Công trình Panorama trên đỉnh Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc) đang trong quá trình phá dỡ để cải tạo theo thiết kế đã được phê duyệt.
Đại diện huyện Mèo Vạc thì xác nhận công trình đang được phá dỡ một phần, cải tạo lại thành điểm dừng chân, không có dịch vụ lưu trú, như phương án đã được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt sau khi xin ý kiến các cơ quan trung ương và các chuyên gia.
Phương án này được UBND tỉnh Hà Giang giao cho chủ đầu tư thực hiện sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong lĩnh vực di sản, bảo tồn, kiến trúc đến từ Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch), Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Viện Bảo tồn di tích, về phương án xử lý với công trình Mã Pì Lèng Panorama tại hội nghị do UBND tỉnh tổ chức ngày 12/3.
Phương án được UBND tỉnh Hà Giang đồng ý là cắt bớt một tầng trong tổng số 2 tầng trên mặt đất. Phần kiến trúc còn lại bao gồm một tầng nổi trên mặt đất cộng với 5 tầng giật cấp xuống triền dốc sẽ được cải tạo cho hài hòa tỉ lệ và hài hòa với cảnh quan. Và thay đổi quan trọng nhất là công trình này chỉ còn là điểm dừng chân, “không tổ chức ngủ nghỉ”.
Trước đó, vào tháng 10/2019, dư luận xã hội xôn xao khi phát hiện về một tòa nhà bê tông bên hông đèo Mã Pí Lèng thuộc địa bàn huyện Mèo Vạc. Ngôi nhà 7 tầng có tên Mã Pì Lèng Panorama với chức năng tổng hợp nhà nghỉ, nhà hàng, cà phê. Đáng chú ý, công trình này khởi công từ đầu năm 2018, đến năm 2019 đã chính thức hoạt động nhưng chưa được cấp phép xây dựng.
Nhà hàng, nhà nghỉ Panorama ở danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng nằm ngay trên hẻm vực Tu Sản do một người địa phương làm chủ đầu tư. Công trình này được cho là xây dựng trên đất trồng cây lâu năm, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xâm phạm di tích danh thắng quốc gia.
Khi phát hiện sai phạm tại công trình Panorama trên đỉnh Mã Pì Lèng, Bộ VH-TT-DL có nhiều văn bản chỉ đạo địa phương vào cuộc, lên phương án xử lý.
Cụ thể, công trình trên vi phạm điều 36 Luật Di sản văn hóa khi không thực hiện mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh Công viên cao nguyên đá Đồng Văn.
Được biết, trong thời điểm tháng 10/2019, chủ cơ sở kinh doanh Panorama vẫn tiếp tục cho đón khách đến và sử dụng các dịch vụ. Ngoài ra, ghi nhận thực tế cho thấy, chủ công trình đã thuê một nhóm thợ sơn lại toàn bộ tường bao quanh, từ các màu sắc sặc sỡ, công trình được chuyển sang màu xanh lục.
Nhận thấy tỉnh Hà Giang chưa có biện pháp mạnh tay đối với công trình vi phạm, Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL) nhiều lần có văn bản nhắc nhở. Mới đây nhất, vào tháng 3/2020, Cục Di sản đề nghị UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý các sai phạm theo đúng quy định.
Việc cải tạo không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn toàn cảnh, đảm bảo an toàn, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, không gây tác động tiêu cực đến môi trường, phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc Hà Giang.
PV (th)