18/02/2024 8:11:32

Dubai: Xa hoa và cạm bẫy

Choáng ngợp về sự giàu có, xa hoa. Đa sắc tộc, đa văn hóa. Khoảng cách cực lớn về sự phân hóa giàu nghèo. “Hỗn loạn” trong một trật tự đáng kinh ngạc… Đó là những gì ngắn gọn nhất có thể miêu tả về Dubai – tiểu vương quốc giàu có nhất trong 7 Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nằm ở phía Nam Vịnh Ba Tư. Dubai đang là “miền đất hứa” của không chỉ rất đông người Việt Nam, mà cả các nước châu Á lân cận lẫn cư dân của lục địa già châu Âu vốn được coi là giàu có, đổ về đây ngày càng nhiều để kiếm sống, đem theo cả những giấc mơ “danh vọng xa hoa” giữa vương quốc sa mạc đầy cơ hội nhưng cũng không ít cạm bẫy lấp lánh đèn màu. 

Một góc Dubai

Miền đất hứa

Trên chiếc Boeing 787 đông nghẹt khách của hãng hàng không 5 sao Emirates cất cánh từ sân bay Nội Bài đi Dubai một ngày cuối năm 2023, cô gái cỡ chừng 30 tuổi ôm túi hành lý xách tay với khuôn mặt đầy vẻ bối rối và ngượng ngùng. Hàng chục hành khách nước ngoài bị dồn lại đằng sau khá lâu bắt đầu tỏ vẻ mất kiên nhẫn khi cô đứng chắn lối đi, liên tục nhìn đi nhìn lại tấm vé đang cầm trên tay nhưng không biết phải ngồi vào ghế nào trong dãy ghế số 47.

Thoáng thấy số ghế trên tấm vé cô gái là ghế kế bên, tôi ra dấu để cô ngồi xuống cạnh mình. Sau câu chào hỏi xã giao, biết tôi cũng là người Việt Nam, cô gái lộ rõ vẻ mừng rỡ, nhìn tôi như một vị cứu tinh. Chuyến bay kéo dài nhiều tiếng đồng hồ nhưng cô gái gần như không ngủ, liên tục bắt chuyện và chia sẻ với tôi câu chuyện của mình một cách khá thật thà.

Cô tên Hường, quê huyện Hưng Hà, Thái Bình sang Dubai làm spa theo lời rủ rê, giới thiệu của một người quen đang làm ăn tại Dubai được mấy năm. “Lần đầu tiên em đi máy bay, cũng là lần đầu tiên ra nước ngoài, lại chỉ có một thân một mình nên em đã lo mất ăn mất ngủ. Nhờ vả bao nhiêu người ở sân bay em mới hoàn tất thủ tục xuất cảnh, lên máy bay. Người quen bên Dubai nhắn tin về dặn cứ tìm người Việt Nam đi cùng chuyến, ‘bám’ lấy mà nhờ giúp đỡ khi làm thủ tục checkin, xuất và nhập cảnh, nhưng ngó quanh toàn người nước ngoài, tiếng Anh em thì mù tịt nên gặp anh em như chết đuối vớ được cọc”, Hường nói lộ rõ vẻ vui mừng.

Theo lời kể, gia đình cô ở quê vốn không khá giả, hết lớp 9 bố đã bắt cô nghỉ học đến tá túc ở nhà họ hàng tại Quảng Ninh để tìm việc làm kiếm sống. Sau nhiều năm cô trở về quê lập gia đình, sinh con nhưng cũng sớm chia tay vì cả 2 vợ chồng đều không có nghề nghiệp ổn định. Suốt mấy năm dịch bệnh rồi đến suy thoái kinh tế, giờ em đang cực kỳ khó khăn, chán nản vì không làm gì ra tiền thì 1 người quen cùng làng sang Dubai làm spa đã mấy năm nhắn tin về nói chuyện và rủ sang làm cùng.

