28/10/2020 7:58:44

Giai đoạn 2021-2030: Xây dựng mô hình hỗ trợ người khuyết tật khởi nghiệp

Linh hoạt trong tổ chức đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, xây dựng mô hình hỗ trợ người khuyết tật (NKT) khởi nghiệp, cho vay vốn ưu đãi để tạo việc làm và mở rộng việc làm.…

Đây là những nội dung quan trọng đáng chú ý trong Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030 được thông tin tại Hội nghị Tổng kết giai đoạn 2012 – 2020 và triển khai Chương trình giai đoạn 2021 – 2030 do Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam phối hợp tổ chức mới đây tại Ninh Bình.

Chú trọng trợ giúp giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật

Chương trình Trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt ngày 5/8/2020 nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của NKTt; tạo điều kiện để NKT tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội; xây dựng môi trường không rào cản bảo đảm quyền lợi hợp pháp của NKT và hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình.

Chương trình gồm 12 nhóm hoạt động trợ giúp, tăng thêm 3 nhóm so với giai đoạn 2012-2020 trước đó. 3 nhóm hoạt động trợ giúp mới bao gồm: Trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ NKT sống độc lập và hòa nhập cộng đồng; trợ giúp phụ nữ khuyết tật.

Hội nghị tổng kết Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2012 – 2020 và triển khai Chương trình giai đoạn 2021 – 2030. Ảnh: Anh Tuấn

Trong đó, hoạt động trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế tập trung các nhiệm vụ như: Rà soát và hoàn thiện văn bản hướng dẫn tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm đối với NKT; thống kê, đánh giá các cơ sở đào tạo nghề đối với NKT và nhu cầu học nghề của NKT; xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề đối với NKT linh hoạt về thời gian, địa điểm, tiến độ đào tạo phù hợp với nghề đào tạo.

Việc đào tạo nghề đối với NKT sẽ được triển khai thông qua các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp hoặc các tổ chức của NKT; các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có sử dụng lao động là NKT hoặc của NKT.

Chương trình cũng đặt ra nhiệm vụ nhân rộng mô hình hỗ trợ sinh kế đối với NKT; xây dựng mô hình hỗ trợ NKT khởi nghiệp; mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đối với NKT; mô hình hợp tác xã có NKT tham gia chuỗi giá trị sản phẩm.

Dành nhiều ưu tiên thanh niên khuyết tật khởi nghiệp, phụ nữ khuyết tại, NKT và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều lao động là NKT được vay vốn ưu đãi để tạo việc làm và mở rộng việc làm…

Khoảng 20.000 người khuyết tật được dạy nghề mỗi năm

Theo Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 6,2 triệu NKT chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 58% là nữ; 28,3% là trẻ em, gần 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Tính đến cuối năm 2019, đã có gần 3 triệu NKT được cấp giấy chứng nhận khuyết tật.

Trước đó, việc triển khai Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Bình quân mỗi năm có từ 17.000 – 20.000 người khuyết tật (NKT) được dạy nghề theo Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, cả nước hiện có 1.912 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổng số giáo viên tham gia dạy nghề cho người khuyết tật là 3.359 giáo viên.

Hàng chục nghìn NKT nặng, đặc biệt nặng được chăm sóc tại các cơ sở BTXH, hệ thống giao thông, công trình tiếp cận có sự nhận thức cơ bản; hơn 1,1 triệu NKT được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

Trên cơ sở kế thừa và phát huy thành quả đạt được về trợ giúp NKT giai đoạn 2012- 2020, đồng thời thực hiện Công ước quốc tế về quyền NKT, Chiến lược Incheon “đưa Quyền thành hiện thực” cho NKT ở châu Á – Thái Bình Dương giai đoạn 2013- 2022 và Luật NKT, ngày 5/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1190/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Tấn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Anh Tuấn

Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết: Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 có ý nghĩa quan trọng đến đời sống kinh tế, văn hóa và vị thế của NKT.

Hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình đã được thực hiện và cơ bản hoàn thành. Chương trình cũng đã thay đổi nhận thức, quan điểm, trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể và xã hội đối với vấn đề khuyết tật và NKT.

NKT đón nhận chương trình với tình cảm phấn khởi, tin tưởng; nhiều NKT được hỗ trợ bằng nhiều hình thức. Nhiều NKT được học nghề, có việc làm, có thu nhập, đời sống được cải thiện…

Việc tổng kết tình hình triển khai thực hiện Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 và triển khai Chương trình 2021-2030 bởi vậy có vai trò quan trọng trong việc thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về NKT và Luật NKT, thúc đẩy hòa nhập đời sống xã hội của NKT..

Năm 2014, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT.Tháng 3/2019, Việt Nam phê chuẩn Công ước 159 của ILO về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho NKT. Qua đó, khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc đảm bảo người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động việc làm…
Thùy Dương