Với chủ đề “Vươn ra biển lớn”, Lễ hội Cá tra lần thứ I – năm 2022 do UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức. Đây là lần đầu tiên Lễ hội Cá tra được tổ chức tại Đồng Tháp, diễn ra từ ngày 16/12 – 17/12/2022, tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Lễ hội Cá tra là hoạt động hướng đến duy trì tổ chức hàng năm để xây dựng hình ảnh Thủ phủ cá tra – Hồng Ngự; quảng bá, tri ân nghề nuôi cá tra, một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung; giới thiệu, quảng bá hình ảnh ấn tượng, đặc trưng, tiềm năng và thế mạnh về sản phẩm từ cá tra, đặc sản địa phương. Thông qua các hoạt động tại lễ hội là cơ hội để các doanh nghiệp, đối tác gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ thông tin về thị trường trong và ngoài nước; kết nối cung cầu tiêu thụ nội địa và tìm kiếm các đối tác kinh doanh tiềm năng trong chuỗi ngành hàng.
Điểm nổi bật của Lễ hội Cá tra lần thứ I – năm 2022 chính là các hoạt động trải nghiệm không gian cá tra và loài cá nói chung trong văn hóa Việt Nam và thế giới; thưởng thức biểu diễn ẩm thực, quà lưu niệm, các sản phẩm đặc sắc từ cá tra; hội thi ẩm thực từ cá tra; chương trình biểu diễn nghệ thuật; tham quan vùng nuôi và nhà máy chế biến cá tra. Không chỉ gói gọn trong các hoạt động giải trí, Lễ hội còn là nơi tôn vinh những cá nhân, đơn vị, tổ chức có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành hàng cá tra, hoạt động vì cộng đồng…
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, cá tra là loài thủy sản đặc hữu có giá trị kinh tế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cá tra cũng là sản phẩm quốc gia và được đưa vào chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Với lợi thế tuyệt đối về điều kiện tự nhiên của vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long, ngành hàng cá tra nước ta không ngừng phát triển và hiện đã trở thành ngành công nghiệp cá tra nổi tiếng toàn cầu với sản lượng hàng năm vượt 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng trăm ngàn lao động.
Năm 2022, mặc dù chịu tác động từ hậu quả của đại dịch COVID-19, nhưng ngành hàng cá tra nước ta đã hết sức năng động, sáng tạo, duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng, tận dụng tối đa nhu cầu từ thị trường sau đại dịch. Nhờ đó sản lượng cá tra năm nay dự kiến đạt 1,68 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến trên 2,4 tỷ USD (tính đến ngày 15/11/2022 kim ngạch xuất khẩu cá tra đã đạt 2,23 tỷ USD) là đỉnh cao nhất trong lịch sử của ngành hàng.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, hiện nay, ngành hàng cá tra tiếp tục định hướng phát triển theo hướng bền vững, hướng nâng cao chất lượng, giá trị và kim ngạch xuất khẩu, thích ứng với biển đổi khí hậu. Để phát triển bền vững ngành hàng cá tra cần nhiều giải pháp đồng bộ như liên kết, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng cá tra giữa người nông dân và doanh nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở chế biến cá tra; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo tình hình cung – cầu. Cần đa dạng hóa sản phẩm để gia tăng giá trị, sử dụng hiệu quả phụ phẩm và phát triển thương mại điện tử, kinh tế tuần hoàn; xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ bao gồm thị trường xuất khẩu, thị trường tiêu dùng nội địa.
“Đặc biệt, phải tập trung nâng cao chất lượng con giống, chất lượng di truyền về một số tính trạng như tăng trưởng, kháng bệnh, chịu mặn…. Cùng với đó là ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất để nâng cao hiệu quả, chất lượng và an toàn thực phẩm của các sản phẩm, từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”, ông Tiến nói.
Trong khuôn khổ Lễ hội còn có các diễn đàn, hội thảo như: Hội nghị tổng kết ngành cá tra Việt Nam năm 2022, Hội nghị chuỗi nuôi trồng, tiêu thụ, ký kết hợp tác và Tọa đàm của ngành Khuyến nông Việt Nam.
Dự kiến, lễ hội sẽ thu hút khoảng 50.000 người tham dự bao gồm các đối tác ngành hàng cá tra, du khách trong nước và quốc tế đến tham dự. Lễ khai mạc Lễ hội diễn ra lúc 19 giờ 30, ngày 16/12/2022 và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp.
Uyển Nhi