08/09/2023 10:54:26

Đào tạo cử nhân luật kinh tế theo định hướng ứng dụng tại ĐH Kinh tế Quốc dân trong xu thế hội nhập

Chương trình giáo dục Đại học Luật Kinh tế theo định hướng ứng dụng (Profession-Oriented Higher Education – POHE) đã được Trường Đại học kinh tế quốc dân xây dựng và đào tạo từ năm 2015 với mục tiêu nâng cao năng lực nghề nghiệp của sinh viên bằng cách xây dựng Chương trình đào tạo lấy nhu cầu của thị trường lao động làm trung tâm. Chương trình đã được rà soát và hoàn thiện 2 năm một lần qua việc lấy ý kiến của các bên liên quan và càng ngày chất lượng đào tạo càng được nâng cao, phù hợp với nhu cầu của xã hội. Qua bài viết này tác giả sẽ đánh giá ưu thế và những thành tựu đã đạt được và đề xuất một số biện pháp hoàn thiện Chương trình đào tạo Luật kinh doanh (POHE) trong xu thế hội nhập.

TS Dương Nguyệt Nga

Mục tiêu của Chương trình

Chương trình đào tạo Luật kinh tế theo định hướng ứng dụng có mục tiêu đào tạo là đào tạo cử nhân Luật Kinh tế có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với tổ quốc, chấp hành đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước; có sức khỏe tốt để hoàn thành các nhiệm vụ được giao; có kiến thức cơ bản về kinh tế xã hội, đặc biệt chuyên sâu về kiến thức, kỹ năng và thái độ về pháp luật luật kinh doanh. Cử nhân Luật kinh tế chuyên ngành Luật kinh doanh POHE có đủ năng lực để áp dụng kiến thức pháp lý được trang bị trong quá trình học tập tại Nhà trường nhằm thực hiện những công việc pháp lý khác nhau phát sinh trong đời sống của chủ thể kinh doanh và chủ thể khác có liên quan… Có tư duy nghiên cứu độc lập, có năng lực tự bổ sung kiến thức và tiếp tục học tập nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu của công việc.

Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp

Cử nhân Luật Kinh tế của chương trình đào tạo sau khi tốt nghiệp có thể làm việc trong các Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội như Chuyên viên trong các cơ quan lập pháp, cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế, bộ phận pháp chế hoặc cán bộ pháp chế của các cơ quan nhà nước nói chung. Cán bộ làm việc trong các cơ quan tư pháp nhưng phụ trách các vụ việc có liên quan đến kinh doanh thương mại như thư ký tòa án, thẩm phán…. và các cơ quan nhà nước khác từ trung ương xuống địa phương; làm việc tại các cơ quan Đảng và tổ chức chính trị-xã hội.

Cử nhân Luật Kinh tế của chương trình đào tạo sau khi tốt nghiệp có thể làm trong các Doanh nghiệp và chủ thể kinh doanh khác, như nhân viên hoặc người quản lý trong bộ phận pháp chế của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các bộ phận hoặc vị trí phụ trách vấn đề pháp lý trong những bộ phận của doanh nghiệp không có bộ phận pháp chế như phòng hành chính, nhân sự (phụ trách vấn đề hợp đồng lao động và các chế độ khác cho người lao động), phòng kinh doanh (phụ trách hợp đồng trong kinh doanh thương mại), cán bộ thực hiện dự án, cán bộ quản lý doanh nghiệp.

Cử nhân Luật Kinh tế của chương trình đào tạo sau khi tốt nghiệp cũng có thể làm trong các tổ chức cung ứng dịch vụ pháp lý ở vị trí chuyên viên tư vấn pháp lý, luật sư tư vấn, luật sư tranh tụng, trọng tài viên, hòa giải viên, công chứng viên… trong các tổ chức cung ứng dịch vụ pháp lý như công ty, văn phòng luật, trung tâm trọng tài, trung tâm hòa giải … chuyên giải quyết các vụ việc về kinh doanh, thương mại.

Bên cạnh đó, các cử nhân này cũng có thể giảng dạy và nghiên cứu tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo về pháp luật, hành chính-chính trị như các trường đại học, cao đẳng, trung học, trung tâm, viện nghiên cứu về các lĩnh vực liên quan… tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo.

Cuối cùng, các cử nhân Luật Kinh tế của chương trình đào tạo sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các Tổ chức quốc tế.

Các cử nhân luật kinh tế theo định hướng ứng dụng tại ĐH Kinh tế Quốc dân trong một buổi đi thực tế.

Chuẩn đầu ra của Chương trình

Sau khi học xong Chương trình đào tạo đại học định hướng ứng dụng POHE ngành Luật Kinh tế, sinh viên sẽ nắm vững kiến thức nền tảng về Kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh; Nghề luật, định hướng phát triển nghề luật; Nhà nước và Pháp luật và các lĩnh vực pháp luật cơ sở ngành như pháp luật hiến pháp, hành chính, dân sự và hình sự; Lĩnh vực pháp luật chuyên ngành về kinh doanh, thương mại như pháp luật về thành lập, tổ chức hoạt động của các chủ thể kinh doanh, pháp luật đầu tư, pháp luật thương mại, pháp luật về hợp đồng kinh doanh thương mại, pháp luật cạnh tranh, đất đai, môi trường, ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, chứng khoán, thuế… Pháp luật quốc tế, tư pháp quốc tế, luật thương mại quốc tế và các kiến thức pháp lý liên quan đến hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế – thương mạị; Pháp luật về giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại.

Sinh viên sẽ có kỹ năng phân tích và diễn giải về các vấn đề pháp lý chung đời sống xã hội và  đặc biệt trong hoạt động kinh doanh thương mại của các chủ thể kinh doanh. Sinh viên có kỹ năng tổng hợp, đánh giá kiến thức pháp luật chung, pháp luật về kinh doanh thương mại để áp dụng vào trong thực tiễn đời sống kinh doanh thương mại. Sinh viên có kỹ năng giao tiếp bao gồm cả kỹ năng viết và nói để đảm bảo thực hiện các hoạt động của nghề luật như soạn thảo hợp đồng và các hồ sơ, tài liệu pháp lý khác; thương lượng, đàm phán hợp đồng kinh doanh thương mại; tư vấn pháp luật bằng các phương tiện khác nhau; tranh tụng; làm việc với cơ quan nhà nước, cá nhân và tổ chức khác. Sử dụng được tiếng Anh pháp lý trong thực hiện các hoạt động nghề nghiệp. Sinh viên có kĩ năng làm việc nhóm để đảm bảo thực hiện các hoạt động nghề nghiệp liên quan tới pháp luật như khả năng phối hợp với các thành viên khác trong nhóm, phân công công việc, điều hành nhóm và lãnh đạo, thu hút , hỗ trợ, giúp đỡ các thành viên khác trong nhóm, thúc đẩy không khí cởi mở, hợp tác trong nhóm; Kỹ năng giải quyết vấn đề pháp lý, sinh viên có khả năng xác định vấn đề pháp lý và quan hệ pháp luật cần giải quyết, xác định các nguồn luật áp dụng/xác định căn cứ pháp lý, và đưa ra các ý kiến pháp lý phù hợp nhằm giải quyết vụ việc khác nhau xảy ra trong thực tiễn đời sống của doanh nghiệp.

Ưu thế và một số thành tựu Chương trình

Chương trình đào tạo POHE ngành luật kinh tế cũng như các ngành khác hiện nay đang được đánh giá là một chương trình đào tạo bậc đại học chú trọng đến phát triển các năng lực và kĩ năng nghề mà đặc trưng của chương trình đào tạo này là sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo, giảng viên tham gia giảng dạy và cộng đồng doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đào tạo đó. Ưu điểm nổi bật của chương trình đào tạo này là tỉ lệ sinh viên tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp cao; cộng đồng doanh nghiệp có thể sử dụng ngay nguồn nhân lực này mà không cần phải đào tạo thêm hoặc đào tạo lại, từ đó tiết kiệm được nguồn lực cho xã hội.

Mục tiêu Chương trình đào tạo POHE ngành luật kinh tế được xác định rõ ràng dựa trên việc liên tục được rà soát, cập nhật, điều chỉnh. Việc rà soát, cập nhật mục tiêu Chương trình đào tạo POHE ngành luật kinh tế dựa trên kết quả lấy ý kiến của các bên liên quan bao gồm: người sử dụng lao động, sinh viên, giáo viên và có sự đối sánh với các CTĐT khác trong và ngoài nước.

Mục tiêu Chương trình đào tạo POHE ngành luật kinh tế đã đáp ứng được mục tiêu của giáo dục đại học quy định trong Luật Giáo dục đại học, tầm nhìn, sứ mạng của trường ĐHKTQD, cũng như được nâng cấp, hoàn thiện liên tục để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.

Chuẩn đầu ra (CĐR) của Chương trình đào tạo POHE ngành luật kinh tế có sự khớp nối rõ ràng với mục tiêu CTĐT. Trong khi các CĐR về kiến thức giáo dục đại cương nhằm thực hiện mục tiêu trang bị kiến thức rộng, đồng bộ, hệ thống về lĩnh vực phát triển thì các CĐR về kiến thức giáo dục chuyên nghiệp lại đảm bảo người học có được kiến thức và kỹ năng chuyên biệt để tổ chức, thực hiện và quản lý các hoạt động phát triển. CĐR về kỹ năng đảm bảo người học có được kỹ năng giao tiếp, tương tác tốt, kỹ năng tổng hợp và tư duy hệ thống, cũng như làm việc độc lập và theo nhóm, góp phần đạt mục tiêu về kỹ năng. Kết hợp với việc đạt các CĐR về năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm sẽ giúp đạt mục tiêu về việc đào tạo ra những công dân toàn cầu, có khả năng thích ứng cao với môi trường biến động và đòi hỏi về tính chuyên nghiệp, hiệu suất, trách nhiệm theo chuẩn mực quốc tế.

Ngoài ra, một điểm cải tiến trong xác định CĐR của Chương trình đào tạo POHE ngành luật kinh tế năm 2021, 2023 so với các CTĐT trước đây là đã lồng ghép ma trận kỹ năng vào quá trình phân nhiệm cho các học phần. Bản đề cương chi tiết của các học phần đều thể hiện rõ những CĐR được phân nhiệm và gắn kết với CĐR của học phần.

Khối lượng học tập của chương trình đào tạo cử nhân luật kinh tế theo định hướng ứng dụng (POHE) phù hợp với yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam, gồm 137 tín chỉ không bao gồm Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng, các lớp tiếng Anh tăng cường do chuyên gia trong nước và nước ngoài giảng dạy và các lớp kỹ năng mềm được thực hiện bởi các tổ chức chuyên nghiệp. Chương trình giảng dạy Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng theo quy định của pháp luật và quy chế của Trường; Ngoại ngữ, tiếng Anh tăng cường theo Đề án ngoại ngữ dành cho sinh viên chương trình POHE nhằm đáp ứng chuẩn ngoại ngữ theo quy định.

Chương trình đào tạo POHE ngành luật kinh tế được thiết kế logic; theo trình tự hợp lý và có hệ thống, mang tính tích hợp cao, giúp sinh viên vận dụng tốt hơn những kiến thức lý thuyết vào thực tiễn.

Chương trình đào tạo POHE ngành luật kinh tế không chỉ trang bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết mà còn giúp cho sinh viên có tư duy logic, tổng hợp khi tiếp cận và giải quyết các vấn đề, có khả năng thích ứng nhanh, đáp ứng được yêu cầu của công việc ngay sau khi tốt nghiệp.

Khối lượng kiến thức giảng dạy của Chương trình với số tiết thực hành có tỉ lệ là 50% cho mối học phần. Bên cạnh đó có một số học phần được thiết kế nhằm rèn luyện kỹ năng thực hành như các học phẫn kỹ năng xác lập và thực hiện hợp đồng thương mại, Kỹ năng tư vấn pháp luật, Kỹ năng tranh tụng…

Sinh viên luật kinh tế (POHE) được đi tham quan, thực hành, thực tế tại các tổ chức, doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất trong hoặc ngoài nước; Tham gia các khóa đào tạo chứng chỉ nghề nghiệp thông qua hợp tác với các đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp để trang bị kiến thức thực tế đối với nghề nghiệp đào tạo.

Trong tổng số 26 học phần của Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp trong Chương trình đào tạo có 10 học phần như Luật Thương mại, Luật Đất đai, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thương mại quốc tế, Kỹ năng tư vấn pháp luật cộng đồng, Luật Tố tụng tụng Dân sự… Sinh viên Luật kinh tế (POHE) các khóa từ khóa 57 đến khóa 63 đã được đi thực tế ở các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế, các cơ quan tư pháp, các văn phòng luật sư…như:  Khu Công nghiệp Liên Hà Thái, UBND huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình; Cục Hải quan tỉnh Lào Cai, Công ty TNHH Ánh Hồng, Công ty TNHH Thanh Chất, Cục Sở hữu trí tuệ, TAND huyện Thường Tín, Văn phòng Luật sư Bùi Quang Hưng và Cộng sự…

Qua hoạt động kiến tập tại các đơn vị công giới, sinh viên Luật kinh tế POHE đã áp dụng được những kiến thức pháp lý đã học vào thực tế hành nghề. Tích lũy được kinh nghiệm làm việc trong môi trường thực tiễn và kinh nghiệm thực hành pháp luật; Nâng cao được ý thức trách nhiệm trong làm việc nhóm…

Sinh viên luật kinh tế (POHE) cũng được khuyến khích tham gia các hoạt động ngoại khóa và các hoạt động xã hội khác để rèn luyện kỹ năng sống, tích lũy điểm rèn luyện về năng khiếu và sở thích; ví dụ: khiêu vũ, ca nhạc, thể thao năng khiếu, chụp ảnh, quay phim, dựng clip quảng cáo, hội trại, hoạt động sinh viên tình nguyện…

Một số đề xuất hoàn thiện Chương trình

Bên cạnh những mặt đạt được Chương trình đào tạo luật kinh tế (POHE) vẫn còn có một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Hình thức lấy ý kiến các bên liên quan trong quá trình rà soát, điều chỉnh xây dựng CĐR của Chương trình còn đơn điệu nên chưa phản ánh được ý kiến đa chiều của các bên. Hình thức công khai CĐR của Chương trình qua mạng xã hội chưa được khai thác và phát huy thường xuyên liên tục. Vì vậy, thời gian tới Khoa Luật và Nhà trường cần duy trì liên hệ với các bên có liên quan để đảm bảo liên tục cập nhật yêu cầu của thị trường lao động, của nhà tuyển dụng, của giảng viên giảng dạy và người học; tham vấn Hội đồng khoa học để có xây dựng được CĐR phù hợp nhất với yêu cầu thực tiễn. Tổ chức lấy ý kiến các bên bằng các hình thức quy mô và chất lượng hơn (như hội thảo quy mô lớn), khảo sát bằng phiếu điều tra… với các đối tượng liên quan.

TS Dương Nguyệt Nga