Chọn ngành học là bước ngoặt mang tính quyết định thế nhưng không phải học sinh nào cũng biết cách xác định thế mạnh nghề nghiệp để hoạch định tương lai.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho biết:” Để tìm ra nghề mình thích hợp nhất, HS hãy trả lời 3 câu hỏi: Em có thể làm giỏi cái gì? Em thích cái gì? Cái gì làm ra tiền? Khi tìm giao thoa giữa 3 câu trả lời đó, bạn sẽ chọn được nghề nghiệp lý tưởng nhất. Và 3 bước mà HS cần làm để chọn nghề chính xác là: xác định cái mình thích, xác định cái mình giỏi (thế mạnh), tìm hiểu về nghề.
Nhiều em học sinh chưa thể tự trả lời được 3 câu hỏi trên, hoặc chỉ trả lời 1 trong 3 câu hỏi dẫn đến nhiều trường hợp “chọn sai”: chọn ngành mình thích nhưng không đủ năng lực, chọn ngành nóng thu nhập tốt nhưng bản thân không đủ sức cạnh tranh hoặc chọn ngành làm nhưng thiếu tâm huyết, đam mê…Vậy đâu là lời giải cho các em?
Lựa chọn cho mình một trong những phương pháp sau để rút ra kết quả cho bản thân
Phương pháp sinh trắc học
Đánh giá độ ưu thế của 10 vùng chức năng trên não dựa vào mật độ dày đặc của nơ-ron và kiểu hình thần kinh (khí chất) của từng thùy. Từ đó, nhận biết độ thuận lợi của từng nghề nghiệp tương ứng với chức năng hoạt động của từng thùy não. Qua đó giúp HS đánh giá được những nghề nghiệp nào phù hợp với tư chất của mình nhất, sẽ phát triển thuận lợi theo năng khiếu tự nhiên nhất.
Phương pháp “20 đôi mắt”
Rất nhiều đặc điểm của bản thân khi bộc lộ sẽ được người xung quanh nhận thấy. HS cần tiến hành phỏng vấn ít nhất 20 người thân cận, từ đó mỗi người sẽ phác thảo những nét vẽ về nhân cách của bản thân. Hãy tìm những nhận xét “lặp đi lặp lại” nhiều nhất trong lời các nhận xét. Từ đó sẽ xác định được “điểm mạnh thương hiệu” của bản thân trong mắt mọi người.
Phương pháp “hộp diêm”
Các que diêm “tiềm năng” sẽ không bao giờ bùng cháy nếu như HS chưa một lần mang nó ra khỏi hộp và “cọ xát”. Ví dụ, nếu muốn biết mình có tiềm năng làm MC hay không, thì phải thử cầm lấy micro. HS hãy thử năng lực của mình.
Ngoài ra, còn rất nhiều phương pháp các em có thể áp dụng như phương pháp: so sánh, trắc nghiệm hướng nghiệp hay phân tích SWOT…
Thúy Anh