Đã từng thuộc “top” các trường có mức học phí đắt đỏ nhất TP.HCM, Trường Tiểu học, Trung học sơ sở và Trung học phổ thông Quốc tế Mỹ chính thức bị đình chỉ hoạt động trong 12 tháng từ ngày 1/7/2024 sau vụ lùm xùm tài chính.
Đình chỉ hoạt động giáo dục trong 12 tháng từ 1/7/2024
Trường Tiểu học, Trung học sơ sở và Trung học phổ thông Quốc tế Mỹ là cái tên gây xôn xao dư luận suốt từ tháng 3/2024 bởi vướng nhiều vấn đề về tài chính, nhân sự làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc học của các em.
Cụ thể: Ngày 18/3, trường thông báo, cho học sinh tạm nghỉ vì phần lớn giáo viên không đến trường giảng dạy. Nguyên nhân do trường gặp khó khăn về tài chính, không chi trả lương đầy đủ, đúng hạn cho đội ngũ giáo viên, nhân viên.
Sự việc gây hoang mang không chỉ tại địa bàn TP.HCM mà trên cả nước bởi 1 ngôi trường quốc tế với học phí lên đến gần 1 tỷ đồng/ năm lại rơi vào tình cảnh bế tắc, không có tiền chi trả lương cho giáo viên.
Trước sự việc này, nhiều phụ huynh đã kéo đến trước cổng trường, đề nghị trường thanh toán tiền theo hợp đồng hoàn vốn.
Ngày 19/3, trường thông báo hoạt động lại, nhưng theo phụ huynh, phần lớn học sinh đến trường được chia ra ngồi tự học, chơi ở căng tin, thư viện, sân bóng. Nhiều phụ huynh đưa con đến trường song phải quay lại đón con.
Ngày 30/3, trong cuộc họp giữa phụ huynh và hội đồng trường, có sự tham gia của Sở GD&ĐT TPHCM, Công an TPHCM, bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch Hội đồng Trường Quốc tế Mỹ, kêu gọi phụ huynh đóng góp thêm khoảng 125 tỷ đồng để trả nợ lương giáo viên và vận hành đến hết tháng 6.
Một tài khoản đã được lập ra sau đó, có gần 750 phụ huynh đóng góp được hơn 31 tỷ đồng. Đến ngày 26/4, Trường Quốc tế Mỹ đã kết thúc năm học sớm thay vì cuối tháng 5 như thông thường.
Từ khoảng thời gian tháng 3/2024- tháng 6/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP. HCM đã có chỉ đạo tích cực xuống trường nhằm giải quyết vấn đề trên, để học sinh ổn định việc học. Tuy nhiên kết quả không mấy khả quan.
Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có Quyết định số 2042/QĐ-SGDĐT ngày 28/6 về đình chỉ hoạt động giáo dục của Trường Tiểu học, Trung học sơ sở và Trung học phổ thông Quốc tế Mỹ, thời hạn đình chỉ là 12 tháng kể từ ngày 01/7.
Quyết định trên được căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 50 Luật Giáo dục năm 2019 và điểm b khoản 1 Điều 30 Nghị định số 46/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Sở cho biết, ngày 28/5, cơ quan này và Tổ công tác liên ngành đã tiến hành làm việc với nhà đầu tư, Hội đồng trường Trường Quốc tế Mỹ.
Đoàn công tác yêu cầu nhà đầu tư, Hội đồng trường thực hiện báo cáo trước ngày 15/6 gửi về Sở GD&ĐT, bao gồm Báo cáo kèm minh chứng thể hiện đảm bảo điều kiện hoạt động giáo dục theo quy định tại Luật Giáo dục năm 2019 và Báo cáo tổng thể đối với việc chi trả các khoản nợ đối với cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội, lương cho giáo viên, nhân viên, dịch vụ giáo dục khác.
Tuy nhiên, sau ngày 15/6, Sở chưa nhận được báo cáo từ đơn vị để nhận định Trường Quốc tế Mỹ đủ điều kiện hoạt động giáo dục.
Học sinh được đảo bảo quyền lợi
Quyết định đình chỉ hoạt động của nhà trường đã có, bài toán đặt ra đối với các học sinh đã đang theo học tại nhà trường sẽ đi đâu, về đâu và quyền lợi có được đảo bảo không?
Theo Sở GD&ĐT TP. HCM tính từ tháng 4/2024 đến thời điểm hiện tại có tổng cộng 134 trường hợp phụ huynh Trường Quốc tế Mỹ chuyển trường cho học sinh.
Phía Sở GD&ĐT TPHCM cho biết đã tổ chức làm việc với 18 trường phổ thông có vốn đầu tư, giảng dạy chương trình nước ngoài và Trường Quốc tế Việt Úc (trường công lập trực thuộc Sở GD&ĐT) để thống kê năng lực tiếp nhận và có cách chính sách hỗ trợ học sinh có nhu cầu chuyển đến từ Trường Quốc Tế Mỹ.
