2020 là năm đặc biệt khó khăn với các ngành kinh tế. Đối với ngành giao thông vận tải còn khó khăn hơn vì đại dịch COVID-19 tác động trực tiếp đến lĩnh vực này. Ngành hàng không, đường sắt cũng không phải ngoại lệ.
Hàng không thua lỗ, đường sắt nguy cơ mất vốn chủ sở hữu
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, năm 2020, thị trường vận tải hàng không Việt Nam giảm mạnh so với các năm trước, sản lượng điều hành bay ước đạt 424.000 chuyến, giảm 548.000 chuyến so với cùng kỳ năm 2019. Khách thông qua các cảng hàng không ước đạt 66 triệu khách và 1,3 triệu tấn hàng hóa, giảm tương ứng 43,4% về hành khách và 15,6% về hàng hóa so với năm 2019. Thậm chí, có ngày trên 40 đường bay nội địa chỉ có 100 chuyến bay, trong khi trung bình trên đường bay TP.HCM – Hà Nội là hơn 70 chuyến/ngày/chiều.
Theo Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành, ước thực hiện cả năm 2020, doanh thu Vietnam Airlines giảm hơn một nửa so với năm 2019, số lỗ hợp nhất vào khoảng từ 14.000 -15.000 tỷ đồng, dòng tiền thâm hụt khoảng 15.000 tỷ đồng.
Trong 9 tháng năm 2020, dịch Covid -19 đã khiến Vietjet lỗ khoảng 2.400 tỷ đồng. Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet cho biết, trước đại dịch, tăng trưởng hàng năm của Vietjet đạt bình quân trên 30% đến năm 2019. Vietjet đã phục vụ 100 triệu hành khách, đóng góp thuế, phí, lệ phí xấp xỉ 9.000 tỷ đồng trong năm 2019. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến hãng đã bán nhiều tài sản tích lũy trong nhiều năm hoạt động để giảm thua lỗ.
Ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, dù thực hiện nhiều giải pháp tăng vốn góp từ cổ đông, tăng đội bay, đường bay nhưng dịch Covid-19 khiến doanh thu Bamboo Airways sụt giảm, ước lỗ bằng 1/3, 1/4 Vietnam Airlines.
Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt (VNR), năm 2020 sản lượng của đường sắt đạt hơn 6.828 tỉ đồng, bằng 79% so với cùng kỳ 2019; doanh thu đạt 6.565 tỉ đồng, bằng 78,3% so với cùng kỳ 2019. Trong đó công ty mẹ đạt tổng doanh thu 1.713 tỉ đồng, bằng 81,6% so với kế hoạch và 66,6% so với cùng kỳ 2019. Dự kiến lỗ hơn 1.324 tỉ đồng. VNR có 1.634 lao động bị ảnh hưởng thiếu việc làm, trong đó 423 lao động phải nghỉ luân phiên không hưởng lương từ 5 – 13 ngày công và 1.211 lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động. Thu nhập bình quân người lao động 8,27 triệu đồng/tháng (bằng 86,2% so với cùng kỳ).
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, do đại dịch Covid-19 khiến lượng hành khách đi tàu sụt giảm. Kế đến, bão lũ ở miền Trung làm gián đoạn vận tải hàng trăm chuyến tàu. Số lượt hành khách đi tàu có tháng chỉ đạt 30 – 35% so với cùng kỳ 2019, đây là mức thấp nhất trong lịch sử ngành đường sắt. “Nếu năm 2021 này diễn biến Covid-19 vẫn như năm 2020 thì sang năm 2022, cả 2 công ty vận tải đường sắt sẽ mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu”.
Doanh nghiệp giao thông vận tải ứng phó với đại dịch
Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp ngành giao thông đã chủ động áp dụng nhiều giải pháp mạnh mẽ để ứng phó với đại dịch, duy trì sản xuất kinh doanh như tổ chức lại sản xuất phù hợp với quy mô thị trường bị thu hẹp; tiết kiệm, cắt giảm triệt để chi phí; tái cơ cấu và tổ chức lại lao động; giãn tiến độ thanh toán; dừng triển khai các danh mục đầu tư chưa cấp thiết; chủ động tìm kiếm và tận dụng mọi cơ hội để tăng doanh thu.
Cùng với đó, Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho các hãng hàng không được vay gói tín dụng 25.000 – 27.000 tỉ đồng do Chính phủ hỗ trợ lãi suất trong thời hạn 3 – 4 năm; cho phép kéo dài miễn giảm phí dịch vụ hàng không đến hết năm 2021.
Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải biển trong thời gian dịch bệnh Covid-19, Cục Hàng hải Việt Nam giảm 10% giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải là tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa (bao gồm cả tàu thuyền và phương tiện sông pha biển). Để chia sẻ khó khăn với các đơn vị kinh doanh vận tải, theo quy định của Bộ Tài chính, từ ngày 10/8 đến hết năm nay, phí bảo trì đường bộ đối với xe khách, vận tải hàng hóa giảm 10 – 30% so với trước.
Phía VNR cũng cho rằng khi xảy ra dịch Covid-19, vận tải hàng hóa đóng vai trò chủ đạo mặc dù doanh thu thấp. Lúc trước, vận tải hàng hóa chỉ chiếm 10 – 20% doanh thu, nhưng hiện đã nâng dần lên và năm nay vận tải hàng hóa tăng khoảng 10%, đơn cử như tháng 9/2020 vận tải hàng hóa tăng 20% so với cùng kỳ. Hiện, ngành đường sắt đang đẩy mạnh tìm kiếm nguồn hàng mới, khai thác chạy tàu hàng liên vận quốc tế nhằm giữ sản lượng vận tải hàng hóa ổn định, VNR xây dựng các đôi tàu vận tải hàng hóa nhanh, đoàn tàu làm ra hiệu quả kinh doanh lớn sẽ được thay đổi thứ tự ưu tiên giờ tàu chạy nhằm giảm thời gian vận chuyển, tăng sức kéo.
Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét miễn, giảm hơn 200 tỷ đồng phí sử dụng hạ tầng đường sắt năm 2020 cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo Baodansinh.vn