Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Công an cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo đơn vị chức năng triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh, xử lý nghiêm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên không gian mạng
Thời gian qua, với sự phát triển của công nghệ thông tin, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản giờ đây không chỉ thông qua các hành vi vay, mượn tiền, tài sản đơn thuần mà đã biến tướng dưới nhiều dạng hành vi khác phức tạp và tinh vi hơn, đặc biệt là thông qua mạng xã hội.
Theo phản ánh của cử tri, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm trên.
Bộ Công an đã triệt phá đường nhiều đường dây lừa đảo qua mạng thời gian qua. Ảnh tư liệu
Trả lời cử tri trên Cổng thông tin điện tử Bộ, Bộ Công an cho biết, đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/2020/CT-TTg ngày 25/5/2020 về “Tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương tập trung lực lượng, huy động các phương tiện và triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là các vụ lừa đảo, giả danh các cơ quan chức năng trên các trang mạng xã hội, dịch vụ viễn thông.
Điển hình: Cục Cảnh sát hình sự phá chuyên án, bắt 05 đối tượng thực hiện trên 415 hồ sơ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua ứng dụng cho vay của các ngân hàng với số tiền hơn 11 tỷ đồng; Công an tỉnh Quảng Nam phá chuyên án, bắt giữ 10 đối tượng (04 đối tượng quốc tịch Malaysia, Campuchia) sử dụng mạng viễn thông, internet giả danh cơ quan Công an lừa đảo chiếm đoạt hơn 500 tỷ đồng, phong tỏa 55 tài khoản ngân hàng với tổng số tiền 3,7 tỷ đồng; Công an tỉnh Hà Tĩnh phá 02 chuyên án, bắt 24 đối tượng lừa đảo qua mạng internet hơn 31 tỷ đồng của 140 bị hại ở nhiều địa phương; Công an tỉnh Thanh Hóa phá chuyên án, bắt 10 đối tượng lừa đảo qua mạng internet khoảng 18,6 tỷ đồng của 200 bị hại ở nhiều địa phương; Công an tỉnh Bắc Giang bắt 10 đối tượng người Trung Quốc lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet; Công an tỉnh Quảng Ninh bắt 05 đối tượng (03 đối tượng người Trung Quốc) làm giả thẻ ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Trước diễn biến phức tạp của loại hình tội phạm này, Bộ Công an cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục chỉ đạo đơn vị chức năng triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh, xử lý nghiêm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên không gian mạng. Đồng thời, chủ động phối hợp các bộ, ban, ngành tăng cường tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng internet, mạng viễn thông, giúp nhân dân chủ động phòng ngừa và tích cực tố giác tội phạm.
Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an các phương thức, thủ đoạn chủ yếu của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng là:
-Các đối tượng sử dụng các dịch vụ có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại, mạo danh cán bộ của cơ quan chức năng trong các cơ quan thực thi pháp luật như: Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện cho người dân để thực hiện hành vi lừa đảo, gây sức ép, yêu cầu khác nhau như phục vụ điều tra, làm người dân hoang mang, từ đó phải chuyển một số tiền lớn vào một tài khoản do các đối tượng này cung cấp.
-Lừa đảo qua các mạng xã hội, cụ thể như: Chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội của người bị hại, sau đó tạo ra các kịch bản nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại; kết bạn qua mạng xã hội và hứa hẹn gửi quà có giá trị… sau đó, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nộp thuế hoặc lệ phí hải quan nhằm chiếm đoạt tiền; hoặc gửi tin nhắn qua Facebook, Zalo, Viber… thông báo trúng thưởng và đề nghị nộp phí để nhận thưởng.
-Tấn công mạng để chiếm đoạt thông tin, tài khoản, cụ thể như: Tấn công hộp thư thư điện tử, thay đổi nội dung các thư điện tử, nội dung các giao dịch, hợp đồng thương mại để chiếm đoạt tài sản; hoặc giả mạo các trang thông tin điện tử, các dịch vụ trực tuyến để lấy cắp thông tin tài khoản của khách hàng và rút tiền.
– Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động thương mại điện tử như: Các đối tượng mở các trang cá nhân bán hàng online, order hàng, sau đó quảng cáo, rao bán các mặt hàng, yêu cầu bị hại chuyển khoản đặt cọc. Sau khi nhận cọc hay được chuyển khoản trước để đặt mua hàng, đối tượng không giao hàng hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng, chúng thường khóa trang mạng của mình hoặc xóa hẳn để xóa dấu vết, bỏ số điện thoại và chiếm đoạt tài sản của bị hại.
– Lừa đảo thông qua hình thức kinh doanh đa cấp hoặc qua các sàn giao dịch ảo (sàn vàng, ngoại tệ, bất động sản), tự lập hoặc đứng ra làm đầu mối cho sàn giao dịch nước ngoài để lôi kéo khách hàng mở tài khoản giao dịch để chiếm đoạt tiền đầu tư.
-Giả mạo cán bộ ngân hàng yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các giao dịch ngân hàng của người dân để chiếm đoạt tài sản.
Để chủ động phòng tránh các hoạt động lừa đảo qua không gian mạng, Bộ Công àn đề nghị nhân dân khi sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nhất là trong việc cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin các nhân trên mạng xã hội. Giữ bí mật thông tin cá nhân, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên Internet… cho bất kỳ người lạ nào gọi đến. Không chuyển tiền cho bất cứ ai, bất cứ yêu cầu nào khi không có căn cứ cụ thể, rõ ràng bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.
Trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết.
Hải Yến