“Chị ấy bảo, sang làm tại Spa của một người Việt Nam, một tháng ngoài lương cứng 15 triệu, chủ bao ăn ở còn được nhận 10% hoa hồng trên mỗi dịch vụ mình làm cho khách. Tổng thu nhập có thể lên tới 40 – 70 triệu/tháng, thậm chí nhiều hơn nếu tháng nào đông khách và chịu khó làm. Nghe thế, em đã đi học mấy khóa cấp tốc về tiêm filler, nối mi và làm nail để sang ngay lập tức. Hy vọng kiếm được tiền đúng như chị ấy nói để gửi về nuôi con, ‘cày’ vài năm tích cóp được một khoản rồi về lại Việt Nam có vốn làm ăn”- giọng Hường tràn đầy hy vọng.

Khách sạn 6 sao Atlantis trong quần thể đảo nhân tạo lớn nhất thế giới Palm Jumeira.

Tôi trấn an Hường rằng thông tin đó không phải nói dối, bởi tôi từng có nhiều dịp làm việc và lưu trú dài ngày tại Dubai nên cũng biết thông tin và giao lưu với cộng đồng người Việt, có thể lên tới hàng vạn người tại đây. Gọi là các Spa nhưng thực ra phần lớn đều là những căn hộ chung cư bình dân người Việt thuê vừa để ở, vừa để kinh doanh Spa mà không có biển hiệu hay giấy phép hành nghề. Khách hàng chủ yếu là người Việt và một phần khách nước ngoài tìm đến thông qua quảng cáo trên Facebook và các mạng xã hội khác.

Sở dĩ làm được như vậy bởi chính sách kiểm soát người nước ngoài lao động, làm việc ở Dubai khá “dễ dàng”. Dân cư Dubai gốc chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng dưới 20% trong tỷ lệ dân số cơ học, còn lại là người nhập cư, trong đó một nửa là từ Ấn Độ, ngoài ra là các nước châu Á khác như Pakistan, Philippines, Bangladesh, Việt Nam, Trung Quốc…và một số nhỏ từ châu Âu.

Trong những năm 2010, mỗi năm có hàng vạn lao động Việt Nam sang Dubai nói riêng và các nước Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nói chung để làm việc theo diện xuất khẩu lao động ở các ngành xây dựng, giúp việc gia đình. Nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 4.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại UAE theo diện xuất khẩu lao động (theo Đại sứ quán Việt Nam tại UAE), chủ yếu trong ngành giúp việc gia đình, do điều kiện làm việc, nhiệt độ tại vùng sa mạc quá khắc nghiệt, tiền lương cho lao động phổ thông lại khá thấp.

Tuy không có con số thống kê cụ thể, nhưng số người Việt Nam đang cư trú tại Dubai hiện tại phải lên tới hàng vạn người. Phần lớn người đến từ Việt Nam đều sang Dubai theo visa du lịch với thời gian lưu trú 2 – 3 tháng. Hết thời hạn visa lại xin gia hạn với chi phí khoảng 5 – 6 triệu đồng và tiếp tục ở lại làm việc. Tất nhiên vì là visa du lịch nên chỉ có thể làm những công việc không chính thức giống như trường hợp của Hường và bạn cùng làng của cô.

Tất nhiên, cũng có không ít người Việt có trình độ đã sinh sống, làm việc chính thức tại lâu năm, đã tìm được công việc phù hợp hoặc mô hình kinh doanh thành công ở đất này. Chiến (tên nhân vật đã được thay đổi) quê Phú Thọ, là một ví dụ về sự thành công của người Việt ở “miền đất hứa” Dubai. Gần chục năm sinh sống tại đây, Chiến hiện đã là chủ của một chuỗi 4 Spa có giấy phép kinh doanh, đang rất thành công tại Dubai với vài chục nhân viên bao gồm cả người Việt và Philippines, Pakistan… “Thị trường ở Dubai rất lớn mà sự cạnh tranh trong ngành này không quá nhiều. Các chính sách của chính quyền cũng rất thông thoáng, thủ tục nhanh gọn nên việc kinh doanh khá thuận lợi” – Chiến chia sẻ. Tháng 11/2023, Chiến cũng vừa khai trương một chi nhánh mới tại Abu Dhabi cách Dubai chừng gần 200km và đang nhắm đến mở rộng thị phần sang Doha (Qatar) trong năm 2024.

