20/02/2025 10:17:11

Kỹ sư Phan Thành Dũng, Giám đốc Công ty TNHH DKS:

Chuyển đổi số, giải pháp đột phá kỹ năng ngành nghề trong GDNN

“Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp (CĐS GDNN) là cuộc cách mạng thay đổi về tư duy, nhận thức để đón nhận công nghệ mới nhất, bắt kịp với sự thay đổi của công nghệ, ứng dụng vào quá trình giảng dạy với nhiều phương thức khác nhau” – Kỹ sư Phan Thành Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ điện tử tự động hóa – DKS chia sẻ với Nghề nghiệp & Cuộc sống về chuẩn hóa nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh công nghệ phát triển.

KS Phan Thành Dũng nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2024

Chinh phục “ma trận kỹ năng số ” trên nền tảng công nghệ

PV: Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đối mới sáng tạo và chuyển đổi số, theo đó Nghị quyết nhấn mạnh chuyển đổi từ từ ứng dụng công nghệ sang làm chủ công nghệ. Theo ông, để làm chủ công nghệ, HSSV giáo dục nghề nghiệp cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng gì để có thể làm chủ công nghệ và luôn thích ứng  với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện nay?

Kỹ sư Phan Thành Dũng: Ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào  công nghệ phát triển đều là cơ hội đan xen thử thách. Đối với lĩnh vực GDNN, người học sẽ càng trở nên khó khăn khi không cập nhật, tiếp cận và làm chủ được những công nghệ mới đang ứng dụng, vận hành trong đời sống sản xuất.

Điều cốt lõi là chúng ta phải xây dựng được một “ma trận kỹ năng số” cho từng ngành nghề, ước có tới hơn 1 triệu kỹ năng từ nhiều những ngành nghề, các cấp trình độ khác nhau. Chẳng hạn, quy định cụ thể ở ngành nghề nào đó khoảng 300 kỹ năng thì ở trình độ sơ cấp chỉ cần 35  kỹ năng, trung cấp cần 70 kỹ năng, nhưng học lên trình độ cao đẳng cần tới 300 kỹ năng. Điều này phản ánh quá trình hoàn thiện kỹ năng trong mỗi giai đoạn, có nghĩa là thiếu kỹ năng nào bổ sung kỹ năng đó.

Điều quan trọng, ma trận kỹ năng số đó được rõ ràng hóa, tiêu chuẩn hóa kỹ năng trên nền tảng cập nhật những kiến thức, hình thành kỹ năng số trên nền tảng công nghệ, là ứng dụng những kỹ năng thực tế ảo, môi trường mô phỏng, giả lập thiết bị trên máy tính…

Sinh viên hứng thú học nghề Robot công nghiệp trên nền tảng số

Người học hoàn toàn thực hiện các thao tác thực hành trên máy tính cho đến khi thuần thục, từ đó chuyển hóa thành kỹ năng ứng dụng thực tế dễ dàn . Vẫn trên nền tảng công nghệ, người học nghề hoàn toàn được nắm bắt, cập nhật những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp mới (theo phần mềm thiết kế của mỗi ngành nghề). Khi đó, điều kiện cần là yêu cầu bất cứ học sinh, sinh viên nào cũng phải đảm bảo vượt qua tiêu chí đánh giá kỹ năng chuẩn thông qua đánh giá chính xác, khách quan của công nghệ AI.

Công nghệ giúp hình thành và chuẩn hóa kỹ năng chính xác

PV: Theo ông, đích đến của CĐS trong GNNN đối với đội ngũ giảng viên, học sinh, sinh viên đạt được là gì?

Kỹ sư Phan Thành Dũng: Bằng việc ứng dụng các phần mềm mô phỏng thực tế ảo, môi trường giả lập trên các thiết bị máy tính như một “tấm gương” soi rõ được tất cả năng lực. Chẳng hạn, một giảng viên dạy nghề cụ thể nào đó muốn tuyển vào trường giảng dạy, có đảm bảo chuẩn các kỹ năng theo yêu cầu, có đủ năng lực hay không, chỉ cần làm bài test trên phần mềm là máy tính chấm chính xác, giống như thi sát hạch lái xe phải vượt qua được các bài test đó.

Công nghệ giúp cho đội ngũ giáo viên soi lại năng lực của mình, nếu thấy chưa đủ thì học thêm, huấn luyện thêm để có năng lực, đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Công nghệ cũng giúp cho học sinh, sinh viên hình thành được kỹ năng nghề nghiệp nhanh chóng, rút ngắn được rất nhiều thời gian để có thể có kỹ năng thuần thục như cách học truyền thống.

Trên môi trường số, với công nghệ AI, người học còn được tăng cường khả năng tương tác và cá nhân hóa trải nghiệm học tập. Sự kết hợp hài hòa giữa kỹ năng ảo và kỹ năng thật, cái gì thật không đầu tư được trang thiết bị đã có kỹ năng ảo đảm nhiệm để có thể tối ưu hóa kiến thức, kỹ năng và đảm bảo chuẩn đầu ra rõ ràng. Trên nền tảng số, người học có thể tiếp cận mọi lúc, mọi nơi cũng như cập nhật những kỹ năng mới, liên tục trau dồi để “không bị bỏ lại phía sau’.

Ứng dụng công nghệ – giải pháp kinh tế cho “nhà nghèo”

PV: Nhắc tới kinh phí đầu tư cho công nghệ CĐS GDNN là một chi phí khá lớn. Ông đánh giá điều này như thế nào?

Kỹ sư Phan Thành Dũng: Đầu tư cho GDNN chưa bao giờ là đủ, ngay cả với các quốc gia phát triển thì việc đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại trong các cơ sở đào tạo nghề để bắt kịp với sự phát triển công nghệ còn chưa chắc làm được.

Ví dụ: Để đào tạo một ngành nghề cần tới 300 kỹ năng, nếu đầu tư thiết bị phần cứng như hiện tại thì danh mục tối thiểu đầu tư ước tới 150 tỷ đồng phần cứng và 300 tỷ đồng cho xây dựng và tổng ước tới 400 tỷ mới xây dựng được 300 kỹ năng cho một ngành nghề. Ngay cả một kỹ năng nhỏ, cũng phải mất 5- 7 triệu, chưa nói đến 300 kỹ năng. Trong khi một lớp hay một khóa học có tới 500 – 1.000 học sinh, sinh viên mà theo cách dạy truyền thống với các chi phí vật tư thực hành, tiêu hao cũng tới tiền tỷ. Như thế chẳng khác gì “đâm đầu vào tường”.

Trong khi đó, công nghệ phát triển không ngừng, cái mới của hôm nay đã trở thành cái cũ của ngày mai và sẽ không đủ khả năng để chạy theo công nghệ và không bao giờ có tính thực tiễn. Như vậy là lãng phí rất lớn, không xác định được xưởng thiết bị được đầu tư như vậy giải quyết được bao nhiêu việc?

Vậy nên, chi phí đầu tư cho công nghệ một phần là giải pháp kinh tế phù hợp và là giải pháp thông minh. Quan trọng là phải đúng hướng. Đặc biệt lvới các quốc gia chưa có đủ tiềm lực thì việc tiếp cận công nghệ, giải pháp công nghệ là kinh tế, hiệu quả hơn cả. Đường lối của Đảng và Nhà nước cũng lấy CĐS làm nền tảng để cả xã hội bước vào kỹ nguyên mới thì GDNN phải lấy CĐS là giải pháp đột phá kỹ năng ngành nghề để cách mạng hóa GDNN.

Nếu thiết bị phần cứng chưa có, thì ma trận kỹ năng số này sẽ giúp huấn luyện được hàng trăm đến hàng nghìn kỹ năng tương tự. Khi thiết bị đầu tư chỉ giải quyết được khoảng 20 kỹ năng, thì thiết bị công nghệ đáp ứng cho anh 280 kỹ năng còn lại. Sự cân bằng hài hòa giữa các phương pháp sẽ đáp ứng và phát triển được kỹ năng trọn vẹn.

KS Phan Thành Dũng – CEO DKS

Kỹ sư Phan Thành Dũng, chủ nhân Giải Nhất lĩnh vực Công nghệ số Giải thưởng  Nhân tài Đất Việt- 2023 với sản phẩm “ Phần mềm số hóa và mô phỏng DKS- SINOVA” của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ điện tử tự động hóa DKS; đồng thời là tốp 1 trong 10 lĩnh vực đạt giải của Giải thưởng Sao Khuê- 2022.

Tận dụng sự tiến bộ của công nghệ 4.0, đặc biệt trong lĩnh vực CĐS với các công nghệ AI, Bigdata, VR, AR… Công ty DKS đã tạo ra môi trường mô phỏng, giả lập thiết bị trên máy tính ở các lĩnh vực như: Điện Công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Công nghệ ô tô, Cơ điện  tử, các ngành năng lượng tái tạo…  DKS đã và đang tiếp tục lượng hóa các kỹ năng số ở nhiều ngành nghề,  đóng góp cho công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, cũng như góp phần xanh hóa trong đào tạo.

Mục tiêu của KDS là mang lại cho sinh viên trải nghiệm thực hành giống như sử dụng thiết bị thật, đảm bảo an toàn và thực hiện được nhiều kỹ năng, nhiều lần và không giới hạn hay tốn kém, tiêu hao vật tư như các thiết bị vật lý.  Điều này tạo sinh viên sự hứng thú, sáng tạo và nắm vững các tình huống giải quyết vấn đề thực tế.

Thu Thủy (Thực hiện)