Gặp Tiến tại văn phòng làm việc đặt tại tòa nhà Keangnam, chúng tôi nhanh chóng bị thu hút ngay bởi tác giả của dự án “Mentor hướng nghiệp” là một chàng trai còn quá trẻ, giàu năng lượng với nụ cười tươi tắn cùng phong cách giản dị, dễ gần. Vừa trải qua cuộc họp “căng não” với các thành viên trong công ty, Tiến chọn cho mình 1 góc ngồi, nơi có nhiều cây xanh và sắc màu tươi sáng để bắt đầu câu chuyện.
Nụ cười khiêm tốn, Tiến kể: “Em chỉ là 1 hạt cát rất nhỏ thôi. Em chỉ mong câu chuyện của mình phần nào giúp được các em sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường có thêm chút động lực để không ngừng hi vọng và phấn đấu tốt hơn nữa”.
Là người trực tiếp giảng dạy nhưng vì số lượng học viên tăng lên nhanh chóng nên em đã tìm mọi cách quy tụ các bạn sinh viên giỏi ở các trường khác về cùng đứng lớp. Trung tâm phát triển nhanh chóng với hàng nghìn học viên mới mỗi năm, các môn học cũng được mở rộng từ các môn cơ bản cho tới các chuyên ngành tài chính, kinh tế, kế toán… Tại thời điểm đó, Tiến cũng là sinh viên đầu tiên của trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội mở lớp dạy các môn về tài chính cho các bạn sinh viên khác trong trường.
Công việc mang lại khoản thu nhập không hề nhỏ cho Tiến, nhưng điều quan trọng nhất em nhận ra: “Có nhiều bạn không phải vì thiếu kiến thức hay không thể học được, mà vì chưa biết cách tiếp cận với nó hiệu quả nên em lại đóng vai trò là người hướng dẫn, chỉ đường để bạn ấy đi. Em nhận ra người hướng dẫn vô cùng quan trọng tại thời điểm đó, nên cứ đau đáu trong đầu suy nghĩ về điều đó nhưng chưa định hình rõ ràng là mình sẽ làm gì tiếp theo” – Tiến nhớ lại.
Ngoài công việc ở trung tâm, Tiến đi làm song song tại các tổ chức tài chính. Bước sang năm 4 Đại học, em học sâu hơn nữa về chuyên ngành Tài chính và đạt kết quả không ngờ. Chương trình học CFA level 1, Tiến hoàn thành trong vòng 3 tuần và thi trong vòng 6 tiếng thay vì học 6 tháng như nhiều bạn khác. Được nhiều đơn vị săn đón với mức lương đáng mơ ước, nhưng chỉ làm được 1 thời gian ngắn, Tiến đành bỏ dở để theo đuổi dự định khác luôn đau đáu trong đầu em.
Đầu năm 2018, chàng trai trẻ đặt chân sang Malaysia và Thái Lan trong vòng nửa tháng theo một chương trình trao đổi lãnh đạo trẻ của các nước ASEAN. Với tinh thần học hỏi và trải nghiệm nhưng chính sự kiện này đã làm thay đổi con người Tiến. Em nhớ lại: “Trong chuỗi sự kiện đó, chúng em được đưa ra đề bài đó là giả sử các nước ASEAN gộp thành 1 quốc gia duy nhất, hãy đặt tên và nêu ra tầm nhìn, sứ mệnh cho quốc gia đó.
Em ấn tượng mãi đó là 1 bạn sinh viên người Lào (sinh năm 1998) bạn ấy đã nói rằng: “Tôi muốn mang tiền sang các nước châu Âu”. Quả thật câu nói của bạn ấy khiến em ngỡ ngàng và liên kết lại vấn đề các nước châu Á thường nhận nhiều hỗ trợ của các nước châu Âu, vì chúng ta là nước đang phát triển, cần sự trợ giúp, còn họ là nước đã phát triển. Nhưng nếu có điều ngược lại xảy ra, rằng chúng ta không nhận tiền nữa mà chuyển tiền sang phương Tây… Điều đó như 1 cục nam châm khiến tâm trí em bị cuốn theo và đi tìm cách thức cũng như lời giải đáp”.
