Chính phủ vừa ban hành Nghị định 74/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, theo đó nâng mức vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động. Đây được xem là động lực nhằm giúp hợp tác xã, hộ kinh doanh và người lao động phát triển các mô hình kinh tế.
Vì sao phải sửa đổi Nghị định 64 ?
Về điều kiện bảo đảm tiền vay, Nghị định 74/2019/NĐ-CP quy định đối với mức vay từ 100 triệu đồng trở lên, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm. Về lãi suất vay vốn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động, Nghị định 74/2019/NĐ-CP sửa đổi theo hướng tăng từ bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo lên bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo. |
Nghị định số 61/2015/NĐ-CP quy định Quỹ quốc gia về việc làm được sử dụng cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (cơ sở sản xuất, kinh doanh) và người lao động để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Theo đó mức vay đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, Nghị định số 61/2015/NĐ-CP quy định mức vay 1 dự án tối đa là 1 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 50 triệu đồng.
Chính sách này sẽ góp phần tạo động lực không nhỏ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa đặc biệt là hợp tác xã, hộ gia đình và người lao động phát triển các dự án để tăng gia sản xuất. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội, tính đến ngày 31.5.2019, tổng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt 16.999 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm là 4.511 tỷ đồng, nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động là 4.010 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách Xã hội là 8.478 tỷ đồng. Doanh số cho vay giải quyết việc làm giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 5.2019 đạt 24.459 tỷ đồng, với gần 800.000 lượt khách hàng được vay vốn, góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 885.000 lao động. Nhờ nguồn vốn có được, những năm qua nhiều mô hình cho vay hiệu quả từ Quỹ quốc gia về việc làm như mô hình khôi phục làng nghề bó chổi thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên; mô hình kinh tế nông trại câu lạc bộ Nông trang xã Dực Yên, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh… đã góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, tạo thu nhập và nâng cao đời sống cho người lao động và gia đình họ.
Tuy nhiên theo phản ánh từ những người trực tiếp được hưởng lợi cũng như phản ánh từ các địa phương mức vay và thời hạn vay vốn chưa phù hợp với quy mô và chu kỳ sản xuất trong tình hình mới. Nguồn vốn vay hạn chế nên không ít hộ gia đình, hợp tác xã và cá nhân phải tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức, các tổ chức tín dụng khác mới đủ vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh với lãi xuất cao.
Xuất phát từ thực tế trên, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm theo hướng nâng mức vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động. Theo đó các mức vay sẽ được nâng lên tối đa 2 tỷ đồng/1 dự án. Cụ thể, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, thời hạn vay vốn cũng được tăng từ không quá 60 tháng lên tối đa 120 tháng.
Ngoài ra, Nghị định cũng sửa đổi một số nội dung khác liên quan đến điều kiện bảo đảm tiền vay đối với người lao động vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; huy động nguồn vốn để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…
Đánh giá về hiệu quả của chính sách cho vay vốn qua Quỹ quốc gia về việc làm, ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, việc tăng nguồn vốn vay qua Quỹ quốc gia về việc làm là giải pháp cần thiết để hỗ trợ cũng như khuyến khích các mô hình phát triển kinh tế từ hợp tác xã, hộ gia đình phát triển. Từ đó góp phần tạo việc làm ổn định và bền vững ở các địa phương. “Những năm qua, nguồn vốn phân bổ cho chương trình rất ít, nhưng hoạt động cho vay của Quỹ rất hiệu quả, góp phần quan trọng hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, hiện nay với việc nâng mức hỗ trợ lên đến 2 tỷ đồng/1 dự án theo Nghị định 74 chắc chắn sẽ là đòn bẩy để các mô hình sản xuất tại cơ sở hình thành và phát triển. Nhất là hiện nay việc sản xuất nông nghiệp đang dần hình thành các chuỗi liên kết sản phẩm giữa các làng, vùng, miền.
Tuy nhiên, để nguồn vốn phát huy hết hiệu quả, các địa phương khi triển khai chương trình cần nghiên cứu cả giải pháp hỗ trợ. Đặc biệt là chú trọng đến mô hình 5 hỗ trợ gồm: Hỗ trợ về định hướng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình thực hiện dự án, hỗ trợ vốn, thị trường tiêu thụ và hỗ trợ quản trị tài chính vi mô” – ông Trung nhấn mạnh.