16/03/2025 10:29:17

Đủ kinh phí mở rộng phạm vi và đối tượng áp dụng Nghị định số 178

Bộ Nội vụ khẳng định đủ kinh phí để mở rộng phạm vi và đối tượng áp dụng Nghị định số 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị.

Mở rộng phạm vi và đối tượng áp dụng

Bộ Nội vụ vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 178/2024/NĐ-CP, ngày 31/12/2024 của Chính phủ, về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị. Dự thảo hiện đang được lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ ban hành.

Bộ Nội vụ khẳng định đủ kinh phí để mở rộng phạm vi và đối tượng áp dụng Nghị định số 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị. (ảnh minh hoạ).

Dự thảo gồm ba điều chính gồm: Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 178/2024/NĐ-CP; Điều 2: Quy định về hiệu lực thi hành; Điều 3: Quy định trách nhiệm thi hành.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, xác định tiền lương hiện hưởng để tính chính sách, chế độ, nguồn kinh phí, chính sách hỗ trợ thêm từ địa phương và hiệu lực thi hành.

Dự thảo mở rộng phạm vi điều chỉnh, bao gồm: Các tổ chức hành chính từ Trung ương đến cấp huyện, thực hiện hoặc không thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, nhưng có trách nhiệm tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức.

Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức cấp xã do sắp xếp đơn vị hành chính các cấp. Các hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ từ Trung ương đến cấp huyện thực hiện sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập tổ chức bộ máy.

Bổ sung ba nhóm đối tượng áp dụng

Nhóm 1, cán bộ, công chức, viên chức, người hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước trước ngày 15/1/2019 và lực lượng vũ trang từ đủ 5 tuổi trở xuống đến tuổi nghỉ hưu, không chịu tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng phải thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại.

Nhóm 2, người làm việc trong chỉ tiêu biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước tại các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương và địa phương, chịu tác động trực tiếp từ việc sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập.

Nhóm 3, cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm theo quy định tại Nghị định số 177/2024/NĐ-CP, có thời gian công tác từ 2,5 năm đến 5 năm trước tuổi nghỉ hưu, và cán bộ đang tham gia cấp ủy có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi để tạo điều kiện sắp xếp nhân sự.

Đề xuất hỗ trợ thêm từ địa phương

Bộ Nội vụ nhận định rằng một số địa phương đã ban hành chính sách hỗ trợ thêm với mức chênh lệch lớn (từ 10% đến 100%, hoặc tối đa 300 triệu đồng/người). Để đảm bảo công bằng giữa Trung ương và địa phương, Bộ Nội vụ đề nghị quy định mức hỗ trợ thêm của địa phương tối đa là 30%.

Bộ Nội vụ khẳng định rằng, nguồn kinh phí dự kiến từ ngân sách nhà nước đã được bố trí đầy đủ để đáp ứng việc mở rộng phạm vi và đối tượng áp dụng Nghị định số 178/2024/NĐ-CP. Theo Tờ trình số 8540/TTr-BNV ngày 28/12/2024, Bộ Nội vụ dự kiến giảm khoảng 20% biên chế, tương đương 100.528 người (không bao gồm viên chức sự nghiệp y tế và giáo dục), với tổng kinh phí dự kiến khoảng 130.000 tỷ đồng.

Dự thảo cũng đề xuất bổ sung quy định về việc tính toán tiền lương hiện hưởng, bao gồm cả hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có) để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khi nghỉ việc.

Thanh Quang