26/04/2021 8:17:37

Công trình “khủng” vi phạm trật tự xây dựng tại phường Hàng Trống, chính quyền làm ngơ?

Theo phản ánh của người dân, công trình số 4-6 Bảo Khánh (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm) ngay cạnh Bờ Hồ Gươm tiến hành xây dựng nhà ở có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng nhưng không hiểu vì sao chính quyền địa phương không có biện pháp xử lý, mặc cho công trình tồn tại phá vỡ quy hoạch phố cổ.

Theo quyết định số 6398/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc Khu phố cổ Hà Nội, các công trình mặt phố cổ đều không được phép cao quá 12m, lớp nhà mặt phố được phép xây từ 1-3 tầng, tương đương 6-12m; lớp phía sau từ 2-4 tầng, tương đương 10-16m, khoảng lùi tối thiểu của lớp sau là 4-6m…

Công trình số 4-6 Bảo Khánh có dấu hiệu sai phạm phá vỡ quy hoạch phố cổ

Cũng tại Quy chế này, UBND TP. Hà Nội cũng quy định rõ: Khu phố cũ Hà Nội nằm trên địa bàn 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng có diện tích gần 508ha (không bao gồm các khu phố cổ, khu vực Hồ Gươm và phụ cận, khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình phía Nam phố Hoàng Hoa Thám), với 215 ô phố và khoảng 150 tuyến phố. Quy định chung trong khu vực phố cũ được Hà Nội đưa ra đối với các công trình xây dựng đặc trưng từ 4 – 6 tầng (khoảng 16 – 22m), mật độ xây dựng tại các ô phố không quá 70%…

Quy định là thế nhưng quận Hoàn Kiếm lại đang quản lý quy hoạch theo một kiểu, các công trình vượt tầng phá vỡ quy hoạch phố cổ tại quận Hoàn kiếm đã trở thành điểm nóng nhiều năm nay.

Hàng loạt công trình vi phạm đã bị báo chí điểm tên, chỉ mặt, chính quyền thừa nhận nhưng đến thời điểm hiện tại, tất cả những nỗ lực xử lý vi phạm chỉ nằm trên giấy. Các công trình vẫn ngang nhiên tồn tại ở những vị trí đắc địa của khu phố cổ như công trinh số 54 ngõ Phất Lộc, công trinh số 21 Lương Ngọc Quyến, công trình số 56 Đào Duy Từ, công trinh số 50 Lương Ngọc Quyến, công trinh số 18 Bảo Khánh…

Trước vấn đề việc xây dựng công trình số 4-6 Bảo Khánh ngay gần hồ Hoàn Kiếm có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng nhưng vì sao chính quyền địa phương không lắng nghe ý kiến người dân phản ánh, chưa đình chỉ xây dựng? Đề nghị chính quyền địa phương vào cuộc kiểm tra, có biện pháp xử lý sai phạm.

Theo quan sát của phóng viên, hiện tại công trình số 4-6 Bảo Khánh đang được hoàn thiện. (Ảnh chụp công trình từ bên kia bờ Hồ Hoàn Kiếm).

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Danh Huế – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH Hừng Đông (Hà Nội) cho hay: Vi phạm TTXD, xây vượt tầng có thể còn bị xử lý theo Điều 343 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo đó, người nào chiếm dụng chỗ ở, xây dựng nhà trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nhà ở, công trình xây dựng trái phép có thể bị dỡ bỏ, trưng mua hoặc tịch thu. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng.

“Mức xử phạt này quá nhẹ và ít người bị truy tố về tội này. Trong trường hợp vi phạm thì kể cả công trình đã đưa vào khai thác vẫn phải buộc tháo dỡ, đặc biệt đối với việc xây dựng phá vỡ quy hoạch chung và không đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, cần xác định rõ nếu không có sự tiếp tay và bao che của các cơ quan chức năng thì công trình không thể xây sai phép như thế. Do đó, cần phải truy cứu trách nhiệm cá nhân của các cán bộ quản lý Nhà nước” – luật sư Nguyễn Danh Huế nêu quan điểm.

Điều 30 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.

Điều 101 Luật Xây dựng 2014 quy định, chủ đầu tư không khắc phục việc xây dựng sai với giấy phép xây dựng trong thời hạn ghi trong văn bản xử lý vi phạm theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước sẽ bị thu hồi giấy phép xây dựng.

Điều 118 Luật Xây dựng quy định việc phá dỡ công trình xây dựng được thực hiện trong trường hợp công trình xây dựng sai quy hoạch xây dựng, công trình xây dựng không có giấy phép đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng. Ngoài ra, Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP về vi phạm quy định về TTXD cũng quy định chi tiết xung quanh việc xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp.

N. Cường