi, cô Xuân luôn tâm niệm: Ngoài việc tích cực trau dồi nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, điều mà cô luôn hướng tới trong suốt quá trình giảng dạy là làm sao để trở thành người bạn thân thiết với học trò.

Giảng viên Nguyễn Thị Thanh Xuân: “Nếu bạn làm giáo viên, mặc dù tuổi có thể già nhưng tâm hồn và tính cách sẽ trẻ mãi vì luôn tiếp xúc với suy nghĩ và cách sống của giới trẻ”

Cô giáo của sinh viên đạt giải cuộc thi Vô địch thế giới nghề thiết kế đồ họa

Với kinh nghiệm 12 năm giảng dạy, cô Nguyễn Thị Thanh Xuân – giáo viên khoa Công nghệ thông tin (CNTT), chuyên nghành Thiết kế đồ họa (TKĐH) Trường Cao đẳng nghề Công Nghiệp Hà Nội là một giáo viên giỏi có thành tích xuất sắc, 5 năm liền tham gia các cuộc luyện thi và trở thành Chuyên gia trưởng nghề TKĐH cuộc thi tay nghề TKĐH cấp Quốc gia năm 2018-2020.

Từ những năm 2005, khi khái niệm CNTT hay TKĐH còn vô cùng xa lạ với nhiều người, cô Xuân đã không ngừng tìm hiểu, chỗ nào dạy là cô tìm đến học bằng tất cả niềm đam mê, nhiệt huyết.

“Tôi yêu thích vẽ từ nhỏ và có đam mê với kiến trúc nhưng vì nhiều lí do, tôi lại học Bách Khoa nghành CNTT. Vì vẫn yêu thích vẽ, lại học về máy tính nên tôi quyết định học thêm về TKĐH” – Cô Xuân chia sẻ.

Nếu như ở thời điểm này, TKĐH được coi là một ngành “hot” được săn đón với mức lương “ngất ngưởng” thì ở thời điểm đó lại trái ngược hoàn toàn. Khi đó, rất ít nơi dạy chuyên về TKĐH, cô phải tự cố gắng miệt mài trau dồi kiến thức, biết được chỗ nào dạy là cô theo học và bỏ ra 2 năm theo học tại FPT Arena theo chương trình của Ấn Độ.

Chính sự cố gắng không ngừng nghỉ ấy cùng với việc bản thân cô nhận thấy tính cách mình phù hợp với môi trường giáo dục, cô đã trở thành “người lái đò” đưa TKĐH đến gần hơn với các bạn trẻ, lan tỏa niềm đam mê của mình với tất cả mọi người. Được một người quen giới thiệu, cô xin vào dạy tại Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội và trở thành giáo viên khoa CNTT, chuyên nghành TKĐH.

Sinh viên Bùi Đình Duy (thứ 2 bên trái) do giảng viên Nguyễn Thị Thanh Xuân giảng dạy và hướng dẫn đã đạt giải nhất VCK quốc gia cuộc thi Vô địch thiết kế đồ họa thế giới

Suốt 12 năm giảng dạy, cô Xuân đã “bỏ túi” không ít kinh nghiệm cũng như những thành tích đáng tự hào và nhận được sự tín nhiệm từ BGH nhà trường cũng như chính các em sinh viên được cô chỉ dạy. Năm 2020, trong vai trò là Chuyên gia trưởng cuộc thi tay nghề TKĐH cấp Quốc gia, 2 thí sinh được cô Xuân huấn luyện đã đạt thành tích cao: Em Bùi Đình Duy đạt giải nhất cuộc thi Vô địch TKĐH thế giới được đi thi ở Mỹ vào tháng 8/2021 và em Ngô Tiến Đạt đạt giải nhất cuộc thi Kỹ năng nghề quốc gia và sẽ dự thi Kỹ năng nghề ASEAN ở Singapore sắp tới.

