22/03/2023 5:17:28

“Dệt may Việt Nam: Mạnh hơn – Thông minh hơn – Xanh hơn”

Đây là chủ đề triển lãm quốc tế vải cao cấp khai mạc sáng nay tại GEM Center, TP.Hồ Chí Minh.

Đây là sự kiện triển lãm đầu tiên của năm 2023 trong bối cảnh toàn ngành dệt may đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid – 19.

Triển lãm do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh tại TP.HCM (VCCI-HCM) phối hợp cùng Công ty Cổ phần Giải pháp Dệt may Bền vững (Công ty STS) và Tengda Exhibition tổ chức.

Chính thức khai mạc Texfuture Việt Nam Xuân Hè 2023.

Đây được xem là hoạt động kết nối giao thương mở đầu trong năm 2023 của ngành Dệt may Việt Nam, thu hút được hơn 200 đơn vị tham gia triển lãm với hơn 1.500 mẫu vải được trưng bày và hơn 2.000 lượt khách tham quan tại triển lãm với những khác biệt trong phương thức tổ chức. Đó là thông qua Texfuture Việt Nam Xuân Hè 2023 tạo cộng đồng doanh nghiệp Dệt may trong nước và quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là vùng nguyên liệu của ngành hình thành hệ sinh thái liên kết có trách nhiệm, phát triển Dệt may Việt Nam theo hướng “Kinh tế tuần hoàn – Kinh tế xanh và Chuyển đổi số”.

Các doanh nghiệp tham gia đặt gian hàng tại Triển lãm là các doanh nghiệp Việt Nam và thế giới đến từ 7 nhóm lĩnh vực chính bao gồm: Vải thời trang bền vững (Sustainable Fabrics); Vải thời trang các loại (Fashion Fabrics); Vải chức năng (Functional Fabrics); Khu công nghiệp và kinh tế tuần hoàn (Industrial Park & Circular Economy); Kỹ thuật, thông tin & giải pháp dệt may (Technique, Information & Solutions); Nguyên liệu bông xơ (Textile raw materials); Hàng gia dụng, phụ kiện và phụ liệu dệt may (Home Textiles & Accessories).

Các doanh nghiệp tham gia đặt gian hàng tại Triển lãm là các doanh nghiệp Việt Nam và thế giới đến từ 7 nhóm lĩnh vực.

Ngoài hoạt động triển lãm chính, sự kiện còn có các chuỗi hoạt động nổi bật khác có thể kể đến như: Khu vực triển lãm xu hướng vải (Fabric Trend Zone); Khu vực triển lãm xu hướng sắc màu (Color Trend Zone); Khu vực không gian sáng tạo (Creative Zone); Không gian kết nối giao thương (Business Matching – B2B).

Có hơn 30 nhà sáng lập, diễn giả & chuyên gia tham gia diễn đàn Dệt may chia sẻ về 3 thông điệp nổi bật: Các xu hướng Xuân hè 2024 (TrendingOn 2024SS); Kỷ nguyên mới trong thiết kế thời trang (New Age of Design); Tương lai là hôm nay (The Future is Now); Giới thiệu nguyên liệu vải tự nhiên qua các trang phục dân tộc đến từ nhà thiết kế thời trang bền vững Vũ Việt Hà và La Phạm.

Giới thiệu nguyên liệu vải tự nhiên qua các trang phục dân tộc đến từ nhà thiết kế thời trang bền vững Vũ Việt Hà.

