04/02/2025 10:46:03

Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh:

Đào tạo mô-đun tích hợp trên nền tảng số, xanh hóa quy trình đào tạo

Ứng dụng Chuyển đổi số (CĐS) trong giảng dạy, với mô hình đào tạo mô-đun tích hợp giữa lý thuyết và thực hành, nhằm cá nhân hóa người học đang được trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh tích cực triển khai thực hiện và có ứng dụng hiệu quả.

Trên nền tảng LCMS (Learning Content Management System) với hệ thống “ngân hàng” kiến thức, kỹ năng số được xây dựng, đặc biệt luôn được cập nhật các kiến thức gắn với công nghệ mới,  kỹ năng mới trên không gian mạng, người học được tiếp cận các kiến thức, hình thành kỹ năng dễ dàng hơn trước khi bước vào thực hành trong thực tế.

TS Vũ Quang Khuê – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng CĐ Công nghiệp Bắc Ninh

Cá nhân hóa người học để “không ai bị bỏ lại phía sau”, thích ứng vị trí việc làm tại doanh nghiệp

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với nhiều cơ hội và thách thức đối với đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong việc tiếp cận, đổi mới phương pháp giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo nghề để có được nguồn nhân lực dồi dào “làm chủ” công nghệ.

Để giúp mỗi cá nhân người học luôn thích ứng, được cập nhật, trau dồi những kiến thức, kỹ năng mới và học mọi lúc, mọi nơi trên nền tảng số với phương châm “ không để ai bị bỏ lại phía sau”- giúp mỗi học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường, hay đi làm ở doanh nghiệp vẫn có một “kho học liệu số” đều có thể tiếp cận, cập nhật và học mọi lúc, mọi nơi- quyết không để “tụt hậu” với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện nay.

Đây là một trong những vấn đề được tỉnh Bắc Ninh đặc biệt quan tâm  đối với công tác phát triển sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp (GDNN), tạo bước đột phá mạnh mẽ về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, luôn bắt nhịp với xu hướng phát triển của công nghệ và kịp thời đáp ứng nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng đạt chuẩn quốc gia, chuẩn quốc tế cho các doanh nghiệp FDI ngay tại địa phương.

Với phương pháp giảng dạy trên nền tảng LCMS- đào tạo mô- đun tích hợp trên nền tảng số, giúp cá nhân hóa người học chính là một trong những  nội dung thực hiện Dự án “ Phát triển mô hình đào tạo kết hợp trực tiếp và gián tiếp bằng việc số hóa hướng dẫn kỹ năng nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ kỹ thuật viên tỉnh Bắc Ninh” được UBND tỉnh Bắc Ninh đầu tư.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh tham quan mô hình đào tạo tại trường CĐ Công nghiệp Bắc Ninh

Thực hiện dự án này, trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh là cơ sở GDNN nòng cốt của tỉnh nhanh chóng bắt nhịp, ứng dụng ngay vào quá trình dạy học cho sinh viên ở các ngành nghề trọng điểm mà thị trường lao động luôn cần, đòi hỏi nguồn nhân lực có kỹ năng nghề chất lượng cao như: Cơ khí chính xác ( Cắt gọt kim loại) theo tiêu chuẩn CHLB Đức, nghề Chế tạo máy; cùng các nhóm nghề Điện- Điện tử, Tự động hóa; nhóm nghề Công nghệ thông tin và Thương mại điện tử.

Hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí vật tư – xanh hóa quá trình đào tạo

Đào tạo mô- đun tích hợp trên nền tảng số với 30% ứng dụng phương pháp để giảng dạy và chiếm 40% trong tổng số mô- đun chương trình, phương pháp giảng dạy này mang đến cho giảng viên, học sinh, sinh viên nhà trường những lợi ích, hiệu quả cao.

Bài giảng số tích hợp cũng giúp sinh viên có thể vừa làm ở doanh nghiệp, vừa học ở trường một cách linh hoạt về cả thời gian học tập, cũng như lựa chọn nội dung học tập trước khi đến xưởng thực hành của nhà trường, hay xưởng sản xuất của doanh nghiệp để luyện tập, rèn luyện kỹ năng trực tiếp trên hệ thống máy móc.

