13/08/2020 10:53:50

Doanh nghiệp cần tự cứu lấy mình, quyết không “há miệng chờ sung”

“Nếu DN biết thích nghi, tái cấu trúc, tối ưu hóa sản phẩm…, thì không cần ai giải cứu. Chính phủ cũng không thể can thiệp vào thị trường, không thể dẹp đối thủ cạnh tranh để đảm bảo cho DN tồn tại” – Ông Đỗ Hòa, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Tinh hoa Quản trị

Nếu doanh nghiệp biết thích nghi, tái cấu trúc, tối ưu hóa sản phẩm, sàng lọc danh mục…, thì không cần ai giải cứu.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang và sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Không có doanh thu, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp từ du lịch lữ hành đến sản xuất đã quyết định tạm ứng tiền túi để duy trì hoạt động, với kỳ vọng vượt qua khó khăn từ đại dịch.

Cầm cự đến cuối năm

Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Group – tập đoàn kinh doanh nhiều lĩnh vực, như dịch vụ hàng không, lữ hành, khách sạn, du thuyền – từng kỳ vọng có thể ghi nhận doanh thu vào thời điểm hè và chuẩn bị đào tạo lại lực lượng nhân sự đón du khách quốc tế trở lại vào cuối năm. Nhưng từ ngày 25/7, khi Việt Nam ghi nhận thêm ca nhiễm Covid-19, kỳ vọng trên tan biến khi khách hủy dịch vụ hàng loạt.

Doanh số các tour trong nước và vé máy bay của HG Group giảm 90% so với tuần trước khi có ca nhiễm Covid-19 mới.

“Các công ty trong ngành du lịch đều rất khó khăn, dù là HG hay Saigontourist. Bây giờ, khó nhất là duy trì đội ngũ vì dịch diễn ra từ đầu năm, nên nguồn tiền tích luỹ đã bị bào mòn rất nhiều”, ông Đức nói.

Cũng là thành viên của Hội đồng Tư vấn du lịch, ông Đức quan sát thấy nhiều doanh nghiệp sẽ không thể chống chọi và sớm phải ngừng hoạt động khi không có tiền, thậm chí không thể vay ngân hàng để trả lương cho đội ngũ.

HG Group phải giảm một nửa nhân sự và chỉ giữ lại những nhân sự cốt lõi, cố gắng đảm bảo tồn tại đến cuối năm.

“Với các chính sách hỗ trợ, chúng tôi chưa tiếp cận được và doanh nghiệp lữ hành cũng không có tài sản đảm bảo để thế chấp”, ông Đức than phiền.

Trong khi đó, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Xây dựng và Thương mại Lê Thành may mắn và giữ thái độ lạc quan hơn, khi hoạt động cả trong lĩnh vực khách sạn lẫn xây dựng. Có thể, đây cũng là nền tảng để hơn 2 tuần trước, Ngân hàng Vietcombank đã chủ động đề nghị Lê Thành vay tiền trang trải lương cho nhân viên, với lãi suất 7 – 8%/năm.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo này chọn cách dùng tiền tiết kiệm của cá nhân nhiều năm qua để duy trì hoạt động bộ máy, với tiền lương cho 160 nhân viên hơn 1,4 tỷ đồng/tháng.

Ông cũng đang cố gắng dùng tiền túi để cầm cự kinh doanh đến cuối năm, cũng như chuẩn bị kịch bản không có doanh thu cho mảng nhà hàng – khách sạn, vì mùa hè coi như đã hết và không có khách quốc tế.

“Hồi tháng 7, có tới 80% khách sạn ở Đà Lạt của chúng tôi được lấp đầy, nghĩa là khoảng 200 phòng/ngày, nhưng giờ chỉ còn 3%. Có thể, trung tuần tháng này, chúng tôi sẽ đóng cửa để đỡ hao điện, nước”, ông Nghĩa cho biết.

Tự cứu, không chờ hỗ trợ

“Du lịch, khách sạn, nhà hàng… là những ngành thật sự gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn này. Mình là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cũng hơi căng, nhưng còn đường xoay xở”, ông Tôn Thạnh Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nút áo Tôn Văn chia sẻ về khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt.

Ở tuổi 63 với hơn 20 năm gắn bó với nghề sản xuất, kinh doanh nút áo bằng vỏ sò, ốc, ngọc trai trên thương trường, dường như ông Nghĩa chọn cách bình tĩnh tìm cách xoay xở với thời cuộc, thay vì trông đợi các chính sách hỗ trợ, phần vì nguồn lực bản thân “còn chịu đựng được và cũng ngại thủ tục rườm rà”.

Quỹ lương của Tôn Văn còn đủ để trả cho khoảng 100 công nhân được đến tháng 10 nhờ nguồn thu từ tháng 8. Ông Nghĩa hy vọng, cứ như thế, mấy tháng cuối năm sẽ có thêm hợp đồng đủ để trả lương cho lao động. Nếu không, sẽ phải dùng nguồn tiền cá nhân để duy trì hoạt động.

“Mấy tháng nay, lượng hàng sản xuất chỉ còn 30 – 40% so với trước dịch, nhưng vẫn cố gắng duy trì sản xuất. Tôi đang làm showroom tại nhà để phát triển thị trường trong nước cho nút áo và bút xà cừ. Hy vọng mọi chuyện sẽ tốt hơn trong những tháng tới”, ông Nghĩa chia sẻ.

Ảnh hưởng của Covid-19 không loại trừ cá nhân hay tổ chức nào. Đã có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lên tiếng về việc không thể tiếp cận các gói hỗ trợ từ Chính phủ, trong đó có nguyên nhân từ việc không chứng minh được khả năng hoàn trả, báo cáo tài chính không minh bạch, không tài sản thế chấp…

Ông Đỗ Hòa, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Tinh hoa Quản trị (cựu giám đốc chiến lược và marketing khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tập đoàn Shell) cho rằng, với một số doanh nghiệp được Chính phủ “giải cứu” bằng các chính sách hỗ trợ, thì khả năng tiếp tục tồn tại và phát triển được hay không còn tuỳ thuộc vào bản thân doanh nghiệp. Cụ thể hơn là khả năng thích nghi và vượt qua hoàn cảnh khó khăn bằng năng lực lõi của mình, bởi Chính phủ chỉ có thể đưa ra chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, không phải ngừng hoạt động vì thiếu tiền, chứ Chính phủ không thể can thiệp, không làm tăng năng lực cạnh tranh, không giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Bởi vậy, những lúc gặp khó khăn như khi kinh tế suy thoái, bản thân doanh nghiệp phải biết thích ứng, phải tự cải tổ, sàng lọc danh mục, cải tiến sản phẩm, tối ưu hóa chi phí, sao cho hoạt động hiệu quả hơn các đối thủ cạnh tranh.

Thúy Anh (Tổng hợp)