27/11/2023 1:38:38

Chính sách xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2045: Đảm bảo tính bao trùm, toàn diện

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu: ”Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao” với quan điểm: “Tăng trưởng kinh tế phải gắn với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển”. Mặc dù đã đạt nhiều thành tựu tiến bộ, xong bước sang giai đoạn mới, với yêu cầu đảm bảo tính “bao trùm và toàn diện”, thực hiện chính sách xã hội Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều thách thức.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thăm hỏi, tặng quà đối tượng chính sách (ảnh Q. Đức)

Nhận diện thách thức và quan điểm giải quyết các vấn đề xã hội

Theo Bộ LĐ-TB&XH, thực hiện chính sách xã hội trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên bước sang giai đoạn mới đến 2030 và tầm nhìn đến 2045, CSXH và quản lý phát triển xã hội phải đối diện với những thách thức to lớn:

Thứ nhất: Quá trình phát triển, toàn cầu hóa, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hóa, di dân tự do làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội, nhất là vấn đề nhà ở, ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng, tình trạng thất nghiệp, phân hoá giàu nghèo, rủi ro và xung đột xã hội;

(2) Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo làm thay đổi phương thức sản xuất, quan hệ sản xuất và tiêu dùng, thay đổi thế giới việc làm; (3) Vấn đề già hoá dân số nhanh, sự gia tăng tầng lớp trung lưu, tỷ trọng việc làm trong khu vực phi chính thức cao đang đòi hỏi chính sách lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực toàn diện;

(4) Biến đổi khí hậu và các vấn đề an ninh phi truyền thống đang tác động mạnh mẽ đến đời sống của người dân, làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội, gia tăng rủi ro mâu thuẫn, xung đột xã hội, biến đổi xã hội theo chiều hướng tiêu cực;

(5) Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ rất vẻ vang nhưng cũng rất nặng nề: Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng CSXH và quản lý phát triển xã hội theo hướng toàn diện, hiệu quả, bền vững.

 

Chính sách đối với đồng bào dân tộc và trẻ em vùng cao luôn được Đảng Nhà nước quan tâm chăm sóc (Ảnh: Mai Hương)

Nhận diện những thách thức và dự báo bối cảnh mới, Bộ LĐ-TB&XH xác định các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo giải quyết các VĐXH hướng đến mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội trong bối cảnh mới, như sau:

(1) Chính sách xã hội là chính sách đối với con người, vì con người, có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống chính sách của Đảng, Nhà nước; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho nhân dân; tạo điều kiện để nhân dân tham gia và thụ hưởng ngày một tốt hơn thành quả của phát triển đất nước;

(2) Xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải đặt trong tổng thể quản lý phát triển xã hội bền vững; giải quyết hài hoà các quan hệ xã hội, kiểm soát phân tầng xã hội và xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, …; bảo đảm bình đẳng giới và tính bền vững trong các chính sách xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân;

(3) Đầu tư cho thực hiện các mục tiêu chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển. Cần huy động và phân bổ nguồn lực phù hợp với khả năng nền kinh tế và yêu cầu hiện thực hóa mục tiêu chính sách xã hội; trong đó nguồn lực nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn lực của xã hội là quan trọng; …;

(4) Đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển; hỗ trợ người dân ứng phó kịp thời, thích ứng linh hoạt và hiệu quả trước các rủi ro trong cuộc sống;

(5)Thực hiện chính sách xã hội phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả của Nhà nước, sự giám sát thường xuyên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội, sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. Khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy truyền thống tương thân tương ái, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường của Nhân dân trong giải quyết các vấn đề xã hội.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 đột phá chiến lược tăng năng suất lao động quốc gia, phát triển bền vững. (Ảnh: H. Dung)

