24/09/2020 2:10:48

Chất lượng việc làm của lao động nữ chưa ổn định

Nguyên nhân là do lao động nữ thiếu kỹ năng, ít được đào tạo và công việc thường tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực chuyên môn thấp hoặc có mức đố ổn định không cao.

Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Nguyễn Thị Hà: “Phụ nữ chịu nhiều tác động của bất bình đẳng giới”. Ảnh: Phunuvietnam.vn

Theo bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, đây là một trong những khó khăn, thách thức đối với công tác thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay.

Ngày 24/9, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo rà soát độc lập 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới.

Thu nhập của lao động nữ chỉ đạt khoảng 80% so với lao động nam

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, “trên thực tế, cả nam giới và phụ nữ đều chịu những tác động từ bất bình đẳng giới, tuy nhiên phụ nữ và trẻ em gái vẫn là nhóm đối tượng chịu nhiều thiệt thòi hơn”.

Thu nhập bình quân tháng của lao động nữ chỉ đạt khoảng 80% so với nam giới. Sự khác biệt về tuổi nghỉ hưu đã rút ngắn thời gian được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, hạn chế cơ hội đối với nữ giới trong quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ nữ.

Cơ hội học tập, chăm sóc sức khỏe của phụ nữ và trẻ em gái ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế. Nhận thức sai lệch về vai trò giới tiếp tục củng cố và gắn chặt phụ nữ vào vai trò chăm sóc gia đình, dẫn đến nhiều phụ nữ đã mất cơ hội trong học tập, phát triển sự nghiệp và các hoạt động xã hội.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới còn khá phổ biến. Mất cân bằng giới tính khi sinh cũng đang là một thách thức lớn để đạt được mục tiêu bình đẳng giới thực chất ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, những biến đổi của tình hình thế giới và trong nước tiếp tục tác động đa chiều, khó lường đến công tác bình đẳng giới. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều thách thức về việc làm đối với phụ nữ, nhất là trong các ngành nghề có đông lao động nữ.

Thu nhập bình quân tháng của LĐ nữ chỉ bằng khoảng 80% so với nam giới.

Biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, sinh kế của người dân. Các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống đan xen, phức tạp. Những tác động tiêu cực của mạng xã hội gây khó khăn cho giáo dục gia đình và định hướng giáo dục nhân cách, nhất là đối với trẻ em.

“Khoảng cách về thu nhập, về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, đời sống tinh thần giữa phụ nữ các vùng miền, ngành nghề, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ là người khuyết tật, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ngày càng gia tăng. Công tác cán bộ nữ đặt ra những yêu cầu mới cao hơn”, Thứ trưởng Hà nói.

Chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi

Bên cạnh những khó khăn, thách thức, công tác bình đẳng giới của Việt Nam trong 10 năm qua cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, kể từ khi Luật Bình đẳng giới ra đời và có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/7/2007), hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới không ngừng được bổ sung và hoàn thiện, góp phần hình thành hành lang pháp lý vững chắc về bình đẳng giới.

Sau 10 năm thi hành Luật bình đẳng giới, nhiều thành tựu đáng tự hào về bình đẳng giới của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận. Điển hình như tỷ lệ đại biểu Quốc hội nữ khóa XIV đạt 26,8% cao hơn so với mức trung bình 19% của các quốc gia Châu Á và 25% của toàn cầu.

Tỷ lệ học sinh nam và nữ ở các cấp bậc học luôn ngang bằng nhau. Cơ cấu giới tính phân bố trong lực lượng lao động của Việt Nam tương đối cân bằng với tỷ trọng 52,7% nam giới và 47,3% nữ giới tham gia lực lượng lao động.

Tỷ lệ chết mẹ đã giảm từ 69 ca trên 100.000 ca sinh sống vào năm 2009 xuống 46 ca trên 100.000 trẻ sinh sống năm 2019.

Một số chỉ số phát triển được cải thiện đã đưa Việt Nam lên các bậc xếp hạng cao hơn và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới. Theo Báo cáo Phát triển con người năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam là 0,63, xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước, đang ở gần mức trần của nhóm các nước có HDI ở mức trung bình. Với chỉ số phát triển giới ở mức 1,003, Việt Nam xếp thứ 68 trong số 166 nước trên toàn thế giới năm 2018.

“Công tác bình đẳng giới đã bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành vi của các cấp lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức và người dân, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Ghi nhận những kết quả trong công tác bình đẳng giới của Việt Nam, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam khẳng định, trong suốt 10 năm thực hiện Luật bình đẳng giới, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đạt được nhiều tiến bộ liên quan tới bình đẳng giới.

“Chúng tôi đã nhìn thấy những thành tựu đáng kể về thúc đẩy quyền và sự lãnh đạo của phụ nữ, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục và thông qua việc đẩy mạnh khung pháp lý và thể chế” – bà Naomi Kitahara nói.

Đại diện UNFPA tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, là một trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là yếu tố không thể thiếu trong tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế – xã hội của mọi người. Bình đẳng giới không chỉ là quyền cơ bản của con người, mà còn là nền tảng cần thiết cho một xã hội Việt Nam hòa bình và thịnh vượng.

Theo bà Naomi Kitahara, “nếu không giải quyết vấn đề về bình đẳng giới, Việt Nam sẽ không có cách nào đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030”.

Sau 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới. Báo cáo đã tập trung đánh giá sự thống nhất của Luật Bình đẳng giới với những tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người và các bộ luật, luật khác của Việt Nam; đánh giá kết quả thực hiện Luật trong giai đoạn 2007 – 2019, làm rõ những thành tựu và tồn tại, hạn chế, từ đó đưa ra những khuyến nghị cho việc sửa đổi Luật và đảm bảo công tác thi hành Luật được tốt hơn.

Tại Hội thảo, lãnh đạo của Bộ LĐ-TB&XH và UNFPA đã kêu gọi nhiều hơn nữa những nỗ lực chung từ phía các bộ, ban, ngành của Chính phủ, các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân và các cơ quan của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy tiến trình hướng tới phát triển bền vững vào năm 2030, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Hải An