28/11/2023 2:08:22

Công tác xã hội Việt Nam: Nhiều thách thức trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Hội thảo “Công tác xã hội trong lĩnh vực biến đổi khí hậu” do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức mới đây đã chỉ ra những thách thức nghiêm trọng hiện hữu đối với Công tác xã hội Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Mỗi năm Đồng bằng Sông Cửu Long mất 300 ha do biến đổi khí hậu

TS Nguyễn Văn Hồi – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: “Thiên tai, biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề toàn cầu, đã đang và sẽ tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế – xã hội và môi trường toàn cầu, trở thành thách thức nghiêm trọng nhất đối với quá trình phát triển bền vững của tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất”.

Mỗi năm Đồng bằng Sông Cửu Long mất 300 ha do biến đổi khí hậu

Báo cáo của Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Ước tính, trong 20 năm qua ở Việt Nam, các loại thiên tai như bão, lũ, lở đất… đã khiến hơn 13.000 người thiệt mạng, gây thiệt hại hơn 6,4 tỷ USD; mỗi năm trung bình thiên tai làm gần 400 người chết và mất tích, có khoảng 7 đến 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới gây thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP và đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Thiên tai ngày càng khốc liệt (đã xuất hiện 1.799 trận thiên tai giai đoạn 2016-2020). Trong đó, thiên tai gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản là bão, lũ, ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất chiếm 87,6% và 91% so với toàn bộ các loại hình thiên tai. Lũ quét, sạt lở đất thường xảy ra ở vùng đồi núi, nơi có độ dốc lớn, địa chất yếu, xen kẹp, cường độ mưa lớn, thường phát sinh bất ngờ, xảy ra trong phạm vi hẹp nhưng rất khốc liệt, đã có trên 300 trận lũ quét, sạt lở đất với quy mô lớn.

Riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long sạt lở bờ sông, bờ biển gia tăng, làm mất đi 300ha đất mỗi năm gây ra những tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản. Trong 10 năm gần đây (2010 – 2019), trên phạm vi cả nước số trận lũ quét, sạt lở đất so với 10 năm trước (2000 – 2009) đã tăng gần 1,5 lần (176 trận so với 123 trận).

Năm 2022, cả nước có 1.072 trận thiên tai xảy ra, đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021). Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 1.753 sự cố, thiên tai, làm chết 267 người, mất tích 78 người, bị thương 291 người; chìm, cháy, hỏng 302 phương tiện; cháy 628 nhà xưởng, 1.176 ha rừng; làm sập đổ, tốc mái 9.075 nhà, hư hại 45.536 ha lúa và hoa màu.

Tác động tiêu cực tới mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội

Nhận thức được những tác độngcủa BĐKHđối với các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, những năm qua Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách thể hiện nỗ lực và quyết tâm trong ứng phó với BĐKH. Quốc hội, Chính phủ đã thông qua nhiều văn bản pháp luật liên quan đến thích ứng với BĐKH như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản, Luật Phòng chống thiên tai, Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

BĐKH đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm và thu nhập của lao động trong hầu hết các ngành kinh tế

Theo ông Tô Đức – Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai đối với Việt Nam rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xoá đói giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững. BĐKH đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm và thu nhập của lao động trong hầu hết các ngành kinh tế, trong đó các ngành nông – lâm – ngư nghiệp bị ảnh hưởng trầm trọng nhất. Nhiều lao động đã phải chuyển đổi ngành nghề, di cư ra thành phố hay các vùng công nghiệp để tìm việc làm. Trong khi phần lớn lao động nông nghiệp chủ yếu chưa qua đào tạo nên việc tìm kiếm việc làm và chuyển đổi ngành nghề là rất khó khăn, phải làm các công việc giản đơn trong các khu công nghiệp, hay lao động tự do với điều kiện làm việc không tốt và thu nhập bấp bênh.

Cục trưởng Tô Đức cho biết thêm, tác động BĐKH tới lĩnh vực trợ giúp xã hội (TGXH) là trực tiếpbởi cường độ, tần suất thiên tai tăng lên và tính chất ngày càng bất thường làm những thiệt hại về tài sản và con người tăng lên, từ đó nhu cầu TGXH cũng tăng bao gồm cả TGXH đột xuất và TGXH thường xuyên, như hộ có nhà bị sập, đổ, trôi, hỏng nặng, hộ phải di dời khẩn cấp do nguy cơ sạt lở đất, lũ quét…làm gia tăng chi phí cho trợ giúp xã hội đột xuất. Các đối tượng trợ giúp thường xuyên, đột xuất cũng gia tăng như hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi và các đối tượng yếu thế.

Nhấn mạnh nhiệm vụ của CTXH trong biến đổi khí hậu, Cục trưởng Tô Đức nêu bật vai trò đặc biệt quan trọng của 235.000 người đang tham gia hoạt động CTXH ở các đơn vị công lập và ngoài công lập. Nguồn nhân lực này tạo thành mạng lưới hỗ trợ những người yếu thế, trong đó có nhóm người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu. Ông cho biết thêm, Bộ LĐ-TB&XH đã nghiên cứu, chủ động hoàn thiện các chính sách của ngành theo hướng phù hợp với các chương trình, đề án, kế hoạch và chiến lược quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội. Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu, đề xuất ban hành nghị định về công tác xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác hại do biến đổi khí hậu gây ra đối với các nhóm dễ bị tổn thương.

6 nhiệm vụ quan trọng của CTXH trong biến đổi khí hậu

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh: “Tác động của BĐKH, thiên tai đến Việt Nam rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm và thu nhập của lao động trong hầu hết các ngành kinh tế”. Trước tình hình trên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi chỉ rõ, hoạt động CTXH đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc ứng phó BĐKH. Vai trò CTXH thể hiện rõ ở 6 khía cạnh.

Phụ nữ và trẻ em là những đối tượng chịu ảnh hưởng lớn từ BĐKH

(1) CTXH giúp cơ quan chức năng thống kê, đánh giá được tình hình thiệt hại của người dân, xác định các nhu cầu cần cứu trợ khẩn cấp;

(2) Lập kế hoạch trợ giúp khẩn cấp, kế hoạch chuẩn bị nguồn lực ứng phó với thiên tai;

(3) Đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, vận động và điều phối nguồn lực hỗ trợ người dân bị thiệt hại;

(4) Thu xếp, hỗ trợ chỗ ở khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hỗ trợ cho những gia đình có người chết, bị thương, hỗ trợ tâm lý…;

(5) Hỗ trợ tái thiết phục hồi sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân, cộng đồng sau thiên tai;

(6) CTXH đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thông, nâng cao nhận thức phòng, chống thiên tai cho người dân.

Theo báo cáo về BĐKH ở Việt Nam, với kịch bản nhiệt độ tăng lên và nước biển dâng thêm 1m, Việt Nam sẽ có thể bị mất 5% diện tích đất liền tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cũng theo nghiên cứu này, khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5ºC và 2ºC thì thiệt hại trực tiếp đối với GDP của Việt Nam sẽ tương ứng là 4,5% và 6,7%. Mực nước biển dâng cũng dẫn tới sự sụt giảm diện tích trồng lúa gạo, như mực nước biển dâng là 60cm có thể dẫn đến sự sụt giảm diện tích trồng lúa lên tới hơn 50% tại một số địa phương, đe dọa an ninh lương thực của đất nước.

Lê Bình