Là một trong những học trò được cô dạy và huấn luyện tại các cuộc thi, em Ngô Tiến Đạt chia sẻ: “Em cảm thấy may mắn khi được là học trò của cô, được cô đồng hành trong các cuộc thi mà em đã tham gia. Cô là giáo viên giỏi, rất tận tâm, nhiệt tình trong giảng dạy và trong cả các hoạt động giao lưu, chia sẻ cùng học sinh, hỗ trợ hết mình để chúng em có thể đạt kết quả tốt nhất.”

Đối với những học trò của cô, hình ảnh cô Xuân “tay xách nách mang” nào đồ ăn, nước uống đến cho các em lấy sức ôn luyện những tối muộn hay vui vẻ trở các em ra các bến xe buýt về nhà đã quá quen thuộc. Những ngày cô trò miệt mài ôn luyện cho Kỳ thi quốc gia tới tận khuya, cô lại lóc cóc mua đồ ăn tẩm bổ cho các em lấy sức “chiến đấu”.

Sinh viên của tôi “khác biệt”

Nhớ về những ngày đầu đứng lớp, cô Xuân không khỏi xúc động: “Trong những ngày đầu đứng trên bục giảng, dạy những bạn SV kém mình có 2-3 tuổi, lớp lại đông nên tôi thực sự rất run và lo lắng. Tôi gọi SV của mình là ‘các bạn’, khi xưng hô như thế các em rất quý và gần gũi với cô hơn, cả cô và trò cùng học hỏi lẫn nhau.”

Cô Nguyễn Thị Thanh Xuân trong 1 giờ giảng

Là cô giáo phải cực kỳ tâm lý mới có thể làm bạn với SV một cách ấm áp, chân thành nhất. Cô coi mình là “bạn” để có thể đặt mình vào vị trí của SV mà thấu hiểu những khó khăn, chia sẻ cùng các em. Cũng nhờ vậy, cô luôn làm tốt vai trò của người thầy, định hướng và dìu dắt SV từng bước đến thành công.

Do đặc thù ngành TKĐH thiên nhiều về sáng tạo, trong công việc, cô trò như hai người bạn, chia sẻ và cùng nhau vượt qua những thử thách, cùng nhau hoàn thành tác phẩm.

Đối với cô Xuân, cảm giác hạnh phúc khi được mấy chục con người ngồi im lặng lắng nghe mình giảng, chứng kiến quá trình SV của mình học tập và ra trường có công việc tốt, một cuộc sống hạnh phúc, có ích cho gia đình và xã hội…, là những “món quà vô giá” mà cô nhận được trong suốt những năm tháng đứng lớp.

“Sinh viên của tôi phần lớn có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện hoặc không đủ khả năng vào đại học…Các em có thể không giỏi, đôi khi không cả định hướng, không có đam mê…, nhưng khi bắt tay vào công việc cụ thể, tôi nhìn thấy “hy vọng” trong mắt các em, các em tự nhiên chăm chỉ hơn, tập trung và quyết tâm hơn. Dần dần niềm đam mê nhen nhóm trong lòng mà có khi các em còn chưa nhận ra” – Cô Xuân tự hào chia sẻ.

Dù cho nghề giáo viên giáo dục nghề nghiệp còn nhiều thiệt thòi, đồng lương ít ỏi, áp lực công việc nhiều, đặc biệt đòi hỏi người giáo viên không chỉ giảng lý thuyết trên lớp mà còn phải cùng các em thực hành thực tế…Thế nhưng, suốt những năm tháng giảng dạy, qua bao nhiêu lớp học trò, niềm đam mê với nghề của cô chưa lúc nào “nguội” đi.

Cô nói đùa rằng: “Con người ai rồi cũng sẽ già đi, sẽ khó tính vì coi mình hiểu biết nhiều và có kinh nghiệm hơn. Nhưng nếu bạn làm giáo viên, mặc dù tuổi có thể già nhưng tâm hồn và tính cách sẽ trẻ mãi vì lúc nào cũng tiếp xúc với suy nghĩ và cách sống của giới trẻ, của các em HSSV. Tôi cũng học được từ các em rất nhiều

                                                                                                    Thúy Anh