Trong bối cảnh thị trường lao động liên tục biến động do sự phát triển của công nghệ và những thay đổi trong cơ cấu kinh tế, nhiều ngành nghề đang đứng trước những thách thức lớn.
Theo báo cáo “Future of Jobs” năm 2025 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), khoảng 41% doanh nghiệp trên thế giới có kế hoạch cắt giảm nhân sự do tác động của AI và quá trình chuyển đổi số. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với thị trường lao động, buộc các bạn trẻ phải cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn ngành nghề trong tương lai. Dưới đây là 5 lĩnh vực dự báo sẽ dư thừa nhân lực trong những năm tới mà bạn có thể tham khảo.

1.Ngành kế toán – kiểm toán
Trong những năm qua, số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán – kiểm toán liên tục tăng cao, trong khi nhu cầu tuyển dụng lại không có sự mở rộng đáng kể. Hơn nữa, sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và phần mềm kế toán tự động đã thay thế nhiều vị trí công việc truyền thống, khiến cung vượt xa cầu. Điều này tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt, khiến nhiều sinh viên tốt nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm đúng chuyên môn.
2.Ngành báo chí – truyền thông
Sự phát triển của công nghệ AI cùng với xu hướng tinh giản và sáp nhập trong ngành báo chí – truyền thông đang tạo ra những thay đổi đáng kể về nhân sự. Đặc biệt, AI có khả năng tự động sản xuất nội dung, từ viết bài đến dựng video, dần thay thế một phần công việc của nhà báo, biên tập viên và chuyên viên truyền thông.
Bên cạnh đó, các vị trí liên quan đến sáng tạo nội dung, nhất là trên nền tảng số, cũng đứng trước nguy cơ bị thu hẹp khi công nghệ tự động hóa ngày càng tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Với sự phát triển mạnh mẽ của AI, nhiều lao động trong lĩnh vực báo chí – truyền thông có thể đối mặt với nguy cơ mất việc trong tương lai gần.
3. Ngành luật
Tương tự như kế toán, ngành luật cũng đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số lượng sinh viên tốt nghiệp. Tuy nhiên, thị trường lao động lại không thể đáp ứng hết số lượng cử nhân luật ra trường mỗi năm. Nhiều công việc liên quan đến pháp lý dần bị thay thế bởi các nền tảng công nghệ thông minh, đồng thời, để hành nghề luật sư hay công chứng viên, sinh viên phải trải qua quá trình đào tạo và thi tuyển khắt khe, khiến cơ hội việc làm ngày càng thu hẹp.
4. Ngành dịch thuật
Sự phát triển của các công cụ dịch thuật ứng dụng AI như ChatGPT, DeepL hay Google Dịch đang tạo ra những chuyển biến lớn trong lĩnh vực biên – phiên dịch. Trước đây, con người phải trực tiếp tra cứu và dịch nội dung theo từng yêu cầu cụ thể, nhưng giờ đây, AI có thể tạo ra bản dịch với độ chính xác cao hơn, nhanh chóng và sát nghĩa hơn.
Các thử nghiệm thực tế cho thấy chất lượng dịch thuật của ChatGPT đã có nhiều cải thiện đáng kể so với Google Dịch. Khi các công ty tiếp tục nâng cấp và mở rộng các mô hình ngôn ngữ, nhu cầu tuyển dụng biên dịch viên, đặc biệt là những người mới vào nghề, có nguy cơ giảm sút. Thậm chí, một số doanh nghiệp có thể hạn chế tuyển dụng thêm hoặc thu hẹp đội ngũ dịch thuật hiện có, do AI ngày càng đảm nhiệm tốt công việc này với hiệu suất vượt trội.

5. Ngành sản xuất và chế tạo
Sự phát triển mạnh mẽ của tự động hóa và robot công nghiệp đang dần thay thế lao động thủ công trong dây chuyền sản xuất, tạo ra áp lực lớn đối với nhân sự trong lĩnh vực này.
Các công việc như lắp ráp, kiểm tra chất lượng hay vận hành thiết bị ngày càng được tự động hóa, giúp nâng cao tốc độ và độ chính xác. Xu hướng này có thể làm giảm nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông, đồng thời gia tăng nguy cơ mất việc đối với những người không có chuyên môn sâu.
Để tránh rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành, các chuyên gia khuyến nghị người lao động cần liên tục cập nhật kỹ năng, học thêm các công nghệ mới và sẵn sàng chuyển đổi ngành nghề khi cần thiết. Ngoài ra, việc lựa chọn ngành học cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về xu hướng thị trường lao động, tránh chạy theo những ngành học phổ biến nhưng không còn nhiều cơ hội việc làm.
Trong thời đại công nghệ 4.0, những ngành nghề có nguy cơ dư thừa nhân lực cần được cảnh báo sớm để người lao động có định hướng phù hợp, đảm bảo sự phát triển bền vững cho cả cá nhân và nền kinh tế.
Diệu Linh