Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2021, Trường CĐ nghề Kỹ thuật Công nghệ tham gia với 3 bài giảng: Bài giảng Nạp môi chất lạnh máy điều hoà ghép của nhà giáo Trần Ích Bảo, khoa Điện tử – Điện lạnh; Bài giảng xác định cực tính động cơ không đồng bộ ba pha rô to lồng sóc bằng phương pháp sử dụng nguồn điện một chiều của nhà giáo Đoàn Văn Điệp, khoa Điện; Bài giảng Tiện thô trụ bậc ngắn bằng phương pháp phân tầng của nhà giáo Lê Văn Thọ, khoa Cơ khí Chế tạo.
Cả 3 bài giảng đều lấy thực tiễn làm chất liệu thiết kế bài giảng, đều được đánh giá cao và xuất sắc giành 1 giải Nhất, 2 giải Nhì của Hội giảng.

Bên lề Hội giảng, 3 nhà giáo của Trường CĐ nghề Kỹ thuật – Công nghệ đã chia sẻ với Tạp chí Nghề nghiệp & Cuộc sống về ý tưởng thiết kế bài giảng.
Nhà giáo Trần Ích Bảo, khoa Điện tử – Điện lạnh: “Nạp môi chất lạnh máy điều hòa ghép”
Các máy điều hòa không khí dân dụng hai phần tử sau một thời gian sử dụng thường xảy ra sự cố thiếu môi chất lạnh (gas lạnh) dẫn đến hệ thống làm việc không hiệu quả và gây ra những vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế, tiện nghi. Ví dụ như nhiệt độ làm lạnh không đạt yêu cầu, chí phí điện tăng, tuổi thọ máy giảm… Vì vậy, phải tiến hành nạp gas bổ sung để hệ thống làm việc bình thường.
Từ thực tế này, tôi đã lựa chọn bài giảng Nạp môi chất lạnh máy điều hòa ghép ngành Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí để tham dự Hội giảng.

Bài giảng được thiết kế theo mô hình thiết bị tự làm là 3 bộ máy điều hòa hai phần tử LGB10END, được sử dụng phổ biến, sát với thực tiễn nghề nghiệp. Môi chất lạnh R410A được sử dụng rộng rãi trên thị trường và dễ dàng nạp môi chất lạnh cho máy điều hòa theo định lượng, giúp người học trực quan và dễ dàng thao tác trong quá trình thực hành. Đồng thời được thiết kế slide sinh động theo phương pháp tích hợp giúp người học dễ quan sát.
Trong quá trình thực hành, sinh viên được thực hiện từng bước để dần hình thành kỹ năng và báo cáo với giảng viên. Sau khi hoàn thành bước này mới được thực hiện bước kế tiếp, điều đó thể hiện sự quan sát, hướng dẫn tận tình của giảng viên với người học, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị, kịp thời xử lý các tình huống trong quá trình thao tác của sinh viên (ví dụ như chọn chế độ vận hành cho điều hòa, nạp môi chất lạnh dạng lỏng theo định lượng…).
Với vấn đề thực tiễn, phương pháp giảng dạy tạo không khí sôi nổi, tăng tính tích cực, chủ động cho người học, giúp người học có hứng thú và tạo tâm thế sẵn sàng tiếp thu kiến thức mới.
Thầy Đoàn Văn Điệp, khoa Điện: “Xác định cực tính động cơ không đồng bộ ba pha rô to lồng sóc bằng phương pháp sử dụng nguồn điện một chiều”.

