Theo số liệu của một số công ty nghiên cứu thị trường, tại Việt Nam, ngành công nghiệp game đang phát triển nhanh khi doanh thu vượt mốc 500 triệu USD, đứng thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á.
Trong cuộc họp báo do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức mới đây, ông Lê Quang Tự Do, Cục Trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã một lần nữa khẳng định quan điểm của Bộ TT&TT là quản lý, thúc đẩy ngành game phát triển lành mạnh.
“Bộ Thông tin và Truyền thông đã có các chiến dịch tuyên truyền để phá bỏ định kiến xã hội về ngành game, rằng đó không phải là thứ gây nghiện mà là ngành tạo ra doanh thu, mang ngoại tệ về cho đất nước. Ngành game ở đây không phải là ngành chơi game; Rất nhiều người đã có lầm tưởng, định kiến như vậy về ngành này. Ngành game bao gồm là hệ sinh thái sản xuất game, phát hành game và các hoạt động liên quan đến game. Ở nhiều nước, game là ngành công nghiệp không khói chủ lực trong thời đại 4.0″ ông Lê Quang Tự Do nói.
Dù vậy, theo dữ liệu khảo sát của các chuyên gia ngành game trong ba năm qua, năng lực thiết kế tại Việt Nam còn hạn chế. Ngành game trong nước chủ yếu nhập, chỉnh sửa, phát hành, thiết kế dòng game đơn giản, chạy theo xu hướng, ít sáng tạo. Công nghệ thiết kế và phát triển còn lạc hậu, quá tập trung dòng game mobile. Riêng các nhà phát triển trong nước chưa tận dụng thế mạnh công nghệ mới, đặc biệt là AI.
Thay đổi định kiến để thoả mãn đam mê lập nghiệp
Vừa qua, tại GameVerse 2024 có hoạt động GameHub – sự kiện phát triển cho các doanh nghiệp Startup tìm kiếm cơ hội đầu tư và sự phát triển cho các dự án mới của mình. Các mô hình Startup được chia làm 2 nhóm dành cho các công ty Startup chuyên nghiệp đến các bạn sinh viên đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Tại sự kiện đã ghi nhận rất nhiều sự xuất hiện mới mẻ các dự án của sinh viên khoa công nghệ thông tin, thiết kế đồ hoạ đang học tại các trường Đại học và Cao đẳng.
Ý kiến từ nhiều bạn trẻ cho rằng, hiện nhiều người chơi game ở Việt Nam vẫn bị dán nhãn là không có tương lai và chưa có sự phân biệt giữa game thủ chuyên nghiệp, người thích chơi game và người nghiện game. Hơn nữa, người nghiện game cũng thường phải hứng chịu các định kiến gia đình, bạn bè, xã hội.
Thực tế những năm gần đây, cùng với sự phát triển như vũ bão của nhóm ngành Sáng tạo, Truyền thông & Giải trí, ngành Trò chơi điện tử nhận được sự quan tâm nồng nhiệt của các bạn trẻ, đặc biệt là thế hệ Z. Dần dần, trò chơi điện tử ngày càng “tiến hóa”, trở thành một ngành công nghiệp vừa đáp ứng nhu cầu giải trí cho con người, vừa góp phần tạo ra giá trị kinh tế chung cho toàn xã hội.
Phát triển đào tạo chính quy nhân lực ngành game
Chia sẻ về việc phát triển đào tạo nhân lực ngành game trong trường nghề, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc VTC đã đặt vấn đề về hỗ trợ các nhà phát triển game mới, các studio game trong thời gian tới và luôn coi đào tạo là lĩnh vực sẽ giúp ngành game phát triển bền vững.
Ông Bảo gợi ý các studio, các liên minh hiện nay nên chia sẻ cởi mở kiến thức để đưa những bài học “thực chiến” đến gần với các bạn học viên, các trường sẽ tổng kết lại thành những bài học mang tính khoa học để sau đó truyền tải những tri thức đó đến những học viên mới tham gia ngành này.
Chia sẻ của Tiến sĩ Cao Minh Thắng, Phó viện trưởng Viện công nghệ Thông tin và Truyền thông (CDIT) – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, trường đã mở ngành thiết kế game và là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam đào tạo chính quy về game hiện nay (sẽ tuyển sinh năm nay).
