02/11/2023 1:51:10

CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Bạc Liêu: Tích cực đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động vùng nông thôn (LĐNT) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Bạc Liêu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ về “Phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021- 2025”, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Giảng viên nhà trường về cơ sở hướng dẫn nghề chăn nuôi vịt cho người lao động tại cơ sở.

Cùng với các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Bạc Liêu đã và đang tích cực tham gia công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT tại cơ sở khóm, ấp khá sôi động, hiệu quả, giúp người lao động tự tin có kỹ năng nghề nghiệp, có nhiều cơ hội việc làm ổn định.

Tiềm năng nguồn nhân lực trẻ cần được đào tạo nghề

Xuất phát từ thực trạng lao động của tỉnh Bạc Liêu, theo thống kê lao động của tỉnh Bạc Liêu năm 2022 cho thấy: Lực lượng lao động trong độ tuổi từ 15 trở lên có hơn 481.990 người, chiếm 39,5% so với dân số toàn tỉnh. Đặc biệt, số người bước vào độ tuổi lao động hàng năm trên 14.520 người. Bởi vậy, đây là nguồn nhân lực  trẻ dồi dào, rất cần được quan tâm thông qua định hướng đào tạo nghề. Đồng thời, gắn với giải quyết việc làm cho người lao động.

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho nguồn nhân lực trẻ là nhiệm vụ cấp thiết nhằm thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Những nằm gần đây, tỉnh Bạc Liêu đã coi trọng tập trung đầu tư, đào tạo nghề cho nguồn nhân lực vùng nông thôn. Cụ thể, giai đoạn 2018 – 2022, Bạc Liêu đã hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho trên 15.150 người, với tổng kinh phí trên 22 tỷ đồng.

Qua đó, toàn tỉnh Bạc Liêu đã giải quyết việc làm cho hơn 108.640 lao động. Riêng 9 tháng năm 2023, Bạc Liêu đã đào tạo nghề cho 13.060 lao động, đạt 93,28% kế hoạch; giải quyết việc làm trong nước cho 14.298 lao động, đạt 77,28% kế hoạch.

Để công tác đào tạo đạt hiệu quả cao, đúng đối tượng, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng kế hoạch tổ chức điều tra, khảo sát và nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân; điều tra về cung – cầu lao động… Từ đó, làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Đồng thời, tích cực chỉ đạo các huyện, thị xã khảo sát, rà soát các đối tượng cần được học nghề, bổ sung nhu cầu học nghề của người dân để xây dựng và phê duyệt kế hoạch tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn quản lý.

Nâng cao phát triển nguồn nhân lực gắn với an sinh xã hội

Mặc dù nguồn nhân lực trẻ trong độ tuổi lao động tại tỉnh Bạc Liêu đã được quan tâm, nhưng số lượng người lao động được giải quyết việc làm ngay trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt 30%. Còn 70% là lực lượng lao động phải xa xứ mưu sinh. Nguyên nhân được xác định là người lao động không tạo được thu nhập ổn định, đủ để nuôi sống bản thân và gia đình, do không có các kỹ năng nghề để áp dụng vào đời sống sản xuất ngay tại nơi sinh sống.

Góp phần giải quyết thực trạng này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là các trường cao đẳng phối hợp với các địa phương, các trường THPT, THCS tổ chức tư vấn, tuyển sinh, đào tạo. Trong đó, trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Bạc Liêu đã tích cực phối hợp cùng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức các lớp đào tạo nghề và chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho người lao động, theo hình thức đào tạo nghề trực tiếp tại cơ sở khóm, ấp.

Căn cứ vào kế hoạch thực hiện Tiểu dự án 3 “ Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, Dự án 5 “Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”.

Trên cơ sở đặt hàng của Phòng Lao động – Thương binh và xã hội thành phố Bạc Liêu, trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Bạc Liêu đã xây dựng kế hoạch triển khai đào tạo nghề sơ cấp, dưới 03 tháng lao động nông thôn và phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn thành phố Bạc Liêu. Đối tượng tham gia là người dân, người lao động trong độ tuổi lao động sinh sống trên địa bàn TP Bạc Liêu.

Thời gian qua, nhà trường đã tích cực triển khai chương trình đào tạo nghề với tổng số 120 lớp, thu hút 3.476 học viên tham gia hoàn thành chương trình tại 4 địa điểm: TP Bạc Liêu; huyện Đông Hải; huyện  Hòa Bình ; Thị xã Giá Rai. Các học viên vừa được giảng viên đào tạo, hướng dẫn ngay tại cơ sở, vừa được tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, giúp người lao động phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế vốn có từ điều kiện đặc thù tự nhiên, phát huy năng lực sản xuất ở các ngành nghề. Kết thúc chương trình đào tạo, các học viên đều được cấp chứng chỉ chương trình đào tạo.

Các lớp đào tạo ở các nghề như: Chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản, trồng rau an toàn, sản xuất lúa chất lượng cao. Qua đó, các học viên được trang bị, nắm vững những kiến thức cơ bản về khoa học kỹ thuật, rèn luyện kỹ năng nghề thuần thục và vận dụng tốt trong thực tiễn đời sống sản xuất, cũng như có cơ hội tham gia vào thị trường lao động,  khẳng định các vị trí việc làm tại các doanh nghiệp.

Nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, góp phần phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Bạc Liêu, nhà trường còn được phê duyệt 5 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 và đến năm 2025 ở các nghề mũi nhọn : Nuôi trồng thủy sản, chế biến và bảo quản thú sản; chăn nuôi thú y; quản trị nhà hang và dịch vụ ăn uống, nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn.

Được biết trong năm 2024, Bạc Liêu sẽ phấn đấu tiếp tục đào tạo nghề cho khoảng 14.000 người. Trong đó, đào tạo trình độ Cao đẳng, trung cấp là 1.500 người; đào tạo sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 12.000 người và đào tạo khác là 500 người. Mục tiêu đến cuối năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70% và sẽ tham gia giải quyết việc làm trong nước cho 18.500 lao động.

Với vai trò là “đầu tàu” trong công tác định hướng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng, trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Bạc Liêu sẽ tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Bạc Liêu trong trong thời gian tới.

Bình Minh