05/05/2020 8:45:00

Diệt con “virus tham lam”

Sự việc cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội, bắt tạm giam Giám đốc Trung tâm CDC Nguyễn Nhật Cảm cùng các cộng sự, thật sự là một tin gây sốc trong dư luận! Họ đã ngang nhiên thông đồng nâng giá máy xét nghiệm (Realtime PCR) từ 2,3 tỉ lên 7 tỉ đồng.

Trong lúc cả nước đang gồng mình chống đại dịch, trong lúc Việt Nam được cả thế giới khen ngợi, như truyền thông Nga ca ngợi: thành công của Việt Nam là “có một không hai trên toàn cầu”, thì hành động bất lương của Cảm và 6 đối tượng liên quan thật sự là khoảng tối tệ hại trong bức tranh đẹp.

Nhưng khoảng tối ấy không chỉ xảy ra ở CDC Hà Nội. Nó nhởn nhơ diễn ra trong lúc đại họa ở khắp nơi. Cụ thể, tại 15 địa điểm đã mua máy ở các địa phương khác cũng gian lận, nâng khống giá mua máy xét nghiệm từ 1,5 tỷ đồng lên đến 5 tỉ và hơn 8 tỉ đồng.

Thế này không thể gọi là “lỗi cả làng” mà là một tội lớn, tội tham nhũng có tổ chức, có hệ thống, lợi dụng những kẽ hở pháp luật để ăn chặn, ăn cắp, vơ vét cốt đầy túi tham.

Nhưng khi nghe chuyện này chợt có người thở dài: Tội đáng chém! Nhưng “nó” cũng mới nâng mức giá lên hơn 3 lần thôi. Lâu nay trong việc mua bán trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, chuyện thổi giá lên gấp hàng chục lần đã nhỡn tiền. Chúng ta còn nhớ “vụ AVG”, chính Nguyễn Bắc Son và đồng phạm đã thổi giá kinh hoàng hơn rất nhiều. Với giá mua 95% cổ phần của AVG là gần 8.900 tỷ đồng, Mobiphone đã lầm thiệt hại cho Nhà nước hơn 7.000 tỷ đồng. Như vậy bọn tham nhũng đã nâng giá lên tới 18 lần. Và chúng đã chia nhau những va-li ngoại tệ, thản nhiên như nhận… phong bao lì xì ngày Tết (!)

Còn rất nhiều thương vụ khác mà hình thức, thủ đoạn nâng giá tương tự như “vụ CDC”, “vụ AVG”. Điển hình nhất là tham nhũng đất đai, xây dựng cơ bản, giao thông đô thị…Chuyện các quan “ăn đất” là tiếng chuông thức tỉnh đã gióng lên từ rất lâu rồi, nhưng càng ngày càng kinh khủng hơn.

Bây giờ ta phải trả lời câu hỏi, một câu hỏi xưa như trái đất mà trả lời mãi không xong? Vì sao con voi vẫn cứ chui lọt lỗ kim? Vì sao một cây kim mà hai đầu đều có lỗ? Vì sao những kẻ đứng đằng sau những vụ tham nhũng lớn vẫn thoát tội.

Cụ thể ở đây là: Chẳng lẽ cái việc nâng giá máy xét nghiệm lại dễ dàng đến thế.  Xin hỏi các nhà quản lí, các nhà chuyên môn đi đâu hết cả rồi. Các bà đi chợ thuộc giá cân thịt, mớ rau đến từng ngày. Còn các vị lãnh đạo ngành y tế nếu không nắm được giá máy xét nghiệm thì hoặc là quá quan liêu, hoặc là có “vướng” gì vào chuyện mua bán. Nếu biết sớm, ngăn chặn từ đầu, mua máy đúng giá thì đã cứu được mấy anh quan y tế tham lam kia. Bởi sau khi CDC Hà Nội vỡ chuyện, các tỉnh khác cũng ồ cả lên rằng, chúng tôi đã thương thảo lại, bớt giá chỉ còn 2 tỉ, 3 tỉ đồng. Rằng chúng tôi chỉ đi mượn máy, xong việc sẽ trả (!)…Chuyện này chả khác chi cái anh nhá phải cái gân gà, gân vướng vào cổ, càng cố nuốt cần mắc, nhả ra thì không được.

Rồi tới đây các cơ quan chức năng sẽ phải tiếp tục điều tra làm rõ những tiêu cực trong việc mua sắm trang, thiết bị y tế. Phải làm rõ nguyên nhân, tìm giải pháp ngăn chặn từ gốc nạn tham nhũng này. Tại sao cấp trên không được báo cáo rõ? Có chuyện chia chác hoa hồng giữa đơn vị mua với cấp trên không? Phân cấp quản lí, quyền hạn của từng cấp đến đâu? Đạo đức cán bộ suy đồi hay năng lực, chuyên môn yếu kém? Mối quan hệ giữa chuyên môn giỏi và năng lực quản lý một sở, một bộ? v.v..

Rồi đây phải tiếp tục công cuộc “đốt lò”. Cái lò lửa đấu tranh chống tham nhũng vẫn đang rừng rực cháy. Nhưng hình như đâu đó đang có tư tưởng, tình trạng “lặng lẽ chờ thời”. Khi con vi-rút tham lam còn ẩn mình trong máu thì diệt được nó là vô cùng khó, có khi còn khó hơn diệt Covid-19. Diệt con vi-rút này bằng đạo đức hay bằng pháp luật? Đương nhiên là cả hai. Nhưng trước hết và trên hết vẫn phải là pháp luật. Bởi khi máu tham nổi lên, ai đó sẵn sàng bất chấp đạo lí, tình người, “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền” (Nguyễn Du). Cho nên phải thay đổi, phải điều chỉnh pháp luật, cơ chế, chính sách để chặt cái vòi đặc quyền, đặc lợi, để người có chức, có  quyền không dễ tham nhũng, không thể tham nhũng.

Và khi nói tới đạo đức thì xin các vị lãnh đạo càng cao càng phải hết mình nêu gương sáng cho người dân bắt chước như Bác Hồ đã dặn. Đảng ta đã có quy định về sự nêu gương. Nhưng xem ra còn quá ít gương sáng, gương ở trên cao. Thượng bất chính, thì hạ tắc loạn.

Người dân mong chờ: Thượng quang minh chính đại!

Trần Quang