Tại cuộc giao lưu được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV với chủ đề “Trọn nghĩa ven tình”, mọi người đã đứng dậy vỗ tay hồi lâu tán thưởng những câu chuyện xúc động do một người có gương mặt thật thà, chất phác đến từ tỉnh Điện Biên kể lại. Đó là anh Vương Xuân Thấm, tổ trưởng quản trang nghĩa trang liệt sỹ Độc Lập, tỉnh Điện Biên, đại biểu dự Hội nghị biểu dương những tập thể, cá nhân làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa toàn quốc, được tổ chức tại Hội An, Quảng Nam.
“Cơ duyên” đến với nghề quản trang
Anh Vương Xuân Thấm đã từng có thời gian là Trưởng ban Văn hoá xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Nhưng rồi anh đã bất ngờ quyết định ra khỏi biên chế để giành toàn thời gian chăm sóc cho Nghĩa trang Độc Lập. Anh kể, nhà anh cách nghĩa trang Độc Lập có vài trăm mét.Vào những năm 1990, khu vực này còn khá hoang vu, cỏ mọc cao quá đầu người, đôi khi mới có người đến khói hương. Do cổng nghĩa trang bị khóa nên thỉnh thoảng anh trèo tường vào dọn dẹp, phát cỏ. Nhưng dọn mãi, phát mãi không hết cỏ, bởi vì nghĩa trang rộng đến 5 héc ta. Vậy nên anh xin thôi việc để giành được nhiều thời gian hơn chăm sóc nơi yên nghỉ của các liệt sỹ.
Năm 1994, nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng, tỉnh Điện Biên quyết định nâng cấp Nghĩa trang Độc Lập thành một điểm thuộc quần thể Khu di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhiều hạng mục được đầu tư, chỉnh trang. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã tuyển dụng anh chính thức vào làm việc ở Ban quản lý Nghĩa trang Độc Lập. Tuy được các cơ quan, tổ chức ghi nhận và đánh giá cao nhưng anh vẫn trăn trở: “Dù không là ‘người nhà nước’ mình vẫn ngày đêm chăm sóc cho phần mộ của các cụ, nhưng khi được là người chính thức của Ban quản lý nghĩa trang thì phải học hỏi nhiều hơn nữa mới có thể làm tốt được nhiệm vụ này”.
Vậy là vừa làm anh Thấm vừa học hỏi. Học hỏi cách trồng các loài hoa cây cảnh theo thời vụ như thế nào cho hợp lý, loài nào vừa phù hợp với thổ nhưỡng, vừa phù hợp với cảnh quan khu nghĩa trang; cách chăm sóc cắt tỉa cây sao cho vừa đảm bảo tính mỹ quan lại vừa đảm bảo tính trang nghiêm. Rồi học cách sắp xếp, quy trình tổ chức các nghi lễ khánh tiết khi tiếp đón các đoàn đến thăm, dâng hương tưởng niệm…dần dần công việc trở thành nề nếp, tổ quản trang cũng được bổ sung thêm bốn người nữa. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Miến, cũng làm nghề quản trang tại nghĩa trang Him Lam. Hai vợ chồng từng hứa trước vong linh các anh hùng liệt sỹ nguyện suốt đời làm việc nghĩa…
Niềm vui với nghề
Hơn 20 năm làm việc ở đây, anh Thấm nắm rõ, chi tiết từng phần mộ, khu vực yên nghỉ của liệt sỹ. Mỗi khi có khách tới thăm viếng, tìm kiếm, anh đều tận tình chỉ giúp ngay được. Anh có thể đọc vanh vách: trong nghĩa trang có 21 cây long não cổ thụ, 26 cây si, 756 cây tùng, 20 cây cau, 200 cây phượng…cây nào bị sâu nhậy, cây nào cần quan tâm chăm sóc…
Hằng ngày, anh Thấm cùng các đồng nghiệp quét dọn, cắt cỏ, tỉa cây, chăm sóc cho từng ngôi mộ liệt sỹ, Khi đã hết giờ làm việc, mọi người đã ra về hết nhưng anh Thấm vẫn cặm cụi với công việc của mình…Nhà không xa nghĩa trang nhưng anh Thấm rất ít khi về nhà, phần vì công việc trong một ngày quá bận bịu, phần vì hầu như đêm nào anh cũng ở lại để tiện bề chăm nom…
Hơn 20 năm nay chủ yếu anh ngủ ở phòng trực nghĩa trang. Anh tâm sự: “Mọi việc tôi làm đều rất tự nhiên, nhẹ nhõm như không, thấy như là vừa làm vừa được các liệt sỹ cổ vũ động viên nên không nề hà ngày đêm vất vả”…Có những trường hợp đã khiến vợ chồng anh hết sức cảm động như chuyện ông Nguyễn Chí Trung ở Đan Phượng, Hà Nội đi tìm mộ cha mình. Ông là con trai duy nhất của liệt sỹ Nguyễn Chí Huy, mẹ ông gần trăm tuổi chỉ có một mong mỏi đưa được mộ chồng về quê hương. Khi đến nghĩa trang Độc Lập thấy hàng bia mộ liệt sỹ thẳng tắp, sạch sẽ, uy nghiêm bên những hàng cây, khóm hoa tươi tốt, phảng phất hương trầm. Ông gọi điện về cho mẹ già: “Mẹ ơi, hãy để bố nằm lại đây với đồng đội, nếu tìm được và đưa bố về, con và mẹ cũng không chăm sóc mãi được, còn ở đây có chú Thấm và anh chị em chăm sóc chu đáo, lúc nào cũng hoa tươi quả tốt, hương khói hàng ngày, mẹ yên lòng nhé…”. Rồi ông xin một nắm đất ở nghĩa trang Độc Lập mang về đặt lên bàn thờ nơi quê nhà…
Năm nay, Nhà nước ta và tỉnh Điện Biên long trọng tổ chức kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh- Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022), do đó mỗi ngày có hàng chục đoàn khách Trung ương, địa phương và nhân dân đến nghĩa trang Độc Lập thăm viếng, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ. Trên Nhà bia tưởng niệm, khói hương không bao giờ tắt, hoa quả tươi được thay từng ngày. Đã có nhiều lời ngợi khen, đánh giá cao của các đồng chí lãnh đạo, các tổ chức đoàn thể và thân nhân liệt sỹ. Đó là lời động viên, cổ vũ và cũng là niềm vui, hạnh phúc để anh Thấm và đồng nghiệp làm tốt hơn nữa công việc của mình…
Những chuyện tâm linh có thật
Anh Thấm kể lại một kỷ niệm đáng nhớ trong “nghề” quản trang của mình. Đó là lần kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (2004), anh được biết thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ về thăm lại Điện Biên. Anh ước mong một lần được gặp Đại tướng bằng xương, bằng thịt, mong Đại tướng về dâng hương ở Nghĩa trang Độc Lập. Nhưng vì tuổi cao sức yếu nên Đại tướng chỉ dành đến thăm một vài nơi, và không có lịch trình đến nghĩa trang Độc Lập.
