12/04/2022 10:49:37

EU chưa thể thay thế dầu thô nhập khẩu của Nga

Sau khi đạt được đồng thuận việc cắt giảm dần nhập khẩu than từ Nga, tuần này, chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ khởi động tiến trình đàm phán một mục tiêu tham vọng hơn, đó là chấm dứt lệ thuộc vào dầu thô của Nga.

Đã có những dấu hiệu cho thấy các quan chức EU muốn biến vấn đề dầu mỏ thành trọng tâm các gói trừng phạt kinh tế tiếp theo nhắm vào Nga vì cuộc chiến ở Ukraine.

Trong cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kyiv hôm 8/4, quan chức phụ trách đối ngoại EU Josep Borrell cho biết sẽ đưa cấm vận dầu mỏ Nga vào chương trình nghị sự khi ngoại trưởng các nước EU nhóm họp tại Luxembourg tuần này.

Tuy vậy, mọi quyết định về cấm vận dầu mỏ của Nga đều sẽ gặp rào cản chính trị. Bởi các nước thành viên chia rẽ sâu sắc, giới chức EU cho biết sẽ không thể có một quyết định cụ thể trong tuần này. Thậm chí một bản đề xuất để các nước tiếp tục thảo luận cũng còn lâu mới được lưu hành.

Hôm 8/4, EU thông qua gói trừng phạt kinh tế thứ 5 nhắm vào Nga kể từ khi Moscow đưa quân vào Ukraine. Theo đó, EU sẽ chấm dứt nhập khẩu than của Nga từ tháng 8.

Tuy nhiên, dầu thô và khí đốt của Nga vẫn nằm ngoài giới hạn các lệnh trừng phạt. Đây tiếp tục là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực, giúp mang lại nguồn thu ngoại tệ chính cho Moscow.

Đức, đầu tàu của nền kinh tế châu Âu, tiếp tục phản đối ý tưởng cấm vận dầu mỏ Nga.

Brussels cũng ngần ngại khi phải đẩy mạnh thảo luận chủ đề gai góc như cấm vận dầu mỏ trong bối cảnh bầu cử tổng thống Pháp đang diễn ra giằng co.

Đồng thời, Hungary tiếp tục là một trở lực cho nỗ lực đoàn kết châu Âu, khi chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Viktor Orban với lập trường thân Nga vừa tái đắc cử.

Về vấn đề này, Tổng Thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Mohammad Barkindo cho rằng thay thế dầu thô nguồn dầu thô Nga bị loại khỏi thị trường từ một lệnh cấm vận tiềm tàng của Liên minh châu Âu (EU) là điều “gần như không thể”.

Nhận định này được ông Barkindo đưa ra tại cuộc gặp cấp cao giữa OPEC với EU. “Chúng ta có thể sẽ phải chấp nhận thực tế có khoảng 7 triệu thùng dầu và khí ngưng tụ của Nga bị loại khỏi thị trường xuất khẩu, do hệ quả của các lệnh trừng phạt hiện thời và trong tương lai, hoặc là hành động tự nguyện từ bỏ dầu thô của Nga. Xét trong bối cảnh triển vọng nguồn cầu ở thời điểm hiện tại, việc thay thế nguồn cung với khối lượng lớn như vậy là điều không thể”, Tổng Thư ký OPEC nêu quan điểm.

Như nhiều nước nhập khẩu từng đưa ra đề nghị trước đây, EU bày tỏ mong muốn OPEC tăng sản lượng khai thác. OPEC và các đối tác (OPEC+) cho đến thời điểm này vẫn nhất quyết theo đuổi kế hoạch tăng nguồn cung khiêm tốn, với mức 400.000 thùng/ngày. Theo OPEC+, điểm nghẽn trên thị trường dầu mỏ hiện nay mang yếu tố địa chính trị, không phải là những vấn đề căn bản và vì thế vượt khỏi tầm kiểm soát của tổ chức này.

Xuất khẩu dầu thô của Nga trong tuần đầu tháng 4 này phục hồi trở lại, với giá trị đạt mức cao nhất kể từ đầu năm nay nhờ hưởng lợi từ đà tăng giá của dầu thô trên thị trường thế giới. Nga kỳ vọng lượng ngoại tệ thu được từ xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt sẽ tăng thêm 9,4 tỉ USD trong tháng 4 so với tháng 3.

Vương Tâm