02/04/2022 8:46:39

Giá vàng 2/4: Trên đà đi xuống

Giá vàng hôm nay đi xuống trong bối cảnh dòng tiền trên thị trường tập trung vào USD, trái phiếu Mỹ và cổ phiếu quốc tế.

Rạng sáng 2/4 (giờ Việt Nam) giá vàng kỳ hạn tháng 6 trên sàn Comex giảm 30 USD trong ngày và giao dịch ở mức 1.924,2 USD/ounce. Vàng giao ngay giao dịch lần cuối ở mức 1.925,6 USD/ounce, giảm 10,5 USD/ounce so với ngày trước đó.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đêm qua đã nhảy vọt lên 2,404%, cản trở mạnh đà phục hồi của kim loại quý. Bên cạnh đó, xu hướng tăng ngắn hạn của các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng gây áp lực lên giá vàng.

Ở một diễn biến khác, lạm phát tháng 3 của khu vực đồng Euro đã tăng tốc lên mức kỷ lục 7,5%, từ mức tăng 5,9% đã được điều chỉnh vào tháng 2. Lạm phát tại châu Âu tăng chủ yếu do cuộc xung đột Nga – Ukraine làm tăng chi phí năng lượng. Hiện tại, thị trường tiền tệ đang dự báo về một động thái thắt chặt mạnh mẽ hơn từ Ngân hàng Trung ương châu Âu trong năm nay.

Về mặt kỹ thuật, các nhà đầu cơ giá vàng lên kỳ hạn tháng 6 có lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn với mục tiêu đưa giá lên mức kháng cự vững chắc 2.000 USD/ounce. Trong khi đó, mục tiêu của các nhà đầu cơ giá xuống là đẩy giá xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc 1.850 USD/ounce.

Mặt khác, cổ phiếu tại châu Âu và Mỹ tăng giá trở lại sau nhiều ngày đồng loạt “đỏ” sàn. Điều này cho thấy giới đầu tư đã dồn vốn vào chứng khoán quốc tế, đồng nghĩa dòng tiền chảy vào thị trường vàng hết sức khiêm tốn. Giá vàng hôm nay đi xuống tất yếu.

Giá vàng thế giới rạng sáng 2-4 (giờ Việt Nam) niêm yết tại Kitco là 1.925,6 USD/ounce, tương đương khoảng 53,3 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường trong nước, từ 9 giờ đến 17 giờ ngày 1/4, do giá vàng thế giới biến động không đáng kể, sức mua trong nước gần bằng không nên trong khoảng thời gian này, giá vàng SJC chỉ giảm 50.000 đồng/lượng, chốt cuối ngày 69,1 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước rạng sáng 2-4 tăng nhẹ với mức tăng từ 100.000 đến 400.000 đồng/lượng. Mặc dù tăng nhưng giá vàng trong nước vẫn đang giao dịch quanh mức 68 triệu đồng/lượng mua vào và 69 triệu đồng/lượng bán ra.

Ghi nhận mức tăng mạnh nhất là vàng thương hiệu DOJI. Cụ thể, DOJI ở khu vực TP Hồ Chí Minh đã điều chỉnh tăng 400.000 đồng ở chiều mua và 200.000 đồng ở chiều bán lên lần lượt 68,3 triệu đồng/lượng và 69 triệu đồng/lượng. Ở khu vực Hà Nội, vàng DOJI đang mua vào mức 68,25 triệu đồng/lượng và bán ra mức 68,95 triệu đồng/lượng, tăng 350.000 đồng ở chiều mua và 100.000 đồng ở chiều bán.

Tiếp theo là vàng SJC. Rạng sáng 2-4, SJC ở khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đã điều chỉnh tăng 250.000 đồng ở cả hai chiều. Với mức tăng này, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 68,4 triệu đồng/lượng mua vào và 69,12 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.

Phú Quý SJC và Maritime Bank cũng điều chỉnh tăng nhẹ giá vàng so với ngày trước đó. Cụ thể, giá vàng Phú Quý SJC đã tăng 200.000 đồng ở chiều mua và 100.000 đồng ở chiều bán lên lần lượt 68,25 triệu đồng/lượng và 68,9 triệu đồng/lượng. Giá vàng Maritime Bank đang là 68 triệu đồng/lượng mua vào và 69,4 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 200.000 đồng ở cả hai chiều. Hiện tại, Maritime Bank vẫn đang là đơn vị có giá vàng bán ra cao nhất thị trường và chênh lệch mua vào – bán ra lớn nhất là 1,4 triệu đồng/lượng.

Với giá vàng trong nước tăng và giá vàng thế giới neo ở mức 1.925,6 USD/ounce, (tương đương 53,3 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí)), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới tiếp được nới rộng.

Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures đánh giá, tình hình địa chính trị đã kéo dài một tháng nay và dữ liệu lạm phát tiếp tục tăng.

Tâm lý chung trên thị trường này lúc này là mọi người đang tìm kiếm sự an toàn. Vàng được coi là một khoản đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn chính trị và tài chính.

Vương Tâm