Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra sôi động, nền kinh tế số đang tạo động lực để thay đổi ngành du lịch, chuyển dần cách thức tương tác cũng như nâng cao trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước. Vậy chuyển đổi số ngành Du lịch Việt Nam bắt đầu như thế nào từ công tác tuyển sinh, đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho ngành thời điểm hiện tại? Làm thế nào để chuyển đổi số ngành Du lịch đồng bộ hiệu quả?
Học du lịch thì chọn học trường nào ?
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp gồm nhiều nhóm ngành bộ phận. Các nhóm ngành bộ phận này chuyên đào tạo và phân bổ nhân sự làm việc trong các tổ chức du lịch, khách sạn, nhà hàng,… nhằm đáp ứng cho nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của khách hàng trong và ngoài nước.
Trong những năm gần đây, du lịch Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, lượng khách quốc tế cũng như khách du lịch nội địa tăng lên hàng năm. Từ đó Du lịch Việt Nam ngày càng mở rộng và được biết đến nhiều hơn trên thế giới, rất nhiều điểm đến trong nước được bình chọn là địa chỉ yêu thích của du khách quốc tế. Tại Việt Nam ngành Du lịch không chỉ đơn giản phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của con người mà còn giúp quảng bá nét đẹp hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè năm châu trên thế giới.
Học ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng là một lĩnh vực rất rộng và đa dạng, bao gồm nhiều kỹ năng và kiến thức khác nhau như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo, kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý, khách sạn, nhà hàng và nhiều lĩnh vực khác. Thực hành nhiều sẽ giúp bạn phát triển các kỹ năng và kiến thức này một cách chuyên sâu hơn. Vì vậy, nếu yêu thích khối ngành du lịch và việc lựa chọn học đại học hay cao đẳng phụ thuộc vào mục đích, khả năng và kế hoạch tương lai của bạn.
Nếu bạn muốn trở thành chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch thì học đại học có thể là lựa chọn phù hợp. Chương trình đào tạo tại đại học thường bao gồm các môn học chuyên sâu, có tính nghiên cứu, lý luận.
Nếu bạn muốn tập trung vào học nghề nghiệp để ra trường có việc làm ngay và có nhu cầu học chương trình thực hành trực tiếp, thì cao đẳng là một lựa chọn tối ưu. Chương trình đào tạo tại các trường cao đẳng thường hướng đến kỹ năng thực hành, với thời gian đào tạo ngắn hơn so với đại học. Bằng cấp cao đẳng chuyên về thực hành hiện nay cũng được các doanh nghiệp trong ành du lịch, khách sạn nhà hàng đánh giá cao vì mang tính thực tiễn và ưu ái tuyển dụng giúp các bạn nhanh chóng có được việc làm sau khi ra trường.
Nỗi lo “thiếu hụt” nhân lực ngành Du lịch
Bước vào năm 2023 với nhiều dấu hiệu tích cực trong việc khống chế dịch bệnh Covid -19 ở khắp các địa phương trên cả nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và nhất là lĩnh vực du lịch đã được mở cửa trở lại để góp phần phục hồi kinh tế đất nước. Đây là thời điểm các cơ sở đào tạo ngành du lịch cần nắm bắt cơ hội, góp phần vực dậy kinh tế du lịch.
Trước đó tại Hội nghị Tuyển sinh – Đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng năm 2023, ông Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết: “Lĩnh vực GDNN trải qua 2 năm hết sức khó khăn do dịch bệnh, lần đầu tiên sau nhiều năm, kết quả tuyển sinh các cấp trình độ trong GDNN đã không đạt mục tiêu theo kế hoạch đề ra (chỉ đạt 85% kế hoạch năm 2021).
Trong 2 năm qua, nhiều lĩnh vực ngành, nghề đào tạo đã rất khó khăn trong công tác tuyển sinh, trong đó có lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng. Đến nay hầu hết các nhà trường đã trở lại hoạt động bình thường, hoạt động tuyển sinh, tư vấn tuyển sinh và tổ chức đào tạo tại các địa phương, cơ sở GDNN trên cả nước đã sôi động trở lại”.