1 cửa hàng vàng trong chợ vàng Gold Souq.

Không chọn con đường kinh doanh, Anna (tên nhân vật đã được thay đổi) là cô gái sinh năm 1992 đến từ TP.HCM đã sang Dubai được 5 năm. Sau khi du học ở Mỹ, thay vì ở lại Việt Nam làm việc cô đã chọn Dubai và hiện đang là broker (môi giới) cho một sàn bất động sản lớn, với mức thu nhập rất cao đã giúp cô sở hữu căn hộ chung cư 2 phòng ngủ đối diện công trình Future Museum (Bảo tàng tương lai) nổi tiếng trên đại lộ trung tâm Dubai, giá trị khoảng hơn 10 tỷ đồng, cùng chiếc BMW 525 cũ để đi làm hàng ngày.

Không thành đạt cao như Chiến và Anna, nhưng Trinh (người Đồng Nai) cũng khá hài lòng với chức vụ manager hiện tại ở một công ty sở hữu chuỗi hơn 100 cửa hàng tiện lợi tại các cây xăng ở Dubai. “Mức lương không quá cao nhưng công ty có ký túc xá miễn phí và chế độ phúc lợi ổn định. Chịu khó tiết kiệm cũng để ra được một khoản kha khá. Có ID lao động và tài khoản ngân hàng nên em có thể thuê được nhà và cho thuê lại, cũng tạo được nguồn thu ổn định. Em đã ‘kéo’ em gái út sang làm cùng công ty được 1 năm nay. Em gái kế em cũng vừa nghỉ việc quản lý khách sạn ở Phú Quốc để sang nốt, đang làm quen và tìm hiểu môi trường bên này để chuẩn bị mở công ty du lịch”, Trinh chia sẻ.

…nhưng không thiếu cạm bẫy

Trở lại với Hường, khi nghe tôi trấn an về mức thu nhập mà bạn cô chia sẻ là có thật, Hường không giấu được vẻ hào hứng suốt quãng thời gian còn lại của chuyến bay. Máy bay hạ cánh lúc 1h sáng giờ Dubai nhưng sự khổng lồ, hiện đại và dòng người ken đặc ở sân bay quốc tế Dubai dù đang giữa nửa đêm khiến cô gái tỉnh lẻ 30 tuổi cứ bám chặt lấy áo tôi suốt quãng đường đến cửa nhập cảnh tự động và nhận hành lý như một đứa trẻ sợ lạc, nhưng ánh mặt không giấu được sự sửng sốt và hứng khởi.

Liên lạc với người bạn cùng làng qua số điện thoại mà Hường cung cấp, tôi phải dẫn Hường ra tận cửa đón vì biết nếu bỏ cô ấy lại, kể cả có sự hướng dẫn qua điện thoại của người bạn, cũng không biết lúc nào cô ấy mới có thể ra khỏi sân bay khi không biết một chút tiếng Anh nào, trong khi sân bay thì quá khổng lồ.

Cảnh đẹp tại Dubai Creek, quận cổ Deira

Thật tình cờ khi gặp cô bạn cùng làng của Hường mới biết, Spa mà họ làm việc chỉ cách căn hộ mà tôi thuê chưa đầy 1 km ở quận trung tâm Bur Dubai. Để tiết kiệm, cả 3 chúng tôi thuê chung 1 xe taxi để về nhà. Tài xế người Pakistan luồn lách chiếc camry với tốc độ chóng mặt qua những đại lộ 30 làn đường kìn kìn  xế hộp bóng loáng, nhưng Hường chẳng để tâm. Cô còn mải dán mắt qua ô cửa sổ, những tòa cao ốc chọc trời sáng rực ken đặc hai bên đường, những màn hình quảng cáo khổng lồ toàn những hình ảnh hào nhoáng, xa hoa loang loáng vụt qua dường như đã thu hút toàn bộ tâm trí cô. Tôi cũng im lặng, để Hường tự nhiên tận hưởng giấc mơ về một tương lai đẹp đẽ đang rực lên trong ánh mắt. Hy vọng cho cô ấy có thể đạt được giấc mơ của mình, có tiền gửi về nhà nuôi con, gây dựng được một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai.

