Bên cạnh những nguy cơ, hậu quả của các sai phạm trật tự xây dựng (TTXD), nhiều nguồn thu từ việc cho thuê nhà xưởng kinh doanh tại các khu đất dự án, xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp trái phép tại địa bàn phường Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đang không biết đi về đâu?
Ngày 14/4/2020, một đám cháy lớn bùng phát trong kho tạm tại 74 Định Công, sát cạnh nhiều khu chung cư cao tầng. Được biết, đây là bãi đất trống đang được tận dụng làm kho sản xuất.
Những nguy cơ cháy nổ tại các nhà xưởng đã không còn chỉ là cảnh báo. Liệu đây có phải bài học cảnh tỉnh cho chính quyền địa phương nói chung và phường Định Công nói riêng về việc hãy đặt sự an toàn, tính mạng của con người lên trên những nguồn thu?
Câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương?
Tại phường Định Công (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), hàng loạt nhà xưởng có dấu hiệu vi phạm TTXD, kinh doanh trên đất dự án; nhà ở xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp… khiến dư luận đặt ra câu hỏi về vai trò, trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương.
Theo tìm hiểu của PV, hàng loạt nhà xưởng, gara ô tô tự ý dựng lên, hoạt động kinh doanh trên các khu đất dự án thuộc địa bàn phường. Điều đáng nói, thực trạng trên đã diễn ra từ lâu nhưng chính quyền lại không có biện pháp xử lý dứt điểm, triệt để; tiềm ẩn nhiều nguy cơ an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới quy hoạch chung của Thủ đô cũng như đời sống người dân quanh khu vực.
Trên địa bàn phường Định Công, có khoảng 3-4 khu đất dự án chưa có dấu hiệu khởi công xây dựng và được các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân trưng dụng, dựng lên những nhà xưởng, gara kiên cố, các bãi trông giữ xe…, phục vụ mục đích kinh doanh.
Cụ thể, phía đường Trần Điền (Định Công), khu Đầm Sòi, hàng loạt nhà kho, xưởng sản xuất, cửa hàng ăn uống, quán karaoke…, mọc trái phép trên đất nông nghiệp. Có những kho, xưởng “tạm” lâu ngày được tu sửa, dần biến thành những căn nhà kiên cố.
Loạt kho, nhà xưởng gần cầu Định Công (thuộc địa bàn phường Định Công) cũng đang được các cá nhân, doanh nghiệp thuê kinh doanh chủ yếu là các đồ nội thất, đồ gỗ.
Tại khu đất dự án trên đường Hồng Quang là “tổ hợp” các điểm trông giữ xe, kinh doanh đa ngành nghề…
Điểm chung của hàng loạt công trình có dấu hiệu sai phạm này là hệ thống PCCC cực kỳ sơ sài, thậm chí là không có; không thể an toàn nếu có sự cố xảy ra, nhất là khi các nhà xưởng, gara nằm sát nhau.
Một vấn đề nữa được đặt ra liên quan đến các khu nhà kho, xưởng xây dựng trái phép trên địa bàn phường Định Công là điện tại các khu vực này được cung cấp như thế nào? Thông thường, một hồ sơ xin cấp điện trong hợp đồng mua bán điện yêu cầu phải có được một trong những giấy tờ như Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc quyết định phân nhà hoặc hợp đồng mua bán nhà; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trên đất đã có nhà ở); Hợp đồng thuê nhà. Vậy, nếu các nhà xưởng xây dựng sai phép, không có giấy tờ thì đơn vị nào đứng ra “bảo lãnh” để mua điện?
Ngoài ra, tại các địa chỉ ngõ 202 Trần Điền, ngõ 36 Trần Điền, ngõ 192/173 đường Lê Trọng Tấn, ngõ 99/110 Định Công Hạ, Trần Hòa… là tình trạng “gạo đã nấu thành cơm”, các căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp đã nhanh chóng được hoàn thiện kiên cố và đi vào sử dụng mà không gặp bất cứ khó khăn hay sự kiểm tra giám sát nào từ chính quyền phường?
