Theo Reuters, Cục Dữ trữ liên bang (FED) Mỹ hôm 3/3 đã cắt giảm lãi suất trong động thái khẩn cấp nhằm bảo vệ nền kinh tế lớn nhất thế giới trước tác động tiêu cực từ sự lây lan của virus corona.
Trong thông báo đưa ra, FED cho biết đã cắt giảm lãi suất ở mức 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất xuống mức mục tiêu là 1,25%-1,5%, điều chưa từng xảy ra từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Quyết định giảm lãi suất tham chiếu 0,5% được cơ quan này đưa ra hai tuần trước cuộc họp định kỳ do cảm thấy cần phải hành động nhanh hơn để đối phó với tác động của Covid-19 đến kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, những đánh giá sau quyết định này của Chủ tịch Fed Jerome Powell khiến giới đầu tư cảm thấy bất an hơn là tâm trạng tích cực.
Chủ tịch Fed cho biết cơ quan này sẽ không sử dụng bất kỳ công cụ bổ sung nào khác để thúc đẩy nền kinh tế ngoài việc cắt giảm lãi suất, đồng thời cũng thừa nhận có những giới hạn về khả năng hỗ trợ của chính sách. Theo giới phân tích, điều này có thể đã làm Phố Wall thất vọng, khi những nhà đầu tư đang mong đợi những hành động quyết liệt hơn.
“Các nền tảng của nền kinh tế Mỹ vẫn duy trì ở mức tốt. Dù vậy, virus corona tạo ra các nguy cơ ngày càng lớn đe dọa tới các hoạt động kinh tế. Trước những nguy cơ ấy, cũng như nhằm hỗ trợ các mục tiêu về tỷ lệ lao động tối đa và ổn định giá, Ủy ban Thị trường mở liên bang hôm nay quyết định hạ thấp phạm vi mục tiêu đối với lãi suất liên bang”, FED thông báo.
Quyết định cắt giảm lãi suất đạt được sự đồng thuận của các nhà hoạch định chính sách. Việc FED cắt giảm lãi suất ngay trước cuộc họp chính sách dự kiến diễn ra từ 17-18/3 cho thấy tình trạng khẩn cấp về kinh tế, buộc cơ quan này phải hành động nhằm ngăn chặn khả năng xảy ra một cuộc suy thoái toàn cầu.
Ngay sau khi quyết định cắt giảm lãi suất được FED công bố, thị trường chứng khoán Mỹ đã có phản ứng. Lần giảm lãi suất này của Fed khiến nhà đầu tư thấy bất an hơn là yên tâm, kéo các chỉ số chính của Phố Wall lao dốc phiên 3/3.
Cả ba chỉ số chính của Phố Wall đã có một phiên giao dịch diễn biến phức tạp. Thị trường bật tăng hơn 1% sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tuyên bố giảm lãi suất khẩn cấp, nhưng ngay sau đó đã đảo chiều giảm mạnh.
Chốt phiên giao dịch ngày 3/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm gần 786 điểm, tương đương gần 3%, xuống 25.917 điểm, dù trước đó chỉ số này có thời điểm tăng hơn 300 điểm.
S&P 500 giảm 2,8% xuống gần ngưỡng 3.000 điểm, còn Nasdaq Composite đóng cửa thấp hơn 3% còn 8.684 điểm.
Trong khi nhà đầu tư tháo chạy khỏi chứng khoán, những tài sản “mang tính trú ẩn” như trái phiếu kho bạc Mỹ và vàng trở thành điểm đến. Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm xác lập kỷ lục mới khi lần đầu tiên xuống dưới 1%. Trong khi đó, vàng đã tăng 2,9% lên ngưỡng 1.644,4 USD mỗi ounce.
Biến động này khiến giá cổ phiếu các ngân hàng đều lao đốc. Cổ phiếu của Bank of America giảm hơn 5,5%, trong khi của JPMorgan Chase và Citigroup đều giảm 3,8%.
Trong phiên Mỹ tối 3/3, giá vàng thế giới tăng hơn 3% – mạnh nhất kể từ giữa năm 2016 sau khi Fed hạ lãi suất cứu nền kinh tế.
Chốt phiên, mỗi ounce tăng tới 51 USD lên 1.640 USD một ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vẫn đang tiếp tục đi lên, hiện chạm 1.646 USD.
Giá lên cao do FED tối qua bất ngờ thông báo hạ 0,5% lãi suất tham chiếu, nhằm đối phó các rủi ro kinh tế ngày càng tăng do Covid-19. Nhà đầu tư cũng đang kỳ vọng các ngân hàng trung ương lớn khác tung thêm nới lỏng kinh tế.
Lãi suất thấp sẽ giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ các công cụ không trả lãi – như vàng, đồng thời gây sức ép lên lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng đôla. Dollar Index hôm qua đã rơi xuống đáy 2 tháng so với rổ tiền tệ lớn.
“Giá vàng đã vào đà tăng trở lại và có thể tiếp tục hướng đến mốc 1.700 USD nếu các chính phủ công bố chi tiết kế hoạch kích thích tài khóa lớn”, Edward Moya – nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA cho biết.
Phóng viên (t/h)