07/08/2024 6:10:47

Chăm sóc bảo vệ trẻ em trong bối cảnh mới, cần nhiều hành động thiết thực hơn nữa

Biến đổi khí hậu, chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai, khó khăn  kinh tế và mặt trái của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đang làm gia tăng các nhóm trẻ bị tác động xấu, ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất, tinh thần và nhân cách. Đòi hỏi hệ thống chính sách, gia đình, nhà trường và cộng đồng cần nhiều hành động thiết thực hơn nữa cho trẻ em.

Những con số báo động

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH trong giai đoạn 2010 – 2020. Đến nay, tổng số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên phạm vi toàn quốc là 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó bao gồm 256.000 trẻ em mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi, 280.000 trẻ em khuyết tật nặng và trẻ nhiễm chất độc hóa học, 96.650 trẻ nhiễm HIV/AIDS, 600.000 trẻ em bị tự kỷ, bị down, bị thiểu năng trí tuệ và 163.000 trẻ em là nạn nhân của thảm họa thiên tai.

Theo ước tính của tổ chức Y tế thế giới (WHO) người khuyết tật Việt Nam chiếm khoảng 10% dân số, trong đó khoảng 2 triệu là trẻ em. Tỉ lệ khuyết tật trên dân số dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng lên nhiều do những nguyên nhân phát triển xã hội, tai nạn, do ô nhiễm môi trường.

Có thể nói ngày nay nguy cơ rinh rập đối với trẻ em xảy ra trên mọi không gian, trong gia đinh, ngoài xã hội, trong nhà trường và trên môi trường mạng xã hội.

Báo cáo kết quả thực hiện một số mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em năm 2023 được Chính phủ gửi Quốc hội cho thấy, hiện cả nước có trên 25 triệu trẻ em (tỷ lệ 25,5% trên tổng dân số). Trong đó có trên 1,7 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 6,8% (giảm 0,1% so với năm 2022).

Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong công tác bảo vệ trẻ em, song trong năm 2023, toàn quốc vẫn xảy ra 2.498 vụ xâm hại trẻ em bởi 3.235 đối tượng, xâm hại 2.633 trẻ em, tăng tới 9,2% về số vụ so với năm 2022, trong đó xâm hại tình dục trẻ em chiếm 82,2%; tập trung tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (40,3%), nhất là các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng.

Đánh giá của Tổng đài 111, các ca tư vấn liên quan đến xâm hại, bạo lực trẻ em và liên quan đến pháp luật có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây.9 tháng của năm 2023, tổng đài nhận được 238.500 cuộc gọi đến, trong đó, có 92 ca gọi đến có nhu cầu hỗ trợ, can thiệp XHTD. Đáng lưu ý, có tới 83 trẻ em dưới 16 tuổi bị xâm hại. Trong số 467 ca XHTD mà tổng đài tiếp nhận, có 440 ca XHTD trẻ em với 442 trẻ (426 trẻ em gái, chiếm tỉ lệ 96,4% và 16 trẻ em nam). Đáng lưu ý, có tới 28,2% thủ phạm XHTD trẻ em là người thân của trẻ, trong đó có cả bố đẻ.

“Chăm sóc” trẻ bằng điện thoại, iPad hậu quả khôn lường

Bên cạnh tình trạng trẻ bị xâm hại tình dục, bị buôn bán qua biên giới gia tăng, trẻ bị đuối nước vào các dịp hè, bị ngộ độc thực phẩm vẫn liên tiếp xảy ra.

Một nguy cơ khác ngay trong sinh hoạt gia đình cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tâm thần của trẻ, đó là việc bố mẹ cho trẻ tiếp xúc với điện thoại hoặc iPad quá sớm. Dỗ cho trẻ ăn phải bật iPad, cho trẻ chơi điện thoại, lướt các trò chơi trên điện thoại để trẻ ngồi im không quấy phiền bố mẹ là sinh hoạt phổ biến của nhiều gia đình.

Theo các chuyên gia, việc trẻ tiếp xúc, sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, mạng xã hội quá nhiều sẽ thay thế các hoạt động quan trọng giúp phát triển bộ não như ngủ, tập thể dục, gặp gỡ người thân, bạn bè. Các nền tảng mạng xã hội tràn ngập nội dung cực đoan, có hại, gồm cả những nội dung nguy hiểm nhưng được “bình thường hóa”, như hành vi tự làm hại bản thân, rối loạn ăn uống, tự sát…Theo BV Nhi Trung ương số trẻ bị rối loạn tăng động, giảm chú ý ngày càng tăng, vài năm gần đây, thường ở mức trên 20.000 lượt trẻ có vấn đề sức khỏe tâm thần tới khám tại BV với 3 mảng lớn là chậm phát triển trí tuệ, rối loạn tăng động giảm chú ý và rối loạn phổ tự kỷ.

Cần nhiều hành động thiết thực hơn nữa

Trước hết từ trong gia đình, các bậc phụ huynh cần dành thời gian quan tâm tới con trẻ, hiểu rõ tác hại của việc lạm dụng internet để chăm sóc trẻ đúng mức và khoa học. Hướng trẻ nhiều hơn vào các hoạt động thực tế của gia đình như cùng nhau làm việc nhà, cùng nhau vui chơi bên ngoài, cùng trẻ tham gia các trò chơi vận động, thể thao. Mỗi gia đình cần có quy định về sử dụng mạng xã hội trong khung giờ nhất định.

Đối với cộng đồng, hiện hầu hết các địa phương từ chính quyền, đoàn thể, hội đều có chức năng chăm sóc bảo vệ trẻ em, tuy nhiên để phòng chống các nguy cơ đối với trẻ, cần có sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, chính quyền địa phương để nhà trường và các hội đoàn thể thường xuyên tuyên truyền bảo vệ trẻ em theo chuyên đề và đặc thù kinh tế xã hội của từng địa phương như phòng chống đuối nước cho trẻ trong dịp hè, phòng chống trẻ bị bắt cóc, buôn bán qua biên giới, phòng chống trẻ bị xâm hại tình dục; tuyên truyền sinh động về tác hại của việc lạm dụng internet đối với trẻ em…

Thiết nghĩ nếu hệ thống chính trị tại mỗi địa phương, cơ sở hành động thiết thực hơn, thường xuyên hơn công tác tuyên truyền phòng chống các nguy cơ đối với trẻ em, thì chắc chắn tỷ lệ trẻ em bị các vấn nạn trên sẽ giảm. Trẻ em sẽ được sống, phát triển an toàn trong sự quan tâm chăm sóc của toàn xã hội.

Mai Phương