Tuy nhiên, Ban thường vụ của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an xem xét điều chỉnh một số nội dung:
Chỉ đổi số đăng ký và giấy chứng nhận đăng ký trong trường hợp chủ xe có yêu cầu. Giữ nguyên số đăng ký trên biển số mới (có nền màu vàng) nếu chủ xe không có nhu cầu và trong trường hợp này không cần đổi lại giấy chứng nhận đăng ký.
Lý do, nếu đổi cả số đăng ký và giấy chứng nhận đăng ký xe sẽ có tác động rất lớn đến các lĩnh vực ngân hàng (đang lưu giữ hồ sơ thế chấp của các xe đang thế chấp để vay vốn), bảo hiểm, kiểm định xe cơ giới, thu phí giao thông, dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình…
Đối với xe không đổi số đăng ký, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đề nghị quy định quy trình đổi biển số đơn giản hơn so với quy trình chung. Cụ thể, đề nghị thực hiện theo quy trình cung cấp dịch vụ công cấp độ 3.
Theo đó, chủ xe khai báo qua mạng, không cần phải cấp biển số tạm trong thời gian chủ xe khai báo đổi biển số, xe vẫn hoạt động bình thường.
Với những đề xuất như trên nếu được chấp thuận, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam ước sẽ giảm chi phí cấp giấy chứng nhận đăng ký 30.000 đồng, chi phí cấp biển số tạm 50.000 đồng, khoản chi phí đáng kể trong điều kiện hiện nay.
Hiệp hội kiến nghị: “Nếu tính trên toàn quốc hiện có 1,6 triệu xe kinh doanh vận tải thì tổng chi phí cho việc đổi biển số là 240 tỷ đồng. Trong điều kiện hiện nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn, việc gia tăng chi phí sẽ tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. Vì vậy kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công an giảm 50% tiền chi phí đổi biển số”.
Hiệp hội khẳng định việc cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ giảm chi phí có ý nghĩa vô cùng lớn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp, là nguồn động lực to lớn thúc đẩy các doanh nghiệp nhanh chóng triển khai đổi biển số cho phương tiện kinh doanh để chính sách đi vào cuộc sống.
PV (th)