Thêm 1 sự kiện nữa khi Tiến chứng kiến Bộ trưởng bộ giáo dục Malaysia đứng diễn thuyết cho mọi người, không cần 1 tờ giấy nào cả mà ông chỉ nhẹ nhàng kể 1 câu chuyện mà khiến cả hội trường phải khóc. Ông kể về xuất thân bình thường, tuổi thơ khó khăn, câu chuyện của khao khát, mong muốn thay đổi nền giáo dục của đất nước và mở ra cơ hội cho nhiều người khó khăn khác. Ông là người truyền cảm hứng và mang lại năng lượng tích cực cho mọi người.
Trở về Việt Nam sau chuyến đi đó, Tiến thực sự suy nghĩ lại về cuộc sống và muốn cống hiến. Suy nghĩ thôi thúc trong đầu, phải thay đổi từ “con người” và phải bắt đầu từ “giáo dục”. Em bắt đầu nghĩ lại về bản thân mình, về công việc mình đang làm và cả về những điều đang nung nấu thì nảy ra ý định “Mentoring”. Thời điểm đó với Tiến, kế hoạch đã hình thành đến 70% trong đầu. Và một sự việc bất ngờ khiến em quyết định cho ra đời dự án với cụ thể những kế hoạch phải làm. Tiến nhớ lại:
“Thời điểm đó vào khoảng tháng 8/2018, em có 1 cuộc hẹn café với 1 cô bạn sinh viên của em. Phải khẳng định là bạn đó tố chất rất giỏi nhưng khi em hỏi bạn làm gì thì bạn trả lời đang làm admin cho 1 bên với mức lương là 5 triệu đồng/ tháng. Câu trả lời của bạn khiến em vô cùng kinh ngạc vì em suy nghĩ với trình độ đó bạn có thể làm một công việc với mức lương gấp 4, gấp 5 lần như thế. Em có gợi ý sao bạn không nộp hồ sơ vào những chỗ này, chỗ kia để có thu nhập cao hơn, nhưng bạn nói là hoàn toàn không biết những cơ hội đó”.
Công việc đầu tiên, Tiến gọi điện đi khắp nơi cho các bạn của mình và nói về dự án “Mentoring”- “Em gọi điện cho 1 list những người bạn, tất cả đều “OK tao tham gia” chỉ trong vài giây trao đổi”. Hoạt động đầu tiên Tiến xây dựng với mục đích phi lợi nhuận để giúp đỡ cho các bạn sinh viên mới ra trường, những người muốn có cơ hội nghề nghiệp tốt hơn. Dự án ra đời tháng 9/2018 và trong vòng 2 tuần, đã nhận được hơn 150 đơn đăng kí của các bạn trẻ với sự đồng hành của 60 “Mentor”.
Hoạt động trong vòng 1 năm, Tiến mạnh dạn thay đổi mô hình, từ hoạt động free sang xây dựng các gói dịch vụ với mức chi phí khác nhau để ngày một nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ. Em kiểm soát mức độ “spread” (lan tỏa) của người “Mentor” cũng như gắn trách nhiệm của họ với các bạn.
Để có được những người “Mentor” chất lượng cao, Tiến chọn lọc profile (bản tóm tắt năng lực, thành tích, vị trí hiện tại đang làm, công ty đang làm việc có uy tín không) của các Mentor một cách kĩ lưỡng. Các Mentor đều là những bạn trẻ tài năng với những thành tích khẳng định năng lực nhất định ở những tập đoàn đa quốc gia/ các Startup triển vọng. Sau đó qua một bước kiểm tra cuối cùng của chính Tiến để đánh giá những tiêu chí phù hợp. Những người đăng kí làm Mentor phải có những cam kết và phải tuân theo những điều kiện, phải cam kết phải chăm sóc những người dùng dịch vụ mọt cách chu đáo, hiệu quả. Kết quả đánh giá chất lượng phục vụ chính là những cơ hội việc làm tốt hơn đến được với mọi người.
Nội dung: Hồng Phúc
Thiết kế: Thúy Anh
- [E-Magazine] HCĐ Tay nghề thế giới Trần Nguyễn Bá Phước: “Học nghề giỏi là khả năng đặc biệt”
- [E-Magazine] Đại sứ nghề Việt Nam 2020: Nguyễn Duy Thanh – Từ cậu bé nghiện game đến xuất sắc giành huy chương thế giới
- [E-Magazine] Gặp chàng trai bỏ ngang đại học theo đuổi đam mê máy móc
- [E-Magazine] Đại sứ nghề Việt Nam 2020: Ấn tượng 2 anh em ruột cùng giành Huy chương Vàng ASEAN
- [E-Magazine] Đại sứ nghề Đỗ Công Nguyên và bài học về giá trị của học nghề