Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị trình Chính phủ đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư phục vụ tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị ngành bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Theo đề án, đến năm 2030, kỹ sư Việt Nam có khả năng tham gia sâu vào quy trình thiết kế các vi mạch bán dẫn hiện đại; tham gia sâu vào công đoạn đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn, làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử.
Đến thời điểm đó, kỹ sư Việt Nam tham gia làm việc trong các nhà máy sản xuất bán dẫn, từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất; và đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị.
Đến năm 2045, Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu với đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao làm cơ quan chủ trì dự thảo đề án. Đề án kỳ vọng cung cấp đủ nhân lực cho các doanh nghiệp bán dẫn trong nước và xuất khẩu lao động sang các các thị trường phát triển khác.
Theo Bộ KH – ĐT, hiện nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ đến đầu tư vào chuỗi lĩnh vực chíp bán dẫn tại Việt Nam, như Intel, Amkor (mảng đóng gói, kiểm thử), Marvell, Qorvo, Qualcomm (mảng thiết kế), Synopsys, Cadence (cung cấp công cụ thiết kế chip bán dẫn)…
Tập đoàn Siemens (Đức) sẽ tài trợ bộ phần mềm thiết kế chip và bo mạch tiên tiến nhất cho Việt Nam. Tập đoàn này sẽ cung cấp các dịch vụ đào tạo và đồng hành với Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp điện tử bán dẫn.
Tập đoàn chip Synopsys (Mỹ) đã hỗ trợ NIC thành lập một Trung tâm ươm tạo thiết kế chip tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Trung tâm này bao gồm các công nghệ tiên tiến của Synopsys trong tạo mẫu và mô phỏng để tối ưu hóa phần mềm và đồng bộ thiết kế SoC (hệ thống trên chip) phần cứng. Synopsys cung cấp giấy phép đào tạo, bao gồm giáo trình, nguồn lực giáo dục và chương trình đào tạo giảng viên cho NIC.
Công ty hàng đầu thế giới về thiết kế vi mạch Cadence (Mỹ) đã ký biên bản ghi nhớ với NIC về triển khai các hoạt động, nhằm thúc đẩy năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm chip bán dẫn tại Việt Nam. Đồng thời khai giảng khóa đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch dành cho giảng viên các trường đại học khu vực Hà Nội và kỹ sư tại các công ty công nghệ. ĐH Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), GS.TS Chử Đức Trình,
Hiện nhiều trường đại học đã mở ngành mới thiết kế vi mạch bán dẫn và tuyển sinh đào tạo kỹ sư, cao học phục vụ chuyên ngành này. ĐH Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết mỗi năm có hơn 1.000 sinh viên được đào tạo ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, đơn vị có thể đào tạo khoảng 6.000 nhân lực có trình độ chuyên sâu trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Việt Hùng