Chương trình chuyển giao công nghệ giáo dục từ Australia, Đức – những nước hàng đầu thế giới về dạy nghề, đang được một số trường triển khai thí điểm, hướng tới sự thay đổi mô hình đào tạo, gắn dạy nghề với doanh nghiệp.
Thay đổi cách thức dạy học
Nguyễn Tiến Thịnh, sinh năm 1997, vừa tốt nghiệp khoa Điện tử – Điện lạnh (Trường Cao đẳng Cơ điện Bắc Ninh) theo chương trình chuyển giao từ Australia đã nhận được nhiều lời mời đi làm của các doanh nghiệp.
Tốt nghiệp PTTH, Nguyễn Tiến Thịnh sau khi ở nhà một năm thì biết đến chương trình đào tạo nghề theo chương trình của Australia từ bạn bè. Do yêu cầu của chương trình làm bài tập bằng tiếng Anh và đầu vào đạt chứng chỉ ngoại ngữ B1 châu Âu, nên Nguyễn Tiến Thịnh phải học tiếng Anh 1 năm. “Sau khi học 2,5 năm chuyên ngành, tiếng Anh đã thành thạo để xin việc tại các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu sang châu Âu làm việc, cần học thêm chứng chỉ là có thể sử dụng bằng này luôn. Có ngoại ngữ, bằng lại do phía Australia cấp nên đây là cơ hội lớn đối với những sinh viên vừa ra trường”, Nguyễn Tiến Thịnh chia sẻ.
Theo ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế, hợp tác đào tạo nghề đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nước ngoài giúp các trường trong nước tiếp cận và chuyển đổi đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể, nhà trường đào tạo 2 nghề theo tiêu chuẩn của Australia là quản trị khu resort và hướng dẫn viên với hai điểm khác cơ bản khi áp dụng chương trình là việc học tiếp cận theo năng lực và luôn đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, theo học chương trình, ngoại ngữ của các em đều vượt trội, nên khi tốt nghiệp rất dễ xin việc.
Thầy Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết: Nhà trường mới triển khai hai lớp đào tạo theo chương trình của Đức gồm: Điện công nghiệp và Cắt gọt kim loại từ cuối năm 2019, mỗi lớp 16 em. “Điểm đáng chú ý của các chương trình là đánh giá dựa trên kết quả đầu ra thông qua các bài kiểm tra được chuyên gia Đức chấm đánh giá chất lượng dạy và học. Đồng thời, sau mỗi tiết học, sinh viên đều phải ghi phiếu tiếp thu được những gì. Chương trình này cũng yêu cầu thực tập tại doanh nghiệp 1 năm, chiếm khoảng 30% chương trình học”.
“Dù mới triển khai công nghệ giáo dục của Đức được vài tháng, nhưng những ưu thế trong việc đánh giá kết quả học tập rất rõ, nên nhà trường đã áp dụng hình thức này vào một số chương trình giảng dạy của nhà trường”, thầy Đồng Văn Ngọc cho biết.
Bước đầu làm chủ công nghệ giáo dục mới
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), chương trình đào tạo thí điểm 12 nghề chất lượng cao cấp quốc tế theo chuyển giao của Australia đã giúp cho 25 trường tiếp cận và làm chủ được công nghệ đào tạo tiên tiến.
Ngay sau khi tốt nghiệp, đa phần sinh viên được các doanh nghiệp lớn tuyển dụng; trong đó có 19 sinh viên tự khởi nghiệp, 40 sinh viên đang làm thủ tục ra nước ngoài làm việc. Với vị trí việc làm tốt, nên thu nhập của nhiều học viên khá cao, dao động từ 15 – 30 triệu đồng/tháng đối với các vị trí việc làm ở doanh nghiệp trong nước tại một số lĩnh vực du lịch (quản trị nhà hàng, hướng dẫn du lịch); cơ điện tử, công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm)…
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân đánh giá: Khi đã hội nhập, tiêu chuẩn đào tạo nghề cũng phải theo quốc tế. Để đào tạo khóa sinh viên thí điểm đầu tiên chương trình Australia, phải vượt qua rào cản về ngoại ngữ của chính sinh viên khi chất lượng đầu vào còn hạn chế. Đồng thời, giáo viên giảng dạy cũng phải vượt qua rào cản tiếp cận với công nghệ tiên tiến và cơ quan quản lý cũng phải vượt qua những rào cản về cơ chế, thủ tục hành chính khi đưa 350 giáo viên đi đào tạo tại Australia…
Sau chương trình thí điểm với Australia, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang triển khai thí điểm 22 nghề chất lượng cao từ Đức. Theo ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), số lượng tuyển sinh với 22 nghề chất lượng cao là 1.056 sinh viên, tổ chức thành 66 lớp tại 45 trường.