Bố làm phim nên từ nhỏ Bá Phước đã tỏ ra mê mẩn trước những thao tác cắt cúp và thực hiện trên các phần mềm của bố. Chàng trai ấy khi còn là 1 cậu nhóc đã ngồi kế bên bố để học hỏi và nuôi giấc mơ lớn lên cũng trở thành một nhà làm phim như bố. Em hiểu rằng mình phải học và giỏi về công nghệ thông tin để có thể học được các phầm mềm. Đó là cơ duyên ban đầu khiến Phước đam mê và quyết định gắn bó với việc học phần mềm công nghệ thông tin.
Không theo nghiệp của bố, nhưng gia tài của em cũng kha khá các bộ phim em đã làm trong phạm vi nội bộ lớp và trường học. Chàng trai trẻ sinh năm 1995 hiện đang là lập trình viên của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển di động Samsung Việt Nam. Với công việc ổn định cùng thu nhập mơ ước, Phước trở thành tấm gương cho nhiều thế hệ sinh viên trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, cũng như các sinh viên chọn cách học nghề.
Chọn cách tiếp cận với các doanh nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường khiến em có cơ hội cọ xát, cũng như thách thức bản thân. Phước cho biết: “Trong thời đại mà công nghệ thay đổi chóng mặt như hiện nay, được làm quen với môi trường doanh nghiệp khi còn đang đi học là một cơ hội tốt để phát triển kỹ năng và kiến thức đã học, để ra thực tế sẽ không bị bỡ ngỡ khi làm việc chính thức. Ngoài ra, trong quá trình làm việc nếu phát huy tốt khả năng của mình, các bạn có thể có việc làm và thu nhập ngay khi ra trường”.
Học đi đôi với thực hành, Phước luôn đánh giá cao việc học nghề, thạo nghề, thậm chí là phải cố gắng tối đa để giỏi nghề thì mới đảm bảo được công việc sau khi ra trường. Theo chàng trai này, không có ai là kém cả bởi mỗi người đều có một khả năng đặc biệt, chỉ là các bạn chưa được định hướng và cảm thấy hứng thú nên chưa phát huy được khả năng đó. Một phần nữa là do áp lực gia đình, nhiều bạn trẻ phải cố gắng vào đại học, cao đẳng nhưng lại không thu được kết quả gì. Lúc đó thời gian và tiền bạc là hai thứ bạn đánh mất nhiều nhất và sẽ không lấy lại được cái gọi là “tuổi trẻ”.
Nhận thức rõ ràng được điều này nên với chuyên ngành giải pháp phần mềm công nghệ thông tin, Phước học hăng say với thời lượng thường xuyên lên đến 12 tiếng/ngày. Nhớ lại khoảng thời gian đó, em mỉm cười, kể lại: “Từ nhà trọ đến trường em học vào khoảng 3km nhưng em chỉ nhớ buổi sáng đi học là trời vẫn còn tờ mờ tối, rồi đến khi học xong trở về nhà cũng tối mịt. Thời gian ban ngày em học và thực hành luôn, gần như không ra ngoài bao giờ cả”.
Giành giải Nhất kì thi Tay nghề quốc gia năm 2016, Bá Phước tập huấn để thi Tay nghề thế giới và mang về tấm Huy chương Đồng cho Việt Nam. Được tiếp xúc, làm quen cũng như chứng kiến các bạn bè quốc tế tham gia thi, Phước nhận thức rõ nếu được định hướng và giáo dục tốt, kỹ năng của đoàn Việt Nam không thua gì các nước khác. Tiếp nữa, với sự đồng hành của các doanh nghiệp, ngày càng nhiều cơ hội học tập và phát triển cho các bạn trẻ. Các cuộc thi nghề cũng là một cách để quảng bá cho các nước khác thấy trình độ tay nghề của Việt Nam.
Em mạnh dạn cho biết: “Chúng ta có thể đẩy mạnh kỳ thi tay nghề trong nước để nhiều người biết đến hơn, và biến nó thành một kỳ “triển lãm hướng nghiệp” cho thanh thiếu niên. Đó cũng là cách mà các quốc gia khác đang làm để góp phần định hướng tương lai cho các giới trẻ.
Bản thân em rất vui và tự hào vì Việt Nam đã đổi màu huy chương ở kỳ thi Tay nghề thế giới năm 2019. Đó là tấm huy chương Bạc ở nghề Phay CNC, điều này chứng tỏ sự cố gắng không ngừng để khẳng định vị thế trên đấu trường quốc tế của nước ta.
Đứng ở góc độ của một Đại sứ nghề Việt Nam, Bá Phước luôn chú trọng đề xuất các ý tưởng để giúp cho các bạn trẻ định hướng được nghề nghiệp sớm nhất có thể. Giúp các bạn không bị lúng túng khi chọn trường, chọn ngành. Em cũng hy vọng ngày càng nhiều doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo cho các bạn trẻ để các bạn có một môi trường thực hành tốt nhất sau khi học kiến thức ở trường.
Thiết kế: Thúy Anh
- [E-Magazine] Đại sứ nghề Việt Nam 2020: Nguyễn Duy Thanh – Từ cậu bé nghiện game đến xuất sắc giành huy chương thế giới
- [E-Magazine] Gặp chàng trai bỏ ngang đại học theo đuổi đam mê máy móc
- [E-Magazine] Đại sứ nghề Việt Nam 2020: Ấn tượng 2 anh em ruột cùng giành Huy chương Vàng ASEAN
- [E-Magazine] Đại sứ nghề Đỗ Công Nguyên và bài học về giá trị của học nghề
- [E- Magazine] Bùi Đình Duy – Ước mơ mang ngành thiết kế đồ họa Việt ra thế giới