Góp mặt tại Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc 2021, tôi mang đến bài giảng “Xác định cực tính động cơ không đồng bộ ba pha rô to lồng sóc bằng phương pháp sử dụng nguồn điện một chiều”.
Đây là vấn đề không quá phức tạp, tuy nhiên nhiều người vẫn còn khó khăn, lúng túng khi xử lý trên thực tế, thậm chí cả đối với những người đã có kinh nghiệm đi làm nhiều năm. Đối với sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường thì càng khó với các em. Do đó, tôi nghĩ rằng nếu được trang bị những kiến thức này ngay từ trong quá trình đào tạo tại nhà trường, các em sẽ tự tin hơn khi bước chân vào thị trường lao động.
Điều ấn tượng nhất của bài giảng là lấy vấn đề của thực tế làm ý tưởng xây dựng bài và trong quá trình truyền tải nội dung, giáo viên luôn hướng tới phương pháp học mới, lấy người học làm trung tâm để phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học. Sự tương tác của thầy và trò trong bài giảng cũng là điều người dạy muốn hướng tới. Qua đó các kiến thức và kỹ năng sẽ được gợi mở, hình thành, giúp người học phát triển tốt hơn.
Thầy Lê Văn Thọ, khoa Cơ khí chế tạo: “Tiện thô trụ bậc ngắn bằng phương pháp phân tầng”

Tham gia Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc 2021, tôi đã lựa chọn bài giảng “Tiện thô trụ bậc ngắn bằng phương pháp phân tầng”. Đây là bài giảng rất cơ bản của nghề cắt gọt kim loại.
Bài giảng được chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung với thiết kế tích hợp. Đặc biệt sử dụng những video mô phỏng ứng dụng các phần mềm mới nên rất sinh động giúp các em sinh viên tiếp nhận những kiến thức được rõ hơn và hiểu bài hơn. Bởi vậy các em có thể làm ra những sản phẩm ứng dụng được trong thực tế ngay sau khi học xong bài học này.
Cùng với những chia sẻ về bài giảng, các nhà giáo của Trường CĐ nghề Kỹ thuật – Công nghệ cũng chia sẻ hạnh phúc và niềm tự hào khi được cống hiến trong lĩnh vực đào tạo nghề và được lựa chọn tham gia trình giảng tại Hội giảng Nhà giáo GDNN năm 2021.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 vẫn hết sức phức tạp, Hội giảng lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến là một thách thức rất lớn với nhà giáo vì phải xây dựng bài giảng làm sao để người tham dự qua hình thức trực tuyến cũng có thể hiểu được nội dung tôi muốn truyền tải.
Tuy nhiên, thách thức này cũng là cơ hội với các nhà giáo GDNN trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ, khoa học kỹ thuật, để thay đổi từ cách nhìn tới cách làm, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Hội giảng vì vậy không chỉ là sân chơi hấp dẫn, bổ ích cho những nhà giáo đang ngày đêm cống hiến trong lĩnh vực đào tạo nghề mà còn là cơ hội quý để các nhà giáo giao lưu, học hỏi từ những đồng nghiệp của mình không chỉ là kiến thức chuyên môn, các phương pháp giảng mới hay các trang thiết bị dạy học hiệu quả phục vụ công tác giảng dạy.

Quá trình chuẩn bị cho Hội giảng trước đó, Trường CĐ nghề Kỹ thuật – Công nghệ đã chủ động xây dựng kế hoạch ôn luyện và tổ chức ôn luyện, quan tâm và tạo điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, trang thiết bị, học cụ, nguyên vật liệu phục vụ bài giảng cho các nhà giáo ôn luyện.
Trong phần thi của mình, các nhà giáo của trường không chỉ gây ấn tượng với phần trình giảng mà còn thể hiện khả năng khai thác, sử dụng hiệu quả các công nghệ mới, các mô hình thiết bị tự làm…
Kết thúc Hội giảng, nhà giáo Trần Ích Bảo, đạt giải Nhất (trong tổng số 20 giải Nhất của Hội giảng); nhà giáo Lê Văn Thọ, Đoàn Văn Điệp đạt giải Nhì (trong tổng số 40 giải Nhì của Hội giảng)
Trước đó, nhà giáo Đoàn Văn Điệp và nhà giáo Trần Ích Bảo cũng đã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Bằng khen “Nhà giáo trẻ có thành tích xuất sắc”. Ngoài ra, cũng trong đợt hoạt động cao điểm chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, Đoàn Khối các Cơ quan Trung ương cũng trao tặng danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cho 3 nhà giáo trên.
Hải An (ghi)