Bên cạnh đó, các xu hướng về vải từ các chất liệu tự nhiên như sợi cây gai xanh của Tập đoàn gai Thiên Phước Ramie, sợi dứa của ECOSOI, tơ sen của Lụa Sen Đồng Tháp và các xu hướng màu sắc mới nhất cũng được cập nhật tại triển lãm. Tại đây, các chuyên gia cũng chia sẻ kinh nghiệm về việc ứng dụng số hóa và công nghệ tại các doanh nghiệp hay câu chuyện khởi nghiệp bắt đầu từ những bước chân nhỏ từ mối tình với làng lụa Nam Cao của nhà sáng lập và điều hành Hanhsilk, Startup 8X tại TP. HCM với mục tiêu thay thế thời trang nhanh bằng mô hình Reshare – Tủ đồ second-hand online lớn nhất Việt Nam; Hay những đơn vị sản xuất các loại vải chuyên nghiệp trong các lĩnh vực đổi mới và bảo vệ môi trường, giảm phát thải, tái sử dụng và tái chế – đó là Shanghai Sinotex Eco – thương hiệu nhuộm thực vật – Naturoot® dẫn đầu trong việc áp dụng phương pháp nhuộm thực vật, tiên phong trong quá trình thúc đẩy và phát triển bền vững trong tất cả các giai đoạn của chuỗi cung ứng, từ thiết kế và sản xuất sản phẩm xanh.

Không gian tái hiện nghề dệt lụa tơ tằm tại Texfuture Việt Nam Xuân Hè 2023.

Đánh giá về mục tiêu của Texfuture Việt Nam Xuân Hè 2023, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân – Viện trưởng Viện Kinh tế tuần hoàn (ĐH Quốc gia TP. HCM) cho biết: “Dệt may là một trong những ngành gây tiêu thụ tài nguyên, ô nhiễm môi trường, có cường độ phát thải khí nhà kính cao. Với các chính sách của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua, nhất là khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO với yêu cầu hợp tác thương mại mà các yếu tố về môi trường – phát triển bền vững được xem ưu tiên hàng đầu nhằm xoá bỏ rào cản thương mại trong các cuộc đàm phán cho các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường, thì rõ ràng, Dệt may thuộc nhóm sản phẩm phải tuân thủ các tiêu chuẩn ‘xanh hoá’ trong sản xuất. Theo đó, chuyển đổi kinh tế tuần hoàn ngành Dệt may chính là giải pháp quan trọng đảm bảo mục tiêu “xanh hoá” của ngành”.

“Chúng tôi đánh giá cao các mục tiêu mà Texfuture Việt Nam Xuân Hè 2023 đặt ra tại sự kiện lần này. Đặc biệt thông qua triển lãm để cùng thảo luận và đề xuất các mô hình, khả năng liên kết các bên cùng thực thi và cam kết chuyển đổi kinh tế tuần hoàn, hướng đến xanh hoá Dệt may Việt Nam. Bên cạnh phải có sự phối hợp giữa các chủ thể như Nhà nước, Doanh nghiệp, Nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) và các bên có liên quan thì còn cần sự cộng đồng trách nhiệm, cùng tham gia giữa các ngành, lĩnh vực như: nông nghiệp, công thương, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, công nghệ số,…trong quá trình Chuyển đổi xanh ngành Dệt may Việt Nam.”- Ông Nguyễn Hồng Quân nói thêm.

Các xu hướng về vải từ các chất liệu tự nhiên như sợi cây gai xanh của Tập đoàn gai Thiên Phước Ramie, sợi dứa của ECOSOI, tơ sen của Lụa Sen Đồng Tháp và các xu hướng màu sắc mới nhất cũng được cập nhật tại triển lãm.

Được biết, trước thềm diễn ra triển lãm, Ban tổ chức đã phối hợp cùng với các Khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất tại TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Long An tổ chức các hoạt động tham quan, xúc tiến thương mại trực tiếp tại các nhà máy, doanh nghiệp nổi bật trong lĩnh vực dệt may vào hai ngày 20 và 21/03/2023.

Đây là một trong những hoạt động hữu ích, thiết thực nhằm giúp các nhà đầu tư nước ngoài kết nối giao thương, tìm hiểu về môi trường kinh doanh, chính sách đầu tư, môi trường lao động, chính sách ESG tại các doanh nghiệp dệt may trong nước, từ đó sẽ có những đột phá trên con đường tìm nguồn cung ứng vải bền vững và sáng tạo.

Uyển Nhi