14/03/2022 1:48:05

CĐ Lào Cai: Đầu tư công nghệ cao để “hút” sinh viên ngành nông nghiệp

Hàng loạt trang thiết bị đào tạo công nghệ cao song song với nguồn lực giáo viên, giáo trình giảng dạy…, kết hợp với truyền thông được CĐ Lào Cai đầu tư tổng thể nhằm tạo sức hút sinh viên ngành nông nghiệp công nghệ cao.

Ngành nông nghiệp đang đứng trước những cơ hội cũng như thách thức bởi cuộc CMCN 4.0, cạnh tranh về nguồn nhân lực chất lượng cao trước yêu cầu sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững, thân thiện môi trường. Do vậy, lao động nông nghiệp cần phải được trang bị các kiến thức mới về ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại, trình độ quản trị kinh doanh nhất là các chủ trang trại, giám đốc hợp tác xã…

Đứng trước những thời cơ và thách thức đó, CĐ Lào Cai đã tận dụng những thế mạnh của trường như: nguồn lực giáo viên nhóm nghề nông nghiệp 100% là thạc sĩ, tiến sĩ, giáo trình giảng dạy, cơ sở vật chất phục vụ thực hành (vườn ươm, nhà lưới, đất nông nghiệp, trang trại hơn 10ha) để quyết định đổi mới và nâng cao công tác đào tạo nghề nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo sức hút với người học.

Việc đầu tiên Trường làm là đẩy mạnh tuyên truyền về đào tạo nghề nông nghiệp công nghệ cao gắn với xu hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại bằng nhiều hình thức khác nhau như: kết hợp với cơ quan báo chí, livestream trên các nền tảng mạng xã hội cũng như trực tiếp đến một số địa phương có khả năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao để tuyên truyền, phổ biến.

Nhà trường cũng tích cực ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại vào quá trình đào tạo và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong quá trình đào tạo với một loạt đề tài như: “Nghiên cứu ứng dụng nhân giống, trồng và chế biến cây Cà gai leo theo chuỗi giá trị sản phẩm tại Lào Cai”; “Phục tráng giống lúa séng cù và xây dựng mô hình sản xuất gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm tại Bát Xát Lào Cai”…

Hệ thống nhà lưới công nghệ cao cho phép SV thực hành, làm quen với công nghệ sản xuất nông nghiệp hiện đại

Việc áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào đào tạo và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong quá trình đào tạo tạo động lực quan trọng để người học tích cực tìm tòi, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Khi ý thức được vai trò của khoa học – Công nghệ, sau khi ra trường, người học sẽ giúp người lao động nông thôn tìm cách thay đổi tập quán sản xuất, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu thị trường, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường vào sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Những năm vừa qua CĐ Lào Cai đã chi hàng tỷ đồng cho việc mua sắm trang thiết bị hiện đại nghề nông nghiệp, có thể điều khiển bằng điện thoại thông minh thông qua mạng internet…. Thiết bị đào tạo công nghệ cao ngoài việc giúp nâng cao kỹ năng nghề của người học, còn giúp Nhà trường chủ động sắp xếp các môn học, mô-đun theo trình tự, đảm bảo sự logics về kiến thức, kỹ năng, giúp cho học sinh, sinh viên hình thành kỹ năng từ khó đến dễ, từ đơn giản đến phức tạp, đảm bảo năng lực thực hiện một cách tốt nhất, không còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mùa vụ hay dịch bệnh.

Nhà trường cũng nghiên cứu, bổ sung mã nghề nông nghiệp công nghệ cao vào danh mục các ngành nghề đào tạo, phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp của Lào Cai và các vùng lân cận.

Năm 2021, trường cũng đã triển khai mô hình đào tạo Nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở khảo sát từ thực tế để tìm ra giống cây trồng, vật nuôi phù hợp nhất với địa bàn Lào Cai và một số tỉnh lân cận, đảm bảo người học ra trường có thể làm được ngay với công nghệ mới. Đến nay CĐ Lào Cai đã được Tổng cục GDNN cấp phép đào tạo mã nghề Nông nghiệp công nghệ cao trình độ cao đẳng.

Hệ thống thiết bị đào tạo trước khi đi vào giảng dạy đều được giảng viên sử dụng, khai thác, đánh giá đủ điều kiện tiêu chuẩn mới đưa vào giảng dạy 

 

Toàn bộ hệ thống thiết bị đào tạo công nghệ cao trước khi đưa vào đào tạo đều được các giảng viên nghiên cứu sử dụng, khai thác, qua đó đánh giá các chỉ số nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn mới đưa vào đào tạo. Sản phẩm thí nghiệm được người học nghiên cứu, thực hành trong các môn học mô-đun tương ứng, một phần sản phẩm được trao đổi để tăng thu nhập cho cán bộ nhà giáo.

Trường cũng đẩy mạnh gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, hợp tác xã, tư nhân trong xây dựng các chương trình, giáo trình đào tạo, tuyển sinh, tổ chức đào tạo và đánh giá, cấp chứng chỉ cho lao động nông nghiệp; đa dạng hoá các hình thức hợp tác, gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng huy động doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào toàn bộ quá trình đào tạo. Phát triển mạnh các mô hình đào tạo nghề tại doanh nghiệp, hợp tác xã. Nhân rộng mô hình đào tạo liên kết nhà trường và doanh nghiệp, hợp tác xã.

Chỉ riêng năm 2021, CĐ Lào Cai đã hợp tác với Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương đào tạo 06 lớp Kỹ thuật chế biến rau quả xuất khẩu cho 200 công nhân của nhà máy và 08 lớp nông nghiệp nông thôn mới cho huyện Sapa cùng nhiều các dự án khác.

Hàng năm trường cũng tôn vinh các doanh nghiệp đã đóng góp thiết thực, hiệu quả có giá trị trong quá trình đào tạo của nhà trường, ký kết hợp tác với các doanh nghiệp đưa học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập và bố trí việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.

Thời gian tới, CĐ Lào Cai sẽ tiếp tục nâng cao công tác đào tạo nhóm nghề nông nghiệp, huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân và lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia trong việc tổ chức đào tạo nhóm nghề nông nghiệp nhất là nông nghiệp chất lượng cao./.

Trần Thị Hồng Hoa

(Phó trưởng phòng Đào tạo, NCKH&HTQT, CĐ Lào Cai )