Biết vậy, nhưng anh vẫn mong ngóng, “cứ chắp tay lạy xin anh linh các liệt sỹ phù hộ để tôi được gặp Đại tướng”. Anh Thấm kể: “Đêm hôm đó, như thường lệ, tôi vẫn ngủ ở phòng trực nghĩa trang, trong lúc mơ màng tôi nghe thấy tiếng chạy rậm rịch, tiếng hô tập hợp đội ngũ, tiếng nhắc nhau phải mặc quần áo mới để đón Đại tướng…”. Vậy mà “cầu được, ước thấy”, ngày hôm sau Đại tướng đến thật.
Theo chương trình, lẽ ra Đại tướng sẽ nói chuyện với cựu chiến binh Điện Biên 3 tiếng đồng hồ, nhưng ông chỉ nói chuyện 1 tiếng và dành 2 tiếng để tới thăm các liệt sỹ đang yên nghỉ tại nghĩa trang Độc Lập. Sau khi viết những dòng lưu niệm vào sổ nhật ký là chương trình Đại tướng chụp ảnh lưu niệm. Thấy anh Thấm đứng ở góc nhà đón tiếp, dáng vẻ e ngại, Đại tướng gọi lại và hỏi: “Sao chú không đứng vào để chụp ảnh?”. Anh Thấm rụt rè trả lời: “Dạ không dám,cháu chỉ là người quản trang thôi ạ…“
Đại tướng gọi anh Thấm đứng cạnh để chụp ảnh và hỏi: “Chú đã hài lòng chưa?”, rồi vỗ nhẹ vai anh Thấm nói: “Chú làm tốt lắm! Xã hội rất cần những người tận tình với việc nghĩa như chú!”. Nhớ lại, anh Thấm dường như vẫn còn xúc động: “Khỏi phải nói hết niềm hạnh phúc trong tôi khi được gặp Đại tướng, cụ cầm lấy tay tôi hỏi han chuyện trò, và dặn dò tôi phải tiếp nối truyền thống cha anh để làm tốt nhiệm vụ của mình. Rằng nhiệm vụ tuy nhỏ bé nhưng cao cả; dù giản đơn nhưng nhiều hy sinh, phải tâm huyết thì mới hoàn thành tốt… Lời Đại tướng dặn tôi hôm đó mãi mãi nằm trong tâm khảm của tôi”.
Có một câu chuyện khá tình cờ khác để anh Thấm đinh ninh tin vào cái “duyên nghiệp” cho anh suốt đời được “canh giấc ngủ” cho các anh hùng liệt sỹ đang an nghỉ ở Nghĩa trang Độc Lập. Đó là cách nay hơn chục năm, chắt chiu, gom góp mãi anh mới mua được chiếc xe máy. Khi nhận biển số anh sững người khi thấy biển số đăng ký xe của anh trùng với con số thống kê mộ ở Nghĩa trang: 2432. Chiếc xe này gắn bó với anh từ bấy đến nay…
Đất nước ta đã trải qua 3 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ Quốc, đã có hàng triệu người con đã anh dũng hy sinh. Cả nước ta có tới 3.000 nghĩa trang và các công trình tưởng niệm liệt sỹ và 2.500 người làm nhiệm vụ chăm sóc các công trình ấy, Vương Xuân Thấm là 1 trong số họ.
“Làm công việc này tôi chỉ tâm niệm một điều rằng, mình làm vì cái tâm với các anh hùng liệt sỹ. Họ đã hy sinh xương máu, nằm xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Được làm nhiệm vụ “canh giấc ngủ” cho các liệt sỹ là niềm tự hào, vinh dự của cá nhân tôi”- đó là lời sẻ chia của quản trang Vương Xuân Thấm.
Tỉnh Điện Biên hiện có 8 nghĩa trang liệt sỹ với hơn 6.600 phần mộ liệt sỹ hy sinh trong các thời kỳ kháng chiến, trong đó A1, Him Lam và Độc Lập là nghĩa trang liệt sỹ cấp quốc gia, nơi an nghỉ của các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954; Tông Khao là nghĩa trang cấp tỉnh, nơi an nghỉ của quân tình nguyện Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quốc tế chiến đấu và hy sinh trên nước bạn Lào.
Lưu Hồng Sơn