12/04/2021 11:29:55

Du lịch Hà Nội xoay trục trọng tâm

Những tour, tuyến, sản phẩm, dịch vụ du lịch mới được hình thành đã giúp du lịch Hà Nội “lột xác”, đánh dấu giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ trong tương lai.

Ngành du lịch Hà Nội cũng đẩy mạnh quảng bá, chuẩn bị nguồn lực để thu hút du khách quốc tế ngay khi điều kiện cho phép.

Xoay chuyển thị trường trọng tâm

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Covid-19 tái phát từ cuối tháng 1 đến nay khiến hoạt động du lịch trên địa bàn tiếp tục chịu cú giáng mạnh. Ước tính, quý I/2021, Hà Nội chỉ đón được 1,93 triệu lượt du khách, giảm 33,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ du khách (chỉ tính du khách nội địa) ước đạt 5.400 tỷ đồng, giảm 65,6% so với cùng kỳ năm trước.

Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến “sức khỏe” doanh nghiệp. Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, 95% đại lý lữ hành đóng cửa, dừng hoạt động. 267/1.191 doanh nghiệp lữ hành quốc tế thu hồi giấy phép và dừng hoạt động. 11/103 doanh nghiệp lữ hành nội địa rút giấy phép kinh doanh. Khoảng 90% tổng số lao động tại các doanh nghiệp, đại lý lữ hành phải nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động, tương đương 12.168 người. Trong khi đó, ước doanh thu dịch vụ vận chuyển khách du lịch giảm 90-98% so với cùng kỳ năm 2020.

Để ứng phó với những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, ngành du lịch đã chủ động tái cơ cấu triệt để, xoay trục trọng tâm sang thu hút, phục vụ du khách nội địa. Ngành du lịch Thủ đô đã tập trung khai thác các sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm văn hóa đêm. Hiện hoạt động du lịch đêm tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội được nhiều du khách yêu thích, góp phần kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại Thủ đô.

Theo bà Giang, Hà Nội rất giàu tài nguyên phát triển du lịch, đặc biệt là văn hóa, lịch sử, danh thắng, song do truyền thông còn hạn chế hoặc sản phẩm chưa hoàn chỉnh, nên chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Sở Du lịch Hà Nội sẽ kết hợp với các quận, huyện, thị xã, ban quản lý các di tích, danh thắng hoàn thiện sản phẩm.

“Chúng tôi đã kết hợp với các địa phương chuẩn hóa tất cả các bài thuyết minh và dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau để phát triển hệ thống thuyết minh Audio guides. Bên cạnh giá trị riêng biệt của di tích, danh thắng, các điểm tham quan cũng sẽ hoàn thiện bộ sản phẩm quà lưu niệm, tạo tiểu cảnh check-in, chụp ảnh…”, bà Giang cho hay.

Đặc biệt, Sở Du lịch Hà Nội đang cùng với nhiều điểm đến xây dựng sản phẩm mới mà cũ, cũ mà mới để tăng trải nghiệm, mang đến những cảm xúc khác biệt cho du khách. Chẳng hạn, Làng cổ Đường Lâm tới đây sẽ có nhiều dịch vụ mới chưa từng có. Thị xã Sơn Tây đang đề xuất mở tuyến phố đi bộ và chợ đêm tại khu vực thành cổ Sơn Tây. Quận Tây Hồ nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống, lưu trú và trải nghiệm ở khu phố đi bộ Trịnh Công Sơn…

Bên cạnh đó, năm 2021, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, Hà Nội có kế hoạch tổ chức một số sự kiện quy mô quốc tế như Lễ hội Áo dài, Lễ hội Quà tặng, Lễ hội Ẩm thực… để thu hút du khách, nâng mức chi tiêu và số ngày lưu trú của các “thượng đế” khi du lịch Thủ đô.

Tín hiệu phục hồi mạnh

Theo khảo sát của Sở Du lịch Hà Nội, trước dịch bệnh Covid-19, lượng khách du lịch nội địa đến Thủ đô luôn gấp 3 lần lượng khách quốc tế (chiếm 75%), trong đó phần lớn là người dân đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội. Do đó, Sở Du lịch Hà Nội đã làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội, câu lạc bộ du lịch để triển khai chương trình kích cầu du lịch “Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội”.

Sau buổi làm việc, nhiều doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn đã tung ra loạt sản phẩm mới, độc đáo, mang đến nhiều cảm xúc cho người trải nghiệm. Chẳng hạn, Vietravel chào bán tour trọn gói TP.HCM – Hà Nội 3 ngày 2 đêm giá chỉ từ 990.000 đồng – mức giá tốt chưa từng có từ trước tới nay. Trong khi đó, Hà Nội Tourist ra mắt tour du lịch caravan Tây Bắc. Vietfoot Travel giới thiệu tour Hỏa Lò về đêm với các chủ đề hấp dẫn…

Các doanh nghiệp khác cũng đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều tour du lịch kích cầu hấp dẫn như: tour du lịch chùa Hương giảm 15% giá vé; tour du lịch Đền Gióng – Quốc Tử Giám giảm 15% giá vé; tour du lịch khách sạn Sofitel Metropole và City Tour giảm 20% giá vé; phát triển các tour mới phục vụ du khách như tham quan Thăng Long Tứ trấn; Đình Chèm – Chùa Bồ Đề – Bát Tràng (Hà Nội); Đền Sóc – Làng hoa Mê Linh và nhiều tour kết nối Hà Nội với các địa phương như Ninh Bình, Quảng Ninh, Lào Cai…

Đặc biệt, Sở Du lịch Hà Nội đã kết hợp với 4 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Vietravel Airlines để đưa ra những sản phẩm giá tốt. Vietravel Airlines đã cam kết mỗi chuyến bay của hãng hàng không này đến hoặc đi từ Hà Nội sẽ dành 25 ghế có mức giá 0 đồng cho các hãng lữ hành xây dựng sản phẩm kích cầu.

“Lễ hội kích cầu du lịch và giới thiệu văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2021 dự kiến diễn ra từ ngày 16-18/4 tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và tượng đài Lý Thái Tổ. Du khách mua combo, tour trọn gói, đặt dịch vụ qua các công ty lữ hành tại sự kiện này sẽ được hưởng mức giá tốt nhất, được phục vụ chu đáo so với du lịch tự túc”, bà Giang cho biết.

Theo bà Giang, hoạt động du lịch Thủ đô đã có dấu hiệu phục hồi. Nhiều tour kích cầu ra tới đâu, hết tới đó. Các điểm đến di tích từ khi mở cửa lại (vào ngày 8/3 hoặc ngày 13/3) như Chùa Hương, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Làng cổ Đường Lâm… đã đón lượng du khách khá đông, nhất là vào dịp cuối tuần.

Bà Giang cho hay, nếu triển khai hiệu quả chiến dịch “Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội”, ngành du lịch Thủ đô sẽ từng bước hồi phục, có thể tăng trưởng nhanh vào cuối năm, đạt mục tiêu đón lượng khách nội địa từ 10,96 triệu đến 15,34 triệu lượt du khách, bằng 50 – 70% so với năm 2019, gấp đôi lượng khách năm 2020; tăng mức chi tiêu của du khách, kéo dài thời gian lưu trú tại Hà Nội từ 1,3 ngày lên trên 2 ngày.

Theo baodautu.vn