Ông Thắng cho rằng, khi coi game là một ngành thì nó sẽ sinh ra nghề và lúc đó các trường đại học sẽ đào tạo ra nguồn nhân lực cho ngành này. Bởi, khi đó định kiến với game của xã hội thay đổi, lúc này các phụ huynh sẽ cho con theo học ngành game và sẽ bổ sung được nguồn nhân lực đang thiếu hiện nay.
Bên cạnh đó, học viên được trang bị các kiến thức chuyên sâu về thiết kế, phát triển game cùng các kiến thức liên ngành như toán học, văn hoá, tâm lý, kinh tế, pháp luật và marketing; sinh viên tốt nghiệp có thể xây dựng các game không chỉ hấp dẫn người chơi mục tiêu, có khả năng tạo ra doanh thu mà còn đảm bảo tính lành mạnh và đặc biệt là tuân thủ pháp luật.
Đặc biệt, người học còn có thể sáng tạo các ứng dụng của game trong các lĩnh vực khác như đào tạo, thương mại, truyền thông,… góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội quốc gia cũng như quảng bá văn hoá Việt Nam ra cộng đồng quốc tế.
Học thiết kế và phát triển game có thể làm gì và làm ở đâu?
Trả lời câu hỏi với phóng viên, đại diện CDIT thông tin cho biết, hai vị trí việc làm của sinh viên tốt nghiệp chương trình này sẽ hướng đến là chuyên gia thiết kế kịch bản game và chuyên gia phát triển game tại các công ty, studio thiết kế, phát triển và phân phối game trong và ngoài nước như VTC Game, VNG, GameLoft…
Các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này cũng có thể tham gia các vị trí công việc khác như: Chuyên viên kiểm thử game; Chuyên viên triển khai, vận hành, bảo trì các hệ thống game; Chuyên gia Marketing game. Nếu không làm game, sinh viên có thể làm chuyên viên thiết kế, phát triển, kiểm thử phần mềm.
Đáng chú ý, về mức lương, thu nhập, đại diện CDIT cho hay, ở Việt Nam, lương khởi điểm cho lập trình game, thiết kế game có thể dao động từ 10 – 15 triệu đồng/tháng, đối với nhân sự có kinh nghiệm sẽ có mức thu nhập từ 20 – 35 triệu đồng/tháng.
Theo thống kê mới nhất từ trang Salary Expert, mức lương trung bình cho vị trí vị trí Game Developer là khoảng 187 triệu đồng/năm. Mức lương trung bình cho vị trí Game Designer khoảng 430 triệu đồng/năm. Riêng với các Game Developer thành thạo Unity, mức lương thường dao động từ 1.000 đến 3.000 USD. Ngoài ra, game là lĩnh vực đặc thù, người làm game hoàn toàn có thể tự khởi nghiệp với game riêng của mình, mức thu nhập tùy thuộc vào sự thành công của game.
Vietnam Game Awards tôn vinh các trò chơi Việt Lễ trao giải Vietnam Game Awards cũng đã vinh danh ba tựa game Việt Nam xuất sắc đã giành được các giải thưởng khác nhau: Wows – Làng Hiệp Sĩ: Nhận các giải thưởng Game Việt của năm, Game di động Việt xuất sắc và Game Việt có cốt truyện hay nhất. Trò chơi do Funny Soft phát triển và VTC phát hành. God of Weapon: Nhận 2 giải Game Việt có gameplay hay nhất và Game Indie Việt xuất sắc. Đây là một tựa game roguelike với lối chơi đơn giản, thú vị và được phát hành trên Steam. Sky Dancer 2: Đoạt giải Game Việt có thiết kế đồ họa xuất sắc. Trò chơi do Topebox phát triển và phát hành với cách chơi kết hợp endless runner với các trận đấu trùm cực hoành tráng. Giải thưởng Game Việt Nam – Vietnam Game Awards 2024 nằm trong khuôn khổ sự kiện Vietnam Gameverse, do Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử – Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo VnExpress, FPT Online và Liên minhGame Việt Nam phối hợp tổ chức. Sự kiện dành cho các đơn vị game gặp gỡ, quảng bá thương hiệu, sản phẩm và tìm kiếm cơ hội hợp tác, đồng thời là ngày hội dành cho cộng đồng game giao lưu và tham gia những hoạt động giải trí hấp dẫn. |
Quang Trung