Cũng giống như Hường, rất rất nhiều người lần đầu đặt chân đến Dubai đều có ánh mắt đầy háo hức và khát vọng xa hoa ấy, nhưng không phải ai cũng may mắn thành công. Rất nhiều nhiều cô gái, rất nhiều số phận phải trải trả giá, phải hứng chịu hoàn cảnh bi đát, bởi tôi đã chứng kiến đằng sau những ánh đèn hào nhoáng xa hoa ấy là một Dubai cũng đầy rẫy cạm bẫy, lọc lừa.

Thuê phòng trọ sát cạnh phòng tôi (căn hộ chung bếp) cũng là 3 cậu trai người Việt có “nick name” là Bin, Bé Ú và Tiểu Long, cả 3 đều mới chỉ 18 và ngoài đôi mươi và đều thuộc giới LGBT. Bin dáng cao gầy, điệu đà theo kiểu “bóng lộ” đến từ Ninh Thuận. Bé Ú là em út mới 18 tuổi đến từ miền Tây, người mập tròn để tóc dài đúng như tên gọi và đã chuyển giới nửa trên. Tiểu Long lớn tuổi nhất, trông cũng già dặn và vẫn có phần nam tính theo kiểu “bóng kín”, cậu là người Đông Anh (Hà Nội). Vì không có ID, không có tài khoản ngân hàng, tiếng Anh bồi bập bẹ nên các cậu không thể thuê được nhà trực tiếp từ công ty quản lý mà phải thuê lại phòng của một chủ người Việt với giá đắt hơn (quy định của Dubai muốn thuê nhà phải có ID và tài khoản ngân hàng để chứng minh thu nhập).

Để tiết kiệm 3 cậu thuê chung 1 phòng khoảng hơn 20m2, với giá 4.000 AED/tháng (khoảng 27 triệu đồng) và ngăn đôi bằng một vách thạch cao đơn giản. Nửa trong để ngủ còn nửa ngoài kê một chiếc giường được quây rèm kín từ trần xuống đất là nơi để “tiếp khách”.

Tòa tháp cao nhất thế giới Burj Khalifa rực sáng về đêm.

Khi dần trở nên thân quen sau vài lần trò chuyện ở căn bếp chung lúc nấu cơm, một buổi tối Tiểu Long vừa nhìn thấy tôi đi về đã nhào ra kéo bằng được vào mâm nhậu bày la liệt đồ ăn và bia ở nửa trong căn phòng. Chưa kịp uống hết lon bia thì Bin có khách, là một người Pakistan cao lớn. Cậu ra ngoài đóng cửa phòng ngăn cách mâm nhậu của chúng tôi với khu vực “làm việc” bên ngoài để tiếp khách sau khi quăng lại chúng tôi một câu “uống từ từ chờ em xíu nghen”. Chừng 20 phút Bin tiễn khách, sà vào mâm nhậu, với lon bia tu một hơi dài rồi giới thiệu với tôi: “Em với Bé Ú thì nhà nghèo quá, hổng có nghề ngỗng gì nên nghe các anh chị sang trước bảo đây dễ kiếm tiền nên dạt sang đây làm gái. Tiểu Long thì bị bạn cùng quê làm ở công ty game có chủ người Trung Quốc (thực chất là công ty chuyên gọi điện lừa đảo nạp tiền vào game) lừa sang kêu tháng chỉ ngồi gọi điện mần mấy chục chai (triệu). Sang đến nơi chủ nó thu hộ chiếu, nhốt vào 1 phòng khóa kín cả tháng không được ra ngoài như đi tù. Cả ngày chỉ ngồi gọi điện về Việt Nam để lừa, tháng không lừa được 300 – 500 chai nó đánh cho nhừ tử. Gần năm trời mới trốn được ra ngoài nhưng không có hộ chiếu không về được. Rồi còn nợ cả trăm chai tiền vay mượn ở nhà để sang nên cũng về đây làm gái nốt, kiếm đủ tiền trả nợ, đủ tiền vé thì ra đầu thú rồi về. Bé Ú thì ế khách, không kiếm được tiền, cũng không chịu được nên chắc một hai tháng nữa nó về trước” – Bin vừa nói vừa cười với vẻ thản nhiên, nhưng không khó để nhận ra những cay đắng ẩn đằng sau đó.