Nhiệm vụ và các giải pháp lớn

  1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội nghề nghiệp trong xây dựng và thực hiện chính sách xã hội.
  2. Nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vị trí, vai trò của chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức về CSXH. Khẳng định quyết tâm xây dựng và thực hiện CSXH toàn diện, hiện đại, bao trùm và bền vững dựa trên quyền con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể; phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
  3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chính sách xã hội. Tăng cường quản lý nhà nước trong xây dựng và thực hiện CSXH; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính trong quản lý nhà nước về CSXH. Chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện trong các lĩnh vực CSXH; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu. Hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực thực hiện CSXH linh hoạt, hiệu quả. Nhà nước có chiến lược huy động hợp lý nguồn lực tài chính từ xã hội, bên cạnh nguồn lực của nhà nước là chủ đạo để thực hiện CSXH và phúc lợi xã hội; tăng cường xã hội hóa và hợp tác công tư trong thực hiện CSXH.
  4. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm bền vững và phát triển thị trường lao động: (1) Nâng cao chất lượng dân số, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, chủ động thích ứng với già hóa dân số và dân số già; (2) Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trọng tâm là hiện đại hoá và đa dạng hóa phương thức giáo dục, đào tạo. …; Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tạo môi trường học tập suốt đời cho người lao động, từng bước phổ cập nghề cho thanh niên…; (3)Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập; xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ; …. Xây dựng và hoàn thiện tiêu chuẩn kỹ năng nghề cho các ngành, nghề trong xã hội. Giải quyết việc làm bền vững cho người lao động; …Tăng cường chính sách, chương trình hỗ trợ vốn vay tạo việc làm và sinh kế cho các nhóm đối tượng yếu thế và triển khai hiệu quả chính sách việc làm công.
  5. Xây dựng hệ thống an sinh xã hội bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, không để ai bị bỏ lại phía sau: (1) Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tiếp tục được quan tâm và ưu tiên cao nhất trong các CSXH. Tăng cường chăm lo toàn diện cả vật chất và tinh thần, tôn vinh đầy đủ đối với người có công với cách mạng…;(2) Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế theo hướng bao phủ toàn bộ lực lượng lao động; đẩy mạnh cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội, mở rộng, gia tăng quyền lợi của đối tượng, thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý, đầu tư phát triển Quỹ bảo hiểm xã hội;…(3) Phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm bền vững cho người lao động, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thất nghiệp; ….(4) Hoàn thiện hệ thống trợ giúp xã hội theo hướng trợ giúp cả vật chất và tinh thần, hỗ trợ người dân kịp thời khắc phục khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế, xã hội, thiên tai, dịch bệnh và các rủi ro khác. Từng bước áp dụng số an sinh xã hội cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, người cao tuổi, người khuyết tật, người di cư và gia đình có trẻ em; có chính sách bảo trợ xã hội đối với người không có khả năng lao động. Phát triển mạng lưới dịch vụ trợ giúp xã hội giải quyết vấn đề bạo lực, bạo hành gia đình, phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi; kết nối và đẩy mạnh dịch vụ trợ giúp pháp lý; đổi mới công tác huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia cứu trợ khẩn cấp; xây dựng các quỹ cứu trợ xã hội từ thiện nhiều cấp độ, quản lý các hoạt động từ thiện, nhân đạo công khai, minh bạch, hiệu quả; (5) Phát triển dịch vụ công tác xã hội và đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp, tăng cường phòng ngừa các vấn đề xã hội, phát hiện và can thiệp sớm các vấn đề của người dân; hỗ trợ người dân tự giải quyết các vấn đề và phát triển cộng đồng bền vững, toàn diện. Có giải pháp phù hợp ứng phó với vấn đề già hóa dân số, phát huy vai trò của người cao tuổi trong phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu, khả năng của người cao tuổi; (6) Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ cơ bản đối với người nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và từng bước nâng cao thu nhập của các hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm ổn định đời sống lâu dài cho người dân; có cơ chế thí điểm phân cấp trọn gói thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, nông thôn mới và dân tộc miền núi cho cấp huyện.
  6. Nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng

Về giáo dục tối thiểu: Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục cho trẻ dưới 5 tuổi; xây dựng xã hội học tập và thúc đẩy học tập suốt đời. Phát triển mạng lưới trường lớp công lập khu vực, vùng có điều kiện KT – XH đặc biệt khó khăn, khu công nghiệp, khu đông dân cư; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện KT – XH đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo; tăng cường giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Hiện đại hoá, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý giáo dục; xã hội hóa trong giáo dục.

Về y tế tối thiểu: Phát triển bảo hiểm y tế toàn dân; đa dạng hoá các gói bảo hiểm y tế. Chú trọng phát triển mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng; chú trọng chăm sóc sức khoẻ tâm thần; chăm sóc sức khoẻ phụ nữ mang thai, bà mẹ và trẻ em, đặc biệt là chăm sóc sức khoẻ đầu đời cho trẻ em. Nâng cao chất lượng mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, khám, chữa bệnh và quản lý các bệnh mãn tính cho người cao tuổi. Thực hiện chính sách về dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực; đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm cho mọi người dân; giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em. Nâng cao chất lượng dự báo, giám sát, phát hiện, ngăn ngừa và khống chế dịch bệnh; phát triển y học gia đình; quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử và khám sức khỏe định kỳ cho Nhân dân.

Về phát triển văn hóa tối thiểu: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Về chính sách thông tin, truyền thông tối thiểu: Tăng cường phổ cập dịch vụ viễn thông, hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin, công nghệ số và bảo vệ người dân, đặc biệt là trẻ em và các nhóm yếu thế an toàn trên môi trường mạng. Thiết lập các cụm thông tin điện tử công cộng phục vụ thông tin, tuyên truyền tại các cửa khẩu biên giới phục vụ tuyên truyền ở các xã biên giới; cung cấp dịch vụ thông tin công cộng ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo.

Về chính sách nhà ở tối thiểu: Bảo đảm nhà ở có chất lượng cho tất cả người dân, tạo sự ổn định xã hội và phúc lợi về nhà ở đối với người dân; có chính sách hỗ trợ phù hợp về đất đai, vốn, tín dụng bảo đảm nhà ở cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu vực thành thị, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân lao động,  có chính sách quy định trách nhiệm và huy động doanh nghiệp, chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nhà ở cho người lao động.

Về chính sách nước sạch và vệ sinh môi trường tối thiểu: Bảo đảm nhu cầu thiết yếu về nước sạch sinh hoạt theo quy chuẩn đối với mọi người dân, đặc biệt người dân vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị thiên tai; bảo đảm an ninh nguồn nước. Cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của Nhân dân; giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm do nước thải, rác thải, khí thải và an toàn vệ sinh thực phẩm; ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ suy thoái và ô nhiễm môi trường, đặc biệt giải quyết vấn đề rác thải, nước thải khu vực nông thôn, miền núi.

  1. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ xã hội. Phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đa dạng, liên thông, liên tục, theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu và khả năng tiếp cận của các nhóm dân cư, nhất là hỗ trợ công nhân lao động, đối tượng yếu thế, người di cư và dân tộc thiểu số;
  2. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm của quốc tế trong việc hoàn thiện và thực hiện chính sách xã hội.

Quốc Anh