Hiện trạng xây dựng tràn lan, kinh doanh trên đất dự án có nhiều dấu hiệu sai phạm tại phường Định Công đã tồn tại trong suốt một thời gian dài, thậm chí, đã từng bị các cơ quan chức năng “tuýt còi” nhiều lần về số vi phạm cũng như sự buông lỏng quản lý. Thế nhưng, chính quyền phường Định Công nói chung và các cán bộ Thanh tra xây dựng vẫn để tình trạng này tồn tại?
Điều này đã khiến dư luận địa phương đặt ra nhiều câu hỏi, nhưng, đã qua bao đời lãnh đạo, chưa một lần người dân nhận được phản hồi từ người đứng đầu phường Định Công : Trách nhiệm của chính quyền địa phương, các đơn vị quản lý trực tiếp ở đâu? Tại sao những đơn vị kinh doanh này có thể hoạt động bao lâu nay mà không hề thấy các đơn vị chức năng vào cuộc xử lý? Nếu có sự cố xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng thì ai chịu trách nhiệm? Các khoản thu từ việc cho thuê nhà xưởng kinh doanh sẽ về túi ai?
Trong khi đó, căn cứ theo Điều 208 Luật Đất đai 2013 quy định về Trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai như sau: Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương; Chủ tịch UBNDcấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
Trước đó, để triển khai việc xử lý các sai phạm về sử dụng đất và trật tự xây dựng (TTXD) được kịp thời, hiệu quả UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều công văn yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các đơn vị, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn.
Cụ thể: Ngày 04/01/2016, UBND thành phố Hà Nội có ban hành Công văn số 06/UBND-XDGT về việc tăng cường quản lý trật tự xây dựng đô thị, kiểm soát không gian kiến trúc cảnh quan đô thị trên đia bàn thành phố Hà Nội;
Ngày 5/4/2018, UBND thành phố Hà Nội ban hành văn bản 1448/UBND-ĐT chỉ đạo nghiêm túc kiểm điểm tập thể, cá nhân trong việc chậm trễ xử lý, xử lý chưa dứt điểm các công trình vi phạm trật tự xây dựng;
Ngày 17/7/2018, ban hành văn bản số 3245/UBND-ĐT yêu cầu các UBND quận, huyện, thị xã khẩn trương, nghiêm túc xây dựng và triển khai kế hoạch xử lý dứt điểm từng trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng…
Ngày 25/3/2019 HĐND TP Hà Nội đã tổ chức phiên giải trình về công tác quản lý TTXD; xử lý các cán bộ, công chức và các lao động hợp đồng thuộc lực lượng thanh tra xây dựng do có liên quan đến các sai phạm xây dựng.
Ngày 26/02/2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo thành phố làm việc với Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã có chỉ đạo kiên quyết xử lý và xử lý triệt để các vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép, thu hồi các dự án có sử dụng đất nhiều năm không triển khai; có giải pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn, giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm các con sông, nguồn nước, thực hiện phân loại xử lý rác thải, đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành.
Quay trở lại thực trạng nêu trên, mặc dù pháp luật đã quy định rõ ràng, các cấp lãnh đạo TP Hà Nội cũng đã “năm lần bảy lượt” đưa ra các chỉ đạo quyết liệt là vậy nhưng chưa khi nào có tác dụng đối với các lãnh đạo tại phường Định Công trong công tác xử lý các sai phạm về sử dụng đất và TTXD?
Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với UBND phường Định Công, UBND quận Hoàng Mai cùng các Sở, Ban ngành có liên quan để một lần nữa làm rõ, xử lý các “điểm đen” sai phạm cũng như trách nhiệm của từng cá nhân, cán bộ, lãnh đạo phường, trả lại quyền lợi cho người dân.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin ./.
Vi Anh