Phương pháp này sẽ rút ngắn được thời gian đào tạo, giảm thiểu chi phí thực hành và luyện tập, phù hợp với mô hình đào tạo song hành ( đào tạo kép) giữa nhà trường và doanh nghiệp. Phương pháp giảng dạy mô – đun tích hợp, cá nhân hóa người học chính là sự kết hợp giữa phương pháp trực tiếp hướng dẫn kỹ năng tại xưởng, đồng thời gián tiếp thông qua hệ thống đào tạo số LCMS để cá nhân hóa người học.

Sinh viên CĐ Công nghiệp Bắc Ninh hứng thú với mô hình đào tạo mô đun tích hợp trên nền tảng số

Ngoài những lợi ích giúp người học dễ dàng tiếp cận kiến thức, rút ngắn thời gian học tập nhưng vẫn đảm bảo sớm hình thành kỹ năng trên nền tảng số trước khi bước vào thực hành… Nền tảng số còn là lời giải cho bài toán về tiết kiệm chi phí, giảm vật tư tiêu hao trong quá trình hướng dẫn thực hành và đặc biệt góp phần “xanh hóa” trong chương trình đào tạo nghề hiện nay.

Việc cá thể hóa người học và định hướng người học theo xu hướng học học tập suốt đời bằng việc thiết kế khung sư phạm cho các bài giảng ( các tiểu kỹ năng, kỹ năng được lựa chọn số hóa); xây dựng và hệ thống hóa các bài giảng số để triển khai giảng dạy mô- đun tích hợp sẽ giúp cho nhà giáo được thuận lợi hơn trong việc bố trí, triển khai giảng dạy.

Đảm bảo mục tiêu chuẩn đầu ra, đào tạo theo năng lực thực hiện

Đây cũng là nội dung thực hiện các tiêu chí về đào tạo nghề hiện nay được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định chi tiết về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp theo từng ngành, nghề và trình độ đào tạo. Đồng thời đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn số hóa của trường cao đẳng chất lượng cao theo Thông tư 35 của Bộ LĐ-TB&XH quy định.

Bởi vậy, việc xây dựng các mô- đun trong chương trình đào tạo cần được xây dựng dựa trên sự hình thành các kỹ năng, tiểu kỹ năng cho người học theo dạng các dự án học tập ( đào tạo có sẩn phẩm đầu ra). Đào tạo tích hợp trong GDNN là sự kết hợp giữa dạy lý thuyết và thực hành.

Đào tạo mô-đun tích hợp của CĐ Công nghiệp Bắc Ninh chuẩn đầu ra, gắn với thực tiễn đời sống sản của doanh nghiệp hiện nay

Trong quá trình xây dựng bài giảng số trong chương trình đào tạo mô-đun đòi hỏi sự liên kết logic giữa lý thuyết và thực hành, cùng đó là quá trình kiểm tra đánh giá kiến thức và kỹ năng của người học, tạo thành khóa học để đảm bảo sự thống nhất hài hòa, trọn vẹn của hệ thống dạy học nhằm đạt mục tiêu dạy học tốt nhất.

 

Bài giảng số với mục tiêu là thiết kế, xây dựng số hóa một bài giảng trên nền tảng LMS có thời lượng phù hợp trong chương trình đào tạo. Nội dung được lựa chọn là tiểu kỹ năng, hoặc kỹ năng để hình thành đạt chuẩn đầu ra đó là hình thành, phát triển năng lực của người học cấu thành từ các thành tố năng lực, hình thành năng lực hoạt động nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm sau này.

Sự kết hợp hài hòa gữa các phương pháp, đồng thời sử dụng phương pháp công cụ số để đánh giá người học đang là mô hình đào tạo hiệu quả, đánh giá khách quan cho người học, vừa học vừa làm, cá nhân hóa các hoạt động dạy và học, rút ngắn thời gian đào tạo và khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp.

                                              TS Vũ Quang Khuê

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh