Đừng bao giờ học vì bằng cấp để rồi mong kiếm được việc nhờ mảnh giấy nhỏ đó. Cái vô giá chính là những gì bạn thật sự sở hữu trong trí óc và tay nghề. Đừng bao giờ gói gọn và tự thu hẹp lại tầm nhìn trong một lĩnh vực nào cả! Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp, trong đó có nguyên nhân chính là không phù hợp công việc, dù là có bằng cấp.
“Ngay cả khi trúng tuyển hay đã tốt nghiệp ở một trường đại học hay cao đẳng nào đó, điều ấy không hoàn toàn đồng nghĩa với tìm được công việc phù hợp ngành nghề mà trường đó đào tạo. Đây mới chỉ là chặng đầu của việc nghiệm thử, chưa phải là lúc nghiệm thu về sự phù hợp với nghề” – Hiệu trưởng của một trường Đại học cho biết.
Thực trạng cho thấy rất nhiều học sinh, sinh viên hướng tới đại học hay cao đẳng cốt không phải để chọn nghề phù hợp. Mà chỉ học cầu mong có được mảnh bằng, còn nghề nghiệp hay việc làm thì… tính sau! Cũng vì để “tính sau”, nên đã có lúc lên đến con số 90% sinh viên tốt nghiệp đang phải thất nghiệp.
Tự hướng nghiệp – chọn nghề
Tự hướng nghiệp – chọn nghề ở đây không có nghĩa là bất cần sự giúp đỡ của người khác, mà nó mang ý nghĩa: Sự giúp đỡ đó phải có giá trị cho bạn, thật sự có thể giúp để bạn tự hướng nghiệp – chọn nghề cho mình.
Vậy những ai, những ai sẽ là người giúp bạn trong việc tự hướng nghiệp-chọn nghề. Và làm thế nào để nhận biết đâu là lời khuyên chính đáng nhất? Đó chính là thầy cô, gia đình của bạn và đặc biệt nhất là quyết định ở nơi bạn, bạn chịu trách nhiệm về sự nghiệp và cuộc đời của mình, không thể ai khác.
Việc chọn nghề vừa phải đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội: không cần phải là nghề nghiệp cao sang nhưng nên là những nghề cần thiết (lâu dài) trong xã hội, vừa phải phù hợp với sở thích, sở trường, sức khỏe và đồng thời phải thích nghi với hoàn cảnh kinh tế của mình.
Đừng bao giờ mất tiền nghe những người hướng nghiệp thao thao bất tuyệt về những gì chỉ là lý thuyết. Khi đã có một vài lựa chọn cuối cùng hãy gõ cửa những chuyên gia tìm những lời khuyên xác đáng. Chuyên gia tư vấn nghề nghiệp hay bất cứ ai khác đều không thể khẳng định nghề nghiệp nào thì phù hợp với bạn nhất. Họ chỉ có thể đưa ra cho bạn lời khuyên, sự chỉ dẫn cơ bản nhất trong việc lựa chọn nghề nghiệp và phần nào giúp quá trình quyết định lựa chọn nghề nghiệp của bạn trở nên dễ dàng hơn mà thôi. Tất cả chỉ là để tham khảo, phải phân tích một cách khoa học, loại trừ những nguồn tin nặng về ý nghĩa tiếp thị, quảng cáo, chào hàng, chính bạn mới là người quyết định.
Đừng chỉ dựa vào kiến thức sách vở, hãy quan tâm thực tế cuộc sống
Thực tế, khi tích cực thực hành sẽ thu được kết quả hay hơn, điều chỉnh lại kế hoạch hướng nghiệp-chọn nghề của mình một cách sít sao hơn và cụ thể hơn, ví dụ như:
Tham quan thực tế các cơ sở sản xuất, các lĩnh vực mà mình muốn theo học, làm việc trong tương lai. Điều này không chỉ để các bạn hiểu biết đối với nghề định chọn sẽ làm trong tương lai mà còn có thể làm cho bạn hiểu rõ thêm giá trị của nghề đó, hình thành sự hứng thú và tâm nguyện cống hiến cho nghề đã chọn.
Bạn sẽ tăng thêm cơ hội lựa chọn nghề nghiệp tốt hơn khi bạn không lẳng lặng, âm thầm giải quyết một mình. Nếu bạn gặp gỡ, trao đổi với người khác, bạn có thể nói về cuộc sống của bạn, cảm xúc của bạn, băn khoăn của bạn và nghề nghiệp gì bạn muốn theo. Trong cộng đồng, bạn có thể học được từ những kinh nghiệm của người khác với nhiều quan điểm khác nhau.
Các yếu tố “phù hợp hay không phù hợp với ngành nghề” vẫn là những vấn đề cần phải tiếp tục được đặt ra. Bởi vì, những yếu tố này vẫn liên tục tác động, khiến bạn phải thường xuyên tự rà soát và điều chỉnh lại mình để vững bước trên con đường hướng nghiệp.
Định hướng nghề nghiệp từ sớm để không phải “Giá như…!”
“Giá như” có lẽ là từ tiếng Việt đắt giá nhất mà mỗi chúng ta sẵn sàng trả để làm được điều gì đó đã xảy ra trong quá khứ và chắc ai cũng biết, cơ hội làm lại điều đó gần như “bằng 0”: giá như ngày đó chăm học hơn; giá như mình chịu học tiếng Anh hơn; đặc biệt “giá như lựa chọn ngành học chuẩn hơn” hoặc “giá như lựa chọn công việc tương lai sớm hơn”… nếu thỏa mãn được “giá như” trong quá khứ, chắc hẳn thực tại đã khác.
Vậy để định hướng nghề nghiệp từ ngay trên ghế nhà trường ta cần gì?
Một trong những lý thuyết được sử dụng phổ biến trong việc xác định nghề nghiệp tương lai là Thuyết con nhím (Hedgehog Concept ). Theo thuyết con nhím, để tìm ra nghề nghiệp lý tưởng, mỗi chúng ta cần dựa trên 3 khía cạnh: Điểm mạnh của bản thân (thứ mình giỏi); Đam mê của bản thân (thứ mình thích làm, muốn làm); Nhu cầu xã hội (thứ tạo ra tiền, xã hội cần).
Ngoài thuyết con nhím, lý thuyết cây nghề nghiệp cũng được sử dụng khá phổ biến, trong đó phân chia “Điểm mạnh bản thân” thành hai yếu tố: Khả năng và Cá tính; “Đam mê bản thân” thành Sở thích và Giá trị nghề nghiệp, còn Thứ xã hội cần tương đương Thân cây, cành cây. Về cơ bản, lý thuyết cây nghề nghiệp tương tự lý thuyết con nhím.
Giữa cơn bão sa thải như hiện nay, chắc chắn các nhà tuyển dụng sẽ đòi hỏi nhiều yêu cầu lớn hơn đối với các ứng cử viên. Ở đó không chỉ là trình độ, mà còn phải đáp ứng về kinh nghiệm, thái độ sống… Tuy nhiên, học sinh Việt Nam vẫn luôn bị đặt nặng về kiến thức sách vở, ít được thực hành. Vậy, điều này có thực sự cần có thay đổi trong thời đại ngày càng phát triển? Câu trả lời một phần sẽ được giải đáp bởi chính bản thân thế hệ tương lai.
Quang Trung