Thêm chừng nửa tiếng, bữa nhậu bị cắt ngang bởi sự xuất hiện của 2 người phụ nữ khá lớn tuổi đến chung vui. “Tôi sinh năm 1976, tuổi mẹ 3 con này, nhưng mới sang được vài tháng, cũng kiếm tiền như chúng nó”, người trẻ hơn giọng miền Bắc tự giới thiệu cũng bằng một vẻ khá thản nhiên rồi hất hàm về phía người phụ nữ chừng 50 tuổi còn lại: “Bà này thì thâm niên chục năm ở Dubai rồi. Giờ chuyên bán giò chả, đồ ăn Việt Nam với đổi tiền, cho vay lãi”. “Bọn này khổ lắm nhưng tự làm, tự lên mạng kiếm khách nên vẫn còn đỡ chứ sới (địa điểm có người đứng ra tập hợp, điều hành việc mua bán dâm) giờ nhiều lắm. Chủ Việt có, chủ Trung Quốc có. Chủ tử tế có nhưng chủ dã man cũng đầy. Nó nhốt, đánh, ép tiếp khách hoặc cắt phế cao, làm khác gì nô lệ. Không kiếm được tiền nó bán sang sới khác”, người phụ nữ lớn tuổi đế thêm câu chuyện. Khi thùng bia cạn dần, tôi còn được nghe thêm nhiều câu chuyện lọc lừa, những số phận nghiệt ngã từ những nhân chứng chân thực, bước ra từ bóng tối đằng sau ánh hào quang của một Du bai với những tòa tháp trọc chời, những siêu xe, du thuyền sang trọng…

Sớm hôm sau, tôi và tất cả khách thuê trọ bất ngờ bị đánh thức bởi tiếng chửi vợ văng mạng của chủ nhà người Việt. Thì ra thằng nhóc loắt choắt thuê căn phòng đầu hồi đã trốn mất trong đêm mà không trả tiền thuê trọ, tiền mua bia và đồ ăn trong khi vợ hắn còn cho nó vay thêm 3.000 AED (khoảng 20 triệu). Tôi thấy Tiểu Long cũng thò mặt ra khỏi cửa hóng chuyện vài phút giống tôi rồi nói vọng, “thằng đó làm cũng bị chủ thu hộ chiếu rồi, lang thang vài bữa kiểu gì police nó cũng túm thôi” trước khi đóng cửa phòng ngủ tiếp. Có vẻ những chuyện như thế này đã xảy ra như cơm bữa nên cậu ta chẳng lạ gì.

Tôi thì cứ chập chờn về những câu chuyện được nghe đêm trước, về số phận vô định của Bin, Bé Ú với Tiểu Long nên không ngủ lại được. Mấy ngày sau, bất chợt tôi nhận được tin nhắn chúc mừng năm mới của Hường. Cô khoe tôi cả mấy bức ảnh selfi đi xem bắn pháo hoa đón năm mới 2024 với cô bạn cùng làng. Đằng sau khuôn mặt rạng ngời của Hường là những chùm pháo hoa rực sáng cả tòa tháp cao nhất thế giới Buri Khalifa.

Bảo Minh