Chuyện Tỉnh ủy Quảng Trị bầu Phó Bí thư Tỉnh ủy mới đây được dư luận hết sức quan tâm.
Người dân để ý bởi mấy lẽ: Một, vì sao người được lựa chọn, giới thiệu để bầu chức danh này “một mình một ngựa” mà khi bầu chỉ được 55% số phiếu, nghĩa là… suýt nữa thì rớt khỏi lưng ngựa; hai, sau khi bầu xong, kết quả thấp thì không khí trong giới lãnh đạo rất căng thẳng, nghi ngờ, sợ hãi, nói xấu lẫn nau; ba, nên đánh giá con số 55% như thế nào, như vậy là thật sự dân chủ hay có một số người “phá đám”. Người có trách nhiệm còn nói đại ý rằng, ai không bỏ phiếu, tôi biết cả, như vậy có nên không, có day dứt lương tâm không?
Còn như chuyện kiểm tra từng lá phiếu chắc là không có. Nếu kiểm tra phiếu là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc bầu cử, cần phải hủy kết quả, tổ chức bỏ phiếu lại.
Và rồi ngay ngày hôm sau ông Phó Bí thư này (chưa được cấp có thẩm quyền quyết định) được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh.
Dù sao việc bầu bán cơ bản đã xong, Quy trình bổ nhiệm của Tỉnh ủy HĐND đã hoàn tất. Thế nhưng những lời đàm tiếu, không tâm phục khẩu phục thì sẽ còn kéo dài và dễ dẫn tới tình trạng cục bộ, “phía bên này sông, phía bên kia sông”. rồi ra không tránh khỏi tình trạng mất đoàn kết nội bộ.
Nhân chuyện ở Quảng Trị cần nói rộng ra rằng, lâu nay đằng sau những lá phiếu có quá nhiều chuyện bất ổn. Không chỉ ở tỉnh này mà ở rất nhiều nơi có tình trạng dân chủ hình thức. Quy trình bổ nhiệm thì rất đúng nhưng chọn người thì sai. Vậy “đúng” để làm gì? Ở nhiều nơi muốn đưa ai vào “ghế” nào thường do người đứng đầu quyết định. Trước khi đưa ra tập thể lấy phiếu thăm dò, rồi đến phiếu chính thức đề nghị bổ nhiệm, các thành viên trong ban lãnh đạo thường được hỏi ý kiến. Nếu ý kiến của người được hỏi trùng với chủ định của bí thư, chủ tịch hội đồng thành viên, trưởng ban tổ chức… thì tốt. Còn không sẽ có những gợi ý, thỏa thuận, thậm chí cả sự nhắc nhở, đe dọa. Thế rồi khi đối tượng được “nhắm” có thêm các đối thủ nặng ký ra ứng cử thì cấp trên sẽ phân công người gặp gỡ, đề nghị đối thủ kia nên rút, cho tập trung phiếu vì các lý do A, B,C,… kèm theo lời hứa hẹn: 6 tháng, 1 năm sau thì trường hợp của cô/cậu sẽ chắc như cua gạch (!)
Ở một cơ quan nọ, ông Chủ tịch Hội đồng thành viên rất muốn đưa một đứa cháu lên làm Phó Tổng giám đốc, mặc dù anh này năng lực kém cỏi, mới lên trưởng phòng được mấy tháng. Để khách quan, ông Chủ tịch liên tục đề nghị “các đồng chí xem xét kỹ trường hợp này, vì nó là cháu tôi”. Thậm chí ông còn đề nghị đưa ra khỏi danh sách bầu cấp ủy. Thế nhưng cấp ủy không đồng ý, cấp ủy nhất trí cao cứ để lại trong danh sách vì “chúng ta đang cần cán bộ trẻ”. Và rồi ông Chủ tịch nọ trở thành thiểu số. Ông cưới tuế tóa: Tôi chấp hành nghiêm nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Thực ra là ông “diễn”. Đến khi bỏ phiếu, “ông cháu” kia chỉ mất một phiếu, là phiếu của một đồng chí lãnh đạo vốn thẳng thắn và trung thực, đồng chí này cũng sắp về hưu, chẳng còn gì để mất.
Làm thế nào để công tác bầu cử trong Đảng thật sự dân chủ, lựa chọn đúng người tài, đức? Chuyện này đã có nhiều người bàn luận. Chỉ xin đề nghị một điều: Hãy hạn chế, tiến tới chấm dứt việc giới thiệu một bầu một vào chức vụ lãnh đạo nào đó. Việc này nên tiến hành từ Trung ương tới địa phương. Nên giới thiệu có số dư từ hai đến ba người để bầu một. Như vậy con đường chạy chức sẽ khó khăn hơn, cánh cửa để mọi người lựa chọn cán bộ được mở rộng hơn. Chúng ta nói quá nhiều về dân chủ. Nhưng dân chủ chỉ đi vào cuộc sống bằng những giải pháp cụ thể nếu không sẽ mãi mãi chỉ là dân chủ giả hiệu, dân chủ giả vờ. Kêu gọi trách nhiệm, lương tâm ư? Còn lâu lắm!
Trần Quang