Tất cả các trường đều có năng lực tiếp nhận thêm học sinh và thông tin nhiều chính sách hỗ trợ về học phí, lệ phí đăng ký…
Riêng đối với các trường giảng dạy chương trình Tú tài quốc tế (IB), năng lực tiếp nhận học sinh trong năm học 2024-2025 ghi nhận tại thời điểm khảo sát có 1.251 chỗ học, nhiều hơn số lượng học sinh đang học tại Trường Quốc tế Mỹ.
Sở GD&ĐT cũng đã ban hành hướng dẫn chuyển trường đối với học sinh Trường Quốc Tế Mỹ. Cụ thể, học sinh thuộc các khối 1 đến 8 năm học 2023-2024, có thể đăng ký chuyển đến các trường phổ thông công lập và ngoài công lập giảng dạy chương trình phổ thông của Bộ GD&ĐT.
Phương án khác là các trường thực hiện chương trình tích hợp theo Quyết định 5695/QĐ-UBND và Quyết định phê duyệt chương trình tích hợp của Bộ GD&ĐT; Các trường có vốn đầu tư nước ngoài dạy chương trình Tú tài quốc tế (IB).
Học sinh các khối 9 đến 11 năm học 2023-2024, có thể đăng ký chuyển đến các trường phổ thông ngoài công lập giảng dạy chương trình tích hợp theo quyết định phê duyệt của Bộ GD&ĐT; các trường có vốn đầu tư nước ngoài giảng dạy chương trình nước ngoài, chương trình Tú tài quốc tế (IB).
Đồng thời, Sở GD&ĐT tổ chức làm việc với các cơ sở giáo dục để tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận học sinh từ Trường Quốc Tế Mỹ chuyển đến.
Trách nhiệm của công ty chủ quản đến đâu?
Trường Quốc tế Mỹ được thành lập theo Quyết định số 432 ngày 30/1/2019 của UBND TPHCM; được phép hoạt động giáo dục theo Quyết định số 1473 ngày 13/6/2019 của Sở GD&ĐT TPHCM.
Trước đó ông Nguyễn Văn Hiếu – GĐ Sở GD&ĐT TP. HCM đã chia sẻ với báo chí Trường Quốc tế Mỹ áp dụng 3 hình thức đóng góp gồm đóng theo gói huy động đầu tư với số tiền 4 tỷ đồng để con theo từ lớp 1 đến lớp 12 sẽ được hoàn trả lại; gói đồng hành đóng một lần 2 tỷ học suốt 12 năm và gói đóng theo tiến độ học tập của học sinh.
Riêng số phụ huynh tham gia đóng theo gói huy động đầu tư, ông Nguyễn Văn Hiếu thông tin khoảng 900 học sinh.
Như vậy, số tiền trường này huy động từ phụ huynh có thể lên đến 3.600 tỷ đồng. Chi phí học tập tại Trường AISVN mức cao nhất lên đến gần một tỷ đồng/năm.
Trường đóng trên địa bàn huyện Nhà Bè, TPHCM. Thời điểm năm học 2023-2024, ngôi trường này có hơn 1.400 học sinh, hơn 200 giáo viên nước ngoài và Việt Nam cùng 300 nhân viên trong nước với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại.
Mức học phí và các thu khoản phí của trường ở mức rất cao, thuộc top đắt đỏ nhất tại TPHCM. Học phí của trường này ở mức từ 280 triệu đến 725 triệu đồng/năm nếu đóng trọn năm. Mức học phí này chưa tính hàng loạt các khoản phí khác như hồ sơ đầu vào, phí ghi ganh, phí chương trình phát triển Anh, phí đưa đón… cả trăm triệu đồng.
Để xảy ra sự việc đáng tiếc làm ảnh hưởng đến tâm lý cũng như việc học của các học sinh và các bậc phụ huynh, trách nhiệm thuộc về Công ty cổ phần giáo dục Quốc Tế Mỹ AIS và Trường Quốc tế Mỹ.
Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu Công ty cổ phần giáo dục Quốc Tế Mỹ AIS và Trường Quốc tế Mỹ có trách nhiệm đối với học sinh và giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên của nhà trường.
Sở yêu cầu Công ty AIS và Trường Quốc tế Mỹ thực hiện các giải pháp phù hợp, đảm bảo quyền lợi học tập cho học sinh, không để việc học tập của học sinh gián đoạn; có giải pháp để ổn định tâm lý đối với học sinh và phụ huynh học sinh.
Đối với giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên, hai đơn vị trên cần đảm bảo thực hiện các chế độ chính sách (lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) theo thỏa thuận với người lao động trong hợp đồng lao động đã ký kết; thực hiện đầy đủ các quy định về việc sử dụng người lao động nước ngoài theo đúng pháp luật.
Phạm Oanh