Mặc dù vậy, ông Dũng cho biết, tuyển sinh ngành du lịch đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi mà hoạt động này gần như tê liệt do dịch bệnh, người làm bỏ việc, thiếu việc làm do các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa dừng hoạt động đã ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người học. Giờ đây các hoạt động du lịch trở lại đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động.
Cũng đánh giá về nhu cầu nhân lực, bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch thường trực, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết hiện nay, ngành du lịch cần khoảng 485.000 lao động trong cơ sở lưu trú du lịch cho công suất trên 70%, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 45.000 người. Dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam 10 năm tới khá lạc quan, đến năm 2025, riêng tổng cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch khoảng hơn 800.000 và năm 2030 là hơn 1 triệu. Như vậy, giai đoạn 2022 – 2030, trung bình cần bổ sung mỗi năm trên 60.000 lao động.
Cũng theo một thống kê khác của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch), mỗi năm ngành Du lịch Việt Nam cần thêm gần 40.000 lao động, nhưng chỉ có 14.000 sinh viên ra trường, trong đó chỉ có hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.
Ngoài ra, có một số sinh viên vẫn chưa lấy được bằng tốt nghiệp và sau một thời gian đi làm, sinh viên không có ý định quay về trường để trả nợ môn và thi tốt nghiệp. Những sinh viên làm đúng chuyên ngành thường chật vật với việc bám trụ với nghề trong vòng 2 năm đầu sau khi tốt nghiệp, những trường hợp vượt được qua giai đoạn này thì mới tiếp tục theo nghề, số sinh viên không vượt qua được 2 năm đầu thường lựa chọn chuyển qua một công việc khác.
Chính nhu cầu cao về nhân lực trong khi số lượng sinh viên được đào tạo hàng năm thấp đã khiến cho ngành du lịch trở thành một trong top những nghề hot, lương khủng.
Du lịch số hay đơn giản là chuyển đổi số để phát triển nghành Du lịch
Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, chuyển đổi số giúp đổi mới hoạt động dạy và học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (TVET) theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, gắn học lý thuyết với thực hành. Đặc biệt, sự bùng nổ công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… đã và đang hình thành nên hạ tầng số hóa GDNN.
Theo Tổ chức Văn hóa Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO), chuyển đổi số trong GDNN gắn với ba khái niệm: đổi mới kỹ thuật số, thích ứng kỹ thuật số và đẩy nhanh kỹ thuật số. Đổi mới kỹ thuật số mô tả cách thức công nghệ cho phép các hình thức dạy-học mới, bao gồm cả các phương pháp sư phạm mới. Thích ứng kỹ thuật số xem xét cách thức công nghệ yêu cầu giảng dạy các kỹ năng mới, để thích ứng với nhu cầu thay đổi của xã hội và thị trường lao động. Tăng cường kỹ thuật số xem xét các chính sách hoặc xu hướng hiện tại, bao gồm đại chúng hóa, và tăng cường việc học thế nào nhờ vào sự phát triển công nghệ trong xã hội.
Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực bởi nếu không có nhân lực số thì không có du lịch số. Việt Nam cần hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi, thích ứng với các xu thế mới, giảm thiểu các tác động do chuyển dịch, thay thế lao động quy mô lớn. Có các chính sách thu hút chuyên gia, nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ trong ngành Du lịch…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Diễn đàn “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch” năm 2023 đã từng nhấn mạnh: “Với vị trí, vai trò của mình trong nền kinh tế, du lịch thông minh, du lịch số phải là một trong những động lực chính của nền kinh tế số Việt Nam. Chính phủ mong muốn và hy vọng rằng du lịch sẽ thuộc nhóm ngành đi đầu về chuyển đổi số quốc gia, tạo sự phát triển mới cho ngành và mang lại cảm hứng cho cả đất nước về chuyển đổi số”.
Chuyển đổi số để phát triển nghành du lịch đó là các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong ngành du lịch, trong đó chú trọng đến giải pháp phát triển nguồn nhân lực số phục vụ ngành du lịch; ứng dụng chuyển đổi số trong phân tích nhu cầu, hành vi du khách, nâng cao trải nghiệm của khách du lịch… Bên cạnh đó, xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, liên kết kinh tế đa tầng nấc tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ, đang tạo nên những không gian phát triển mới, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn về cải cách bên trong để tương thích với các sân chơi và luật chơi mới.
Quang Trung