13/07/2020 10:59:23

Có nên đầu tư vàng vào thời điểm này?

Gần đây, giá vàng lập kỷ lục cao nhất trong vòng 9 năm qua. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo các nhà đầu tư nên cân nhắc mua vàng trong giai đoạn này.    

Mở cửa phiên giao dịch tuần này, vàng được các đơn vị kinh doanh trong nước điều chỉnh tăng vượt ngưỡng 50 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, giá vàng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn đang ở mức 50,25 triệu đồng/lượng chiều mua vào; giá bán ra là 50,65 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá bán vàng đang cao hơn giá mua 400.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào – bán ra 50,25 – 50,50 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua – bán vàng đang là 250.000 đồng/lượng.

Các nhà phân tích tài chính cho rằng, giá vàng thế giới tăng mạnh lên đỉnh cao 9 năm chủ yếu do giới đầu tư thận trọng với triển vọng của nền kinh tế thế giới, nên không đổ tiền mạnh vào các lại tài sản có độ rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản…

Thực tế cho thấy, trong 2 tuần đầu tháng 7/2020, vàng tăng giá mạnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với làn sóng lây nhiễm thứ 2 đang trở nên khó kiểm soát ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, Ấn Ðộ, Úc…

Tính đến nay, số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã lên tới hơn 12 triệu ca và hơn 551.000 người đã tử vong.

Diễn biến này khiến giới đầu tư lo lắng về triển vọng phục hồi kinh tế và không ngừng “bơm” tiền vào thị trường vàng, nên ngay cả ở mức đỉnh mới 1.800 USD/ounce, nhiều quỹ đầu tư, đầu cơ và nhà đầu tư trên thế giới vẫn mua vàng.

Theo Bloomberg, lượng vàng nắm giữ bởi các quỹ đầu tư đảm bảo bằng vàng đã lên tới gần 3.235 tấn, tăng thêm gần 656 tấn từ đầu năm tới nay. Mức tăng này cao hơn mức tăng kỷ lục ghi nhận trong năm 2009.

Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, Singapore và Indonesia, nguyên nhân chính là do dịch bệnh Covid-19 bùng phát diện rộng, ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu.

Theo ông Khánh, vàng sẽ còn cơ hội tạo “sóng” trong tời gian tới, ít nhất là cho đến khi dịch được kiểm soát.

Ông cho rằng, một khi dịch Covid-19 còn hoành hành và chưa có vắc-xin phòng ngừa, nhà đầu tư sẽ còn tìm đến vàng và giá mặt hàng kim loại quý này còn cơ hội tăng. Thực tế, giá vàng liên tục tăng mạnh thời gian qua, nhất là từ đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 xảy ra, lần lượt phá vỡ các mốc 1.600 USD/ounce đến 1.800 USD/ounce.

Thậm chí, nhiều tổ chức kinh tế thế giới còn đưa ra khả năng vàng sẽ chạm tới ngưỡng 2.000 USD/ounce trong thời gian tới nếu chưa kiểm soát được dịch.

Trước thực trạng nhiều người đổ xô mua vàng những phiên gần đây, ông Võ Thế Vinh – Trưởng phòng Phân tích và tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) cho rằng trong ngắn hạn, người đầu tư cần phải cân nhắc vì sẽ có nhiều biến động và giá vàng rất khó đoán.

“Hiện tại dù vàng tăng, tuy nhiên giá cổ phiếu cũng tăng mạnh; nghĩa là tài sản rủi ro và tài sản trú ẩn rủi ro đều tăng.

Sẽ có rất nhiều yếu tố tác động đến giá vàng trong nước. Dù cùng xu hướng nhưng vàng trong nước lại không hoàn toàn chạy theo giá vàng trên thế giới. Theo tôi, nhà đầu cơ lúc này nên coi vàng là một loại tài sản trú ẩn rủi ro”.

Thực tế cho thấy, giá vàng thường đi ngược với diễn biến của kinh tế. Kinh tế càng khủng hoảng, giá vàng càng lên cao. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, khi đầu tư vào vàng, nhà đầu tư cần thường xuyên theo dõi thị trường để nắm được diễn biến của giá vàng, không nên đầu tư “lướt sóng”, tốt nhất nên giữ vàng ít nhất trong khoảng 6 tháng, tránh bán ra – mua vào quá gấp gáp, gây nhiễu loạn thị trường vàng.

Ngoài ra, để tránh rủi ro cũng như gia tăng khả năng kiếm lời, người dân nên đa dạng kênh đầu tư gửi tiền ngân hàng, đầu tư bất động sản, chứng khoán…, tránh “bỏ toàn bộ trứng vào một giỏ”.

Giới phân tích thị trường cho biết, mối lo ngại lạm phát và bất ổn địa chính trị sẽ giúp thúc đẩy giá vàng tăng lên mức đỉnh mới. Ðơn cử, Tập đoàn London Capital khuyến nghị, hãy giữ ít nhất 15% danh mục đầu tư bằng vàng vì giá mặt hàng này sẽ sớm tăng lên 1.850 